Lo ngại trước việc thực phẩm bẩn tràn lan sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh, Sở NNPTNT thành phố đã kết nối các nhà cung ứng thực phẩm vào các trường học.
Kiểm soát nguồn thực phẩm tốt hơn
Sở NNPTNT đánh giá, thị trường sản phẩm nông nghiệp hiện tại rất đa dạng và phong phú. Với những thông tin thực phẩm bẩn tràn lan, giờ đây rất khó nhận biết đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn với người tiêu dùng, cũng như với các trường mầm non có bếp ăn bán trú.
Theo đó, kế hoạch dài hạn của Sở NNPTNT là phối hợp với Sở GDĐT tổ chức nhiều chương trình “Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến các trường học trên địa bàn thành phố”. Chương trình được sự tham gia của các phòng GDĐT của nhiều quận, huyện, các đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn và nhiều giáo viên các trường mầm non, tiểu học và THCS.
Thời gian qua, Sở NNPTNT cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn để năng cao biện pháp nhận biết nguồn thực phẩm an toàn. Qua đó, giúp các trường cập nhật thêm những kiến thức về các sản phẩm nông nghiệp, kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm sử dụng trong các bếp ăn trường học. Qua thực tiễn, nhiều cán bộ, giáo viên TP.HCM tỏ ra hào hứng với các vấn đề như: Biện pháp kiểm soát nguồn rau củ quả, kiểm soát nguồn thịt an toàn, hướng dẫn kiểm tra nguồn thủy sản, quản lý chất lượng…
“Mới đây, Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị hữu quan tổ chức hội nghị với thành phần chính là các giáo viên đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học của thành phố. Các nhà sản xuất, phân phối thực phẩm tham gia hội nghị đều đạt chứng nhận VietGAP và đã được Sở NNPTNT tiến hành kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ” – bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, cho biết.
Nên có giá cả hợp lý
Việc Sở NNPTNT đang từng bước cố gắng đưa thực phẩm sạch vào các trường học được nhiều ban ngành, các đơn vị phối hợp cũng như nhiều giáo viên đồng tình. “Thế nhưng, thực phẩm không chỉ sản xuất sạch là đủ mà phải kiểm soát chặt chẽ quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản. Vì vậy, nhà trường phải chú ý thêm khâu này” – bà Cúc nói.
Cô Nguyễn Thị Thảo – giáo viên một trường mầm non tại quận 1, cho biết: “Hiện nay, thực phẩm bẩn tràn lan nên đưa thực phẩm sạch vào trường học là phương án hợp lý. Việc này giúp các bé có bữa ăn ngon miệng, hợp vệ sinh mà tâm lý giáo viên cũng thấy an toàn”.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên mong muốn Sở cần tổ chức nhiều hơn những chuyến tham quan thực tế đến các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, để các trường có điều kiện chọn lựa tốt hơn, đảm bảo hơn. “Các đơn vị cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng cũng xem xét lại giá thành hợp lý để các trường có điều kiện tiếp cận sản phẩm, bởi đa số các trường tham dự đều là trường công lập nên kinh phí hạn hẹp” – thầy Hồ Hữu Bình – giáo viên THCS ở quận 10, nêu ý kiến.
Theo bà Cúc, Sở NNPTNT cam kết sẽ nỗ lực kêu gọi các nhà cung ứng cùng tính toán giá cả hợp lý nhằm giúp các trường có điều kiện sử dụng sản phẩm tốt nhất cho các bữa ăn của học sinh.
Theo Dân trí