Những lá thư đặc biệt của cô giáo mầm non sau 13 năm

Một cô giáo ở Úc gần 40 năm dạy ở trường mầm non đều yêu cầu học sinh viết ra giấy nghề nghiệp họ yêu thích trong tương lai hằng năm, rồi bà lại gởi những mẩu giấy ấy cho học trò khi họ trưởng thành.


Cô giáo White giữ những lá thư cho đến một ngày học trò cũ chuẩn bị bước vào đời, 
và gởi chúng về lại cho chủ nhân để tiếp thêm sức mạnh

Tờ The Sydney Morning Herald mang đến câu chuyện một giáo viên mầm non ở Úc với cách làm rất lạ, nhưng vô cùng ý nghĩa với những học sinh 17, 18 tuổi, đang chuẩn bị hành trang để bước vào đời.
Bà Lynden White rất thích cái tên “Cô White” vì đó là cách bọn trẻ mầm non thường gọi trong gần 40 năm qua. Mỗi năm, bà White đều yêu cầu các học trò viết lá thư nhỏ nói về giấc mơ nghề nghiệp của họ trong tương lai. Cuối tuần qua, bà White đã rất bận rộn đi lại trên đường để gởi một chồng thư cho học trò cũ của mình.
Và những cô cậu bé học trò mầm non ngày ấy không ngờ hơn chục năm sau, những bức thư ấy lại được gởi về khi họ trưởng thành, tiếp thêm nghị lực để họ tự tin bước vào đời.
Tom Newby, học sinh trung học 17 tuổi, nhận được lá thư đặc biệt vào tuần này, bao gồm bản viết tay của chính mình 13 năm trước, cùng với lá thư của giáo viên mầm non cũ. Ngày ấy, Tom đã viết muốn trở thành thám tử khi lớn lên để có thể giúp những ai bị mất đồ đạc tìm lại được. Cậu bé Tom đã tự vẽ một Tom thám tử trong tương lai với đôi giày đỏ dưới ánh mặt trời.
Và Tom chỉ là một trong số 26 học sinh ở trường mầm non khóa 2004 của Trường Mầm non Birchgrove, thành phố Sydney, Úc. Những ước mơ của các cô bé, cậu bé ngày ấy được bà White lưu giữ kín trong tủ của bà.
Nhớ như in từng học trò cũ
Sau khoảng 13 năm, địa chỉ nhà của nhiều học sinh vẫn không thay đổi. Một số khác lại chuyển nhà đi nơi khác.
Trong số đó, bà White vẫn nhớ đến một cậu học trò cũ đáng yêu nhưng đã thay đổi nơi ở. Để tìm được địa chỉ mới của học trò cũ, bà White kể: “Tôi tìm trên Google tên cậu ấy và tìm thấy lá thư nhập học của cậu ấy. Khuôn mặt thằng bé không thay đổi mấy và tôi đã gởi lá thư lúc nhỏ của thằng bé tới trường cậu đang học”.
Bà cũng nhận thấy nhiều học trò thường có tài khoản trên Facebook và tự hỏi: “Bọn trẻ sẽ cảm thấy thế nào về cô giáo mầm non cũ kết bạn với chúng trên Facebook?”.
Mặc dù các địa chỉ của học trò hiện tại không dễ tìm nhưng bà White đã gởi được cho 21 trong số 26 học sinh cũ. Một số năm bà chỉ tìm được một ít địa chỉ mới của học trò.
Bà nói rằng: “Khi còn học mầm non, bạn tự tìm hiểu về bản thân. Giáo viên tập trung dạy bạn nhiều kỹ năng xã hội và đặt nền tảng cho cuộc sống sau này… Khi học ở lớp, chúng ta có thể mắc lỗi và đó không phải vấn đề, không có gì phải căng thẳng. Chỉ cần cho bọn trẻ thời gian, đừng nóng vội và rồi chúng sẽ sẵn sàng, và chúng sẽ bay cao”.

Tiếp thêm niềm vui sống từ ký ức thơ ngây
Bà hy vọng các học trò khi nhận được những lá thư của chính họ ngày ấy sẽ giúp họ, những học sinh năm cuối ở trường trung học, sẽ thêm động lực để vào đời.
Bà chia sẻ rằng: “Tôi muốn bọn trẻ bằng lòng với bất cứ điều gì xảy đến… Tôi muốn bọn trẻ cảm thấy vui vẻ. Ngoài các cuộc thi ở trường, cuộc sống còn có nhiều điều ý nghĩa hơn thế”.
Bà hiểu rằng một số học trò cũ sẽ cảm thấy thất vọng với kết quả hiện tại của họ, nhưng bà muốn học trò của mình hãy nhìn về tương lai, và nghĩ về khoảng thời gian dài họ đã trải qua từ những ngày đầu họ đến trường.
“Tôi muốn bọn trẻ nhớ rằng họ đã làm được gì, đã mơ gì lúc còn bé, và tiếp tục phấn đầu cho những ước muốn ngây ngô ngày ấy”.
Trong bức thư gởi cho Tom, bà White viết: “Tom thân yêu, cô tự hỏi chắc là em đã không còn chọn nghề nghiệp cũ. Cô muốn chúc em tất cả mọi điều tốt đẹp và hy vọng em đạt được những điều em phấn đấu. Dù cho điều gì xảy đến cô vẫn chúc em hạnh phúc và thành công trong những năm tới”. Và ký tên “Những ký ức thơ ngây: Cô White”.
Với những học trò cũ, cô giáo White ngày ấy là một người tuyệt vời, với một trí nhớ tuyệt vời.
Nhớ về cô giáo cũ, Tom chia sẻ: “Cô ấy vẫn không ngừng quan tâm đến tất cả chúng tôi sau ngầy ấy năm”.

Theo Thanh niên