Khủng hoảng kinh tế thế giới đã đem đến nhiều bài học đắt giá cho các quốc gia trong đó có Việt Nam và cũng là bài học khó quên khi chúng ta dự định sử dụng những liều thuốc hồi sức cho nền kinh tế thời kỳ “hậu khủng hoảng” như cơ cấu lại nền kinh tế, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới.
Cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày 9/7, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế của từng quốc gia nói riêng sẽ được cơ cấu lại, trong đó các ngành, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm do cuộc khủng hoảng kinh tế lần này gắn liền với cuộc khủng hoảng năng lượng và môi trường.
Cuộc khủng hoảng hiện nay còn cho thấy chiến lược hướng mạnh ra xuất khẩu một cách quá mức có thể đưa tới những khó khăn nghiêm trọng khi thị trường ngoài nước chao đảo, do đó có thể sẽ diễn ra xu thế cơ cấu lại thị trường theo hướng cân bằng hơn giữa trong nước và ngoài nước.
Những con số do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cung cấp cho thấy, thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản giảm nhu cầu nhập khẩu (hiện chiếm khoảng 60% tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam) đã gây khó khăn rất lớn cho Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ giảm 7%, vào EU giảm 10%, vào ASEAN giảm 6%. Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 27,57 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008.
Nhận định cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục yếu đi sau khủng hoảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chiến lược quan trọng bậc nhất sau giai đoạn khủng hoảng là xây dựng một chiến lược thương mại mới trên nền tảng cân đối giữa thị trường nội địa và bên ngoài.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng đã tạo một khoảng lặng cần thiết để Việt Nam xem xét và đánh giá lại mô hình phát triển.
Theo Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, mô hình tăng trưởng trước đây còn nhiều hạn chế (cơ cấu hàng xuất khẩu lạc hậu, tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư nhà nước) và khủng hoảng tài chính chính là cơ hội để điều chỉnh mô hình với tổn phí điều chỉnh thấp. Khủng hoảng tài chính không chỉ tạo cơ hội thử thách tính hiệu quả và khả năng thích nghi của các doanh nghiệp nước ta mà còn tăng khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp rút ra bài học về quản trị từ các nước khác, mà không phải trải qua tổn phí trực tiếp, tăng khả năng tiếp cận với lao động nước ngoài có trình độ cao hơn lao động trong nước, nhưng bị mất việc làm ở nước ngoài.
Doanh nghiệp nước ta cần có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, ngành hàng để có thể tranh thủ các cơ hội của quá trình tái cơ cấu kinh tế quốc tế mang lại, nhất là định hướng về thu hút các dòng đầu tư nước ngoài.
Cùng với việc duy trì mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết để chiếm lĩnh thị trường nội địa, coi đây là hướng cơ bản và lâu dài, trong đó chú trọng thị trường nông thôn, nơi chiếm hai phần ba dân số nước ta.
Một hướng đi trong quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp là tập trung vào thị trường nội địa.
Thị trường nội địa của Việt Nam rộng lớn, nhiều nước muốn xâm nhập vậy không có lý gì chúng ta lại bỏ trống. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trung bình của tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa khoảng 23%. Những năm gần đây, xu hướng này tăng cao hơn. Năm 2008, dù lạm phát cao nhưng tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ tăng đến 35% và có giá trị 58 tỷ USD.
Một số chuyên gia cho rằng, điều quan trọng không chỉ là khôi phục tốc độ tăng trưởng cao mà chủ yếu là tăng trưởng với hiệu quả, chất lượng ra sao, với một cơ cấu kinh tế thế nào. Muốn vậy, việc tái cấu trúc kinh tế một cách cơ bản nền kinh tế nước ta, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, khắc phục những yếu kém bộc lộ trong thời khủng hoảng có ý nghĩa sống còn.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