Cùng dự cuộc họp có các ông: Michel Welmond – Trưởng nhóm Chuyên gia Giáo dục, Ngân hàng Thế giới; Hans Lambrecht – Cố vấn Hỗ trợ Ngân sách, Cơ quan phát triển Bỉ; Trần Đình Thuận – Giám đốc Ban quản lý dự án SEQAP, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư…
Mục tiêu của đợt đồng đánh giá cuối cùng nhằm đưa ra các khuyến nghị cho quý cuối cùng và giai đoạn kết thúc dự án. Buổi họp này cũng chuẩn bị cho báo cáo kết thúc dự án.
Đợt đánh giá cuối kì của SEQAP nhằm đánh giá tiến độ thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9/2016, bao gồm các hoạt động trong các quý II và II của kế hoạch hoạt động năm 2016
Các phiên làm việc kĩ thuật từ ngày 10-14/10 nhằm xem xét các hợp phần về giám sát và đánh giá; các nguồn lực hướng tới trẻ em vùng khó; kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số; cải thiện khung chính sách; cải thiện cơ sở vật chất; quản lý tài chính, mua sắm, đấu thầu và phát triển bền vững khi SEQAP kết thúc.
Đoàn công tác đã tổ chức hội thảo đánh giá tác động và hiệu quả của chương trình vào ngày 15/10; đi thực địa tại hai huyện Đắc Tô và Kon Rẫy (Tỉnh Kon Tum), làm việc với chính quyền địa phương.
Tóm tắt về kết quả thực hiện của chương trình, ông Trần Đình Thuận – Giám đốc Ban quản lý dự án SEQAP – cho biết: Tại thời điểm cuối năm học 2015-2016, có 1.628 trường tiểu học ở 284 huyện thực hiện SEQAP với 647.117 học sinh, trong đó có 281.781 học sinh dân tộc thiểu số. Có 606.220 học sinh học cả ngày, chiếm tỉ lệ 94%.
Chương trình đã tổ chức xây dựng các tài liệu phục vụ dạy học cả ngày (FDS) như sổ tay hướng dẫn hoạt động của các trường FDS, các cuốn sách dạy học đảm bảo chất lượng môn tiếng Việt và môn toán, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường tiểu học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn qua phân tích bài học và khai thác chuyên đề dạy học…
Chương trình còn có các hoạt động hỗ trợ nhà trường và học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên…
Ông Trần Đình Thuận nhận định: SEQAP đã hoàn thành các mục tiêu của chương trình, đã đạt được nhiều thành công trong tất cả các hợp phần. Nhiều hoạt động đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Chương trình đã thay đổi nhận thức về dạy học cả ngày của nhân dân và cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm cho trường và các cấp quản lý để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, SGK mới cũng như góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của cấp tiểu học.
Ông Michel Welmond – Trưởng nhóm Chuyên gia Giáo dục, Ngân hàng Thế giới – nhận xét: SEQAP đã cơ bản đạt được những chỉ số, mục tiêu đã đề ra, có sự cải thiện rõ rệt trong các chỉ số. Hầu hết các hoạt động đã được thực hiện trong kế hoạch.
Một trong những thành công lớn nhất của SEQAP chính là sự đóng góp vào chương trình bồi dưỡng giáo viên quốc gia. Phòng học, nhà vệ sinh, phòng đa năng được xây dựng đã đóng góp đáng kể vào những thành công của SEQAP.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao kết quả của việc thực hiện chương trình SEQAP trong thời gian vừa qua và khẳng định đến thời điểm này đa số các chỉ số của dự án đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Dự án giúp cho những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, đó là điều kiện rất tốt để có thể duy trì việc dạy học cả ngày.
Dự án đã đạt rất nhiều thành công. Sau khi kết thúc dự án, dưới sự tham mưu của các Vụ/ Cục chức năng, Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo để tiếp tục duy trì việc dạy học cả ngày. Bộ sẽ tiếp nhận toàn bộ các sản phẩm nghiên cứu cũng như kết quả của SEQAP để sử dụng cho các trường dạy học cả ngày trên toàn quốc.
“Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ tiếp tục có các dự án, chương trình tương tự SEQAP cho các vùng khó khăn, vùng sâu xa, vùng đông học sinh dân tộc thiểu số” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.
Theo Giáo dục và Thời đại