6 bài học lãnh đạo từ ồng trùm tài chính JP. Morgan

Ngày nay khi nhắc đến John Pierpont Morgan, chúng ta vẫn thường nghĩ tới một trong những ông trùm nhà băng khét tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông được gọi là “thần Jupiter của phố Wall”.


Ảnh minh họa

Ông sinh ra trong triều đại của ngân hàng Morgan vào năm 1837. Ông thành lập ngân hàng J.P. Morgan & Co vào năm 1871 – ngân hàng này sau đó được sát nhập với Chase Manhattan Bank trở thành JPMorgan Chase vào năm 2000. Ngày nay, JPMorgan Chase vẫn là ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Morgan đã thành lập cũng như hỗ trợ cho sự tồn tại của nhiều công ty lớn còn tồn tại đến ngày này như General Electric, U.S. Steel, và AT&T. Khi ông mất ở tuổi 75 vào năm 1913, ước tính tài sản của ông là 80 triệu USD.

Morgan thống trị cả thế giới tài chính và các ngành công nghiệp suốt thế kỷ thứ 19. Ông đứng sau nhiều công ty cũng như định hình nên nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như ngành thép và đường sắt.

Dưới đây là 6 bài học về lãnh đạo mà thế hệ trẻ ngày nay có thể học hỏi từ ông trùm tài chính J.P. Morgan.

1. Tạo dựng niềm tin

Morgan cho rằng niềm tin là yếu tố cốt lõi trong kinh doanh. Điều này đã được ông chia sẻ trước Ủy ban Quốc hội vào năm 1912 – trước khi ông mất 1 năm. Cụ thể, khi được hỏi rằng tín dụng thương mại nên dựa trên tài sản hay tiền bạc, Morgan trả lời:

“Điều đầu tiên tôi quan tâm đó là niềm tin. Tôi không thể bỏ tiền hay bất cứ tài sản gì cho một người mà tôi không biết rõ hoặc biết nhưng không có sự tin tưởng. Tôi cho rằng cơ sở cốt lõi của kinh doanh là việc tạo dựng niềm tin”.

2. Lường trước thất bại

J.P. Morgan đã từng thành lập rất nhiều công ty khác nhau, từ General Electric đến Erie Railroad. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng làm ăn thuận lợi. Trên thực tế, Morgan cũng đã vài lần thất bại.

Khi ông chủ nhà băng này cố gắng để thâm nhập thị trường ngầm London, ông đã bị đánh bại bởi Charles Tyson Yerkes. Yerkes đã phá hoại mọi nỗ lực của Morgan trong việc xây dựng các tuyến đường ngầm cạnh tranh với ông ta.

3. Chấp nhận thay đổi

Trong một lần tham gia sự kiện, khi được hỏi rằng ông dự đoán thị trường sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tiếp theo, Morgan chỉ đáp ngắn gọn “Thị trường sẽ biến động”. Tuy nhiên, ông đã không được chứng kiến những biến động này bởi mãi đến năm 1934 – hơn 2 thập kỷ sau khi Morgan mất, thị trường mới biến động.

Morgan luôn chấp nhận sự thay đổi và thích ứng với nó trong suốt cuộc đời mình. Ông nắm bắt những thứ có khả năng thất bại và phân tích nó theo “ngôn ngữ Morgan”.

“Ông ấy mua lại những công ty đang gặp vấn đề, sa thải những nhà lãnh đạo cũ không đủ năng lực và thay thế bằng người của mình. Sau một thời gian, rất nhiều trong số những công ty này đã phục hồi và mang lại lợi nhuận cho J.P. Morgan” – Bloomberg nhận định.

4. Theo đuổi đam mê

Bản thân J.P. Morgan từng tự nghiên cứu về khoa học nhân văn, ông cũng nhận bằng Lịch sử của Đại học Göttingen. Sau đó, ông còn tham gia thành lập và đóng góp cho Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.

“Đừng để cho bất cứ ai nói rằng bạn đam mê những thứ “vô dụng”. Hãy để bất cứ điều gì bạn đam mê cũng trở thành ý nghĩa” – Morgan chia sẻ.

5. Giữ vững lập trường

Năm 1912, J.P. Morgan đã có một quyết định thoát chết trong gang tấc khi ông hủy đặt phòng trên con tàu Titanic định mệnh. “Trong cuộc sống, thất thoát tiền bạc không phải là điều đáng kể. Cái chết mới là điều đáng sợ nhất” – Morgan chia sẻ với tờ New York Times sau thảm kịch Titanic.

6. Tạo dựng các mối quan hệ mạnh

Cho đến nay, Morgan vẫn được coi là người đã giải cứu Chính phủ Mỹ khỏi cơn khủng hoảng tài chính năm 1907 do đầu cơ thất bại và trận động đất ở San Francisco năm 1906 đã gây nên cuộc tháo chạy của hệ thống ngân hàng khắp nước Mỹ.

Theo giới phân tích, J.P. Morgan làm được điều này bởi ông có mối quan hệ sâu sắc và rộng rãi trên khắp cộng đồng tài chính-kinh doanh. Ông đã tập hợp những chuyên gia tài chính hàng đầu đến nhà mình trên Đại lộ số 34, tổ chức các cuộc đàm phán để quyết định xem tổ chức tài chính nào được giữ lại và tổ chức nào sẽ phải “chết”.

Theo Trí Thức Trẻ