Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ trong năm đầu tiên
Từ khi sinh ra cho đến 4 tháng tuổi
– Biết mấp máy môi rồi đến bập bẹ: Đây là những âm thanh chủ ý đầu tiên từ trẻ ngoài tiếng khóc chào đời. Tiếp đến những âm thanh “ồ, à,..”. Có thể trẻ chưa có thể diễn đạt bằng lời, nhưng sự gia tăng kiểm soát ở các cơ thanh âm và một hệ thống gọi là phản hồi thính giác cho phép trẻ trở nên quen thuộc với âm thanh ngôn ngữ.
– Đến 3 tháng trẻ có thể phân biệt giữa giọng mẹ và giọng những người phụ nữ khác. Sang tháng thứ 4 trẻ có thể hiểu và phản ứng theo nhịp nói chuyện của người chăm sóc. Trong giai đoạn này, trẻ phản ứng lại với giọng nói bằng cách yên lặng, lắng nghe và quay đầu. Trẻ dễ mở to mắt hoặc tỉnh giấc vì tiếng nói lạ trong phòng yên tĩnh.
Từ 5 đến 8 tháng tuổi
– Có thể phát ra được 3 hay nhiều âm thanh hơn trong 1 lần hít thở. Trẻ hưởng ứng khi được gọi tên bằng cách nhìn ngó, lắng nghe, mỉm cười và yên lặng.
– Trẻ có thể định hướng nguồn âm không trong tầm mắt. Trẻ cười, ríu rít, mấp máy môi với những người quen, đặc biệt là khi chơi và bắt đầu tìm kiếm âm thanh mới lạ và biết cách gây sự chú ý bằng tiếng nói.
Từ 9 đến 12 tháng tuổi
– Bắt chước âm thanh và lắng nghe những từ quen thuộc. Trẻ biết nói “không” và lắc đầu, có thể nói 2 hoặc 3 từ với bố mẹ trong khi những người khác có thể không hiểu.
– Trẻ sáng tạo những từ ngữ riêng để gọi tên đồ vật hoặc ai đó, bập bẹ các âm thanh nghe giống như đang nói chuyện với ngữ điệu không giống nhau. Trẻ vẫy tay khi nghe những yêu cầu bằng ngôn ngữ và hưởng ứng những trò chơi tương tác (trò ú tim). Bắt đầu nhận ra vật/hình ảnh qua tên gọi và có thể hiểu được 100 từ.
Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ trong năm thứ hai
Giữa 14 và 18 tháng tuổi
– Trẻ trong giai đoạn này biết nói rõ ràng 4 từ trở lên và gọi tên một vài đồ vật nếu có ai đó chỉ trỏ đến chúng. Trẻ có thể sử dụng ít nhất là một từ để diễn đạt ý như măm, ba, mẹ,…
– Trẻ cũng tự sáng tác ra những từ ngữ đầy ý nghĩa. Trẻ bập bẹ hoặc nói trong điện thoại đồ chơi và giả vờ như đang trò chuyện và nghe một số yêu cầu đơn giản từ người lớn.
Từ 18 đến 20 tháng tuổi
Trẻ biết lắng nghe những câu chuyện ngắn hoặc âm nhạc và nghe theo các chỉ dẫn bằng lời nói. Phân biệt âm thanh và nhại lại các từ, các âm thanh thường xuyên hơn. Sử dụng 10-15 hoặc nhiều từ khác nhau.
Trẻ 24 tháng tuổi
– Trẻ biết lắng nghe những câu chuyện ngắn và xác định hành động/nhân vật trong sách và phân biệt người theo tên riêng. Sử dụng những câu đơn giản biết phối hợp giữa các từ với nhau tạo nên câu có cả danh từ, động từ. Ví dụ như ăn cơm, đi bà ngoại,…
– Trẻ nhận dạng được các phần cơ thể, quần áo, các đồ vật, các hành động thông thường và bắt đầu biết nghe theo những chỉ dẫn 2 bước đơn giản. Biết nói “không”, điều này báo hiệu sự chuyển biến trong nhận thức về bản thân và mong muốn độc lập của trẻ và vốn từ giao tiếp lúc này lên đến 300 từ.
