Như thế nào là “phát cảm ngôn ngữ”?
Theo PGS.TS Trần Thị Thu Mai – Phó trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư Phạm TP.HCM, những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ nên được các chuyên gia gọi là thời kỳ “phát cảm về ngôn ngữ”. Lúc bấy giờ, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm và “thấm hút” rất nhanh ngôn ngữ tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày, từ đó giúp trẻ dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau.
Đồng quan điểm là Tiến sĩ Tâm lý, chuyên gia ngôn ngữ Mỹ Elaine Schneider, bà cho rằng não bộ của trẻ nhỏ giống như miếng bọt biển hút các thông tin xung quanh, trong đó có ngoại ngữ. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh 4-5 tuổi là thời điểm lý tưởng để trẻ bắt đầu tiếp thu một ngôn ngữ mới như tiếng Anh.
Lợi ích của việc học ngoại ngữ sớm
Khi được tiếp xúc với tiếng Anh trong độ tuổi “phát cảm ngôn ngữ”, trẻ sẽ nắm trong tay nhiều lợi ích cho sự phát triển lâu dài. Đầu tiên hơn hết là trẻ có cơ hội tiếp thu Anh ngữ thật tự nhiên, giúp tạo nền tảng Anh ngữ vững vàng.
Do trong độ tuổi nhạy với ngôn ngữ, kỹ năng nghe nói của trẻ sẽ rất phát triển, đặc biệt là phát âm rất chuẩn xác. Thêm vào đó, từ quá trình ghi nhớ từ vựng và phát âm, não bộ của trẻ sẽ được rèn luyện thường xuyên thêm dẻo dai và sáng trí. Thậm chí, một nghiên cứu của ĐH Havard cho thấy trẻ học ngoại ngữ sớm còn rèn luyện được tư duy phản biện, nhạy bén và sáng tạo.
Trẻ cần môi trường phù hợp để phát triển toàn diện
Chính vì đang trong độ tuổi quan trọng, môi trường học tiếng Anh của trẻ cần được cha mẹ cân nhắc kỹ lưỡng. Xác định được một nơi để gửi gắm con với những điều kiện phù hợp và chất lượng giảng dạy đảm bảo nên là điều kiện tiên quyết của các bậc phụ huynh.
Theo Dân trí