8 điều nên làm khi nhận công việc mới

Họ chào hỏi tất cả mọi người, kết nối với đồng nghiệp mới trên mạng xã hội và luôn hỏi rất nhiều để nắm tình hình nhanh nhất có thể.


Ảnh minh họa

1. Giới thiệu bản thân

Hãy tích cực chào hỏi mọi người, dù là bạn đang ở trong thang máy, bếp hay nhà vệ sinh. Sau này, nó sẽ có tác dụng đấy.

Công ty của bạn có thể là nơi có văn hóa bận rộn, làm việc tốc độ cao. Vì thế, họ không có thời gian chào hỏi bạn đâu. Hãy bắt đầu với nhóm người gần mình nhất và những người bạn sẽ trực tiếp làm việc. Họ sẽ rất vui vẻ đón nhận bạn.

2. Hỏi thật nhiều

Hãy tham gia vào nhiều hoạt động nhất có thể trong tuần đầu tiên. Nếu bạn có kế hoạch thực hiện những thay đổi lớn, việc đầu tiên là bạn phải hiểu mọi thứ đang diễn ra như thế nào, và giành được niềm tin của những người cùng nhóm đã.

3. Phải khiêm tốn

Chẳng ai thích những người biết tuốt đâu. Và sự thực là kể cả bạn là người giàu kinh nghiệm nhất thế giới, bạn cũng chẳng thể biết hết mọi việc được.

Khi đồng nghiệp mới, hoặc sếp muốn cho bạn lời khuyên, hãy nhận lấy. Đừng bao giờ nói những câu như: “Ở công ty cũ của tôi ấy, chúng tôi làm thế này này”. Mọi người đều rất ghét điều đó.

Và kể cả nếu bạn đã biết mình đang làm gì rồi, việc cởi mở đón nhận lời khuyên của mọi người sẽ khiến đối phương cảm thấy vui vẻ. Và nó sẽ giúp ích cho bạn nếu có một ngày bạn thực sự cần lời khuyên.

4. Kết bạn với một nhân viên lão làng

Các công ty đều có ngôn ngữ và câu chuyện riêng. Hãy tìm đến những người có thể giúp bạn giải mã những từ viết tắt, hoặc những câu chuyện chính trị chốn công sở. Bạn cũng sẽ cần ai đó chỉ cho bạn những thứ lặt vặt. Ví dụ, bạn không thể hỏi sếp bút chì lấy ở đâu được.

5. Tìm các địa điểm lân cận, như nhà thuốc, hàng ăn

Hãy tìm hiểu xung quanh công ty có những dịch vụ gì. Bạn nên biết nơi nào có thể mua sandwich, dẫn người khác đi uống cà phê, hay ăn trưa với đối tác.

6. Ăn trưa với nhiều nhóm người

Kết bạn ở công sở quan trọng hơn nhiều bạn tưởng tượng đấy. Và không bao giờ là quá sớm để bắt đầu kết thân với họ. Hãy mở rộng diện tiếp xúc ngoài những người bạn làm việc trực tiếp hằng ngày, bằng cách mời nhiều nhóm người đi ăn trưa hoặc uống cà phê.

Việc này còn nhiều lợi ích khác nữa. Ví dụ, bạn sẽ biết được thêm rất nhiều nơi ăn uống ưng ý.

7. Xuất hiện nhiều nhất có thể

Hãy tới nhiều cuộc họp nhất có thể và đừng ngại phát biểu. Nó sẽ không chỉ giúp bạn cảm nhận được ai và cái gì là quan trọng trong công ty, mà những người khác cũng sẽ dần quen với sự xuất hiện của bạn.

8. Củng cố các mối quan hệ trên mạng xã hội

Một khi bạn đã chính thức nhận việc, hãy bắt đầu cập nhật công việc của mình trên mạng xã hội và kết nối với công ty, đồng nghiệp mới. Khi gặp người mới, hãy củng cố mối quan hệ đó bằng việc kết bạn với họ trên Twitter hay LinkedIn. Còn Facebook khá cá nhân, nên hãy hạn chế.

Theo VnExpress