Sự phát tiển ngôn ngữ ở trẻ 3 tuổi
– Trẻ hiểu được đến 50 000 từ và hầu hết những kỹ năng giao tiếp cần thiết cần cho giao tiếp xã hội. Trong giai đoạn này, mỗi tháng trẻ lại tự bổ sung thêm nhiều từ mới. Trẻ 3 tuổi có thể ngân nga một số giai điệu đơn giản và hát. Trẻ cũng biết kể chuyện, mặc dù cấu trúc có thể chưa chính xác. Ngoài ra trẻ có thể đếm nhưng vẫn chưa hiểu rõ khải niệm số lượng.
– Trẻ trả lời được các câu hỏi (ai, nơi đâu và thế nào) và cũng thường xuyên đặt những câu hỏi cho người lớn. Trẻ sử dụng câu có từ 3-4 từ trở lên, sử dụng từ để diễn đạt quan sát, ý nghĩa, ý tưởng. Trẻ hiểu những khái niệm về thời gian đơn giản (hôm qua, giờ ăn trưa, tối nay) và nhận biết màu sắc, tên gọi, địa chỉ.
Sự phát tiển ngôn ngữ ở trẻ 4 tuổi
– Sử dụng các câu được nối với nhau (câu nói đã gồm ít nhất 5 từ) và bắt đầu biết tranh luận bằng lời nói. Trẻ 4 tuổi có thể kể lại những trải nghiệm hoặc những sự kiện đơn giản theo trình tự cũng như hát lại những đoạn lời hát, giai điệu ngắn theo trí nhớ và có thể nói rõ ràng.
– Trẻ sử dụng những câu đùa, ngôn ngữ ngô nghê và diễn những mẩu kịch ngắn. Khi nói chuyện có thể trả lời các câu hỏi, đưa ra thêm thông tin, lặp lại và chuyển tải ý tưởng và đặt các câu hỏi (vì sao, khi nào, như thế nào và ở đâu. Trẻ hiểu được trình tự của sự kiện, ý nghĩa của các từ nối cấu trúc so sánh.
Sự phát tiển ngôn ngữ ở trẻ 5- 6 tuổi
Trẻ 5 tuổi sử dụng lượng lớn ngôn ngữ và vận dụng linh hoạt vào giao tiếp và vận dụng từ ngữ chính xác hơn. Trẻ sử dụng ngữ pháp phức tạp hơn cũng như số nhiều và thì chính xác hơn. Trẻ thể hiện bản thân với tông giọng khác nhau. Trẻ bắt đầu học ngôn ngữ viết để chuẩn bị cho việc đến trường.
Trẻ khó khăn trong ngôn ngữ (nói và hiểu)
Mức độ nhẹ: Đến 2 tuổi, số từ mà trẻ nói còn ít, chưa kết hợp câu được, nhưng trẻ hiểu được lời người khác nói. Trong trường hợp này, nếu chú ý dạy cho trẻ nói, đến 3 tuổi trẻ sẽ có ngôn ngữ (hiểu và nói) bình thường của lứa tuổi.
Trường hợp đáng lo ngại: Đến 3 tuổi, vốn từ của trẻ quá nghèo nàn, trẻ chưa biết cách phối hợp từ để thể hiện nhu cầu và sự hiểu biết của mình là một vấn đề không bình thường. Trong các trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi để kiểm tra trí tuệ (test IQ).
Từ khi sinh ra cho tới khi trẻ 5- 6 tuổi, sự phát triển ngôn ngữ diễn ra ở tốc độ nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong đời. Trong thời gian này trẻ nhanh chóng phát triển các kỹ năng có thể giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và trở nên thành thạo trong các mối quan hệ xã hội.
Theo Cửa sổ tình yêu