Công nghệ số đang tạo lợi thế lớn cho những doanh nghiệp biết kết hợp Marketing hiện đại và truyền thống

Sự phát triển của công nghệ số đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) bán hàng, đặc biệt là những DN biết kết hợp marketing hiện đại (tiếp thị trực tuyến) với truyền thống (tại điểm bán). 


Ảnh minh họa

Chia sẻ của TS. Nguyễn Xuân Trường – Trưởng khoa Marketing Đại học Tài chính – Marketing, tại Hội thảo Việt Nam Digital Marketing 2016 cho thấy, có hơn 90% DN tại TP.HCM từng sử dụng công cụ tiếp thị trực tuyến. Trong số này, hơn 85% vẫn kết hợp tiếp thị trực tuyến với các phương thức tiếp thị truyền thống, chỉ có khoảng 15% triển khai tiếp thị trực tuyến độc lập.

Trong đó, online advertising, email marketing, SEO, online PR, mobile marketing, social media… là các hình thức tiếp thị trực tuyến phổ biến.

Nhận thấy hiệu quả, nên có khoảng 60% DN tại TP.HCM từng sử dụng công cụ tiếp thị trực tuyến cho biết có ý định tăng ngân sách cho hình thức marketing này từ đây đến 2020.

Nhưng marketing trực tuyến chỉ tác động đến khách hàng trước khi họ quyết định mua hàng. Còn trên thực tế, chính các nhà bán lẻ, đặc biệt là những người bán hàng trực tiếp tại cửa hàng mới là đối tượng tác động rất lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng (NTD).

Thực tế cho thấy, có đến 2/3 người mua hàng sẽ mua sản phẩm được giới thiệu bởi nhà bán lẻ. Ngoài gia đình và bạn bè, nhà bán lẻ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng tác động đến việc mua sản phẩm của NTD.

Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thường việc mua hàng tại cửa tiệm chỉ diễn ra trong vòng 90 giây, trong đó 20 giây đầu là để đặt hàng, 60 giây tiếp theo là thời gian đợi người bán lấy sản phẩm và 10 giây sau cùng là để thanh toán tiền. Khoảng thời gian 60 giây người mua đợi người bán lấy sản phẩm cũng chính là “thời gian vàng” để người bán lẻ tương tác với người mua.

Nghiên cứu của Phenomena Group, công ty chuyên về shopper marketing (tiếp thị đến người mua) ở châu Âu, đã chỉ rõ, có khoảng 5% người mua trung thành với nhãn hiệu họ yêu thích, 70% trường hợp đến cửa hàng rồi mới quyết định chọn thương hiệu để mua hàng. Tuy nhiên, quyết định mua hàng còn lệ thuộc vào cảm xúc của người xem hàng ngay tại điểm mua.

Vì thế, làm thế nào để tác động đến người mua hàng ngay thời điểm họ chọn sản phẩm là cực kỳ quan trọng. DN không nên chỉ dựa vào việc xây dựng thương hiệu hay tiếp thị trực tuyến để có được sự trung thành của khách hàng, mà phải tạo ra ảnh hưởng nhất định đối với NTD ngay thời điểm họ chọn mua sản phẩm.

Đó cũng là lý do khiến nhà bán lẻ đầu tư màn hình quảng cáo tại các điểm bán (đặc biệt là tại siêu thị) và các chương trình quảng cáo của DN được phát liên tục trong thời gian siêu thị mở cửa.

Nhưng tiếp thị đến người mua không chỉ diễn ra tại điểm bán mà còn phải chú trọng bên ngoài cửa hàng. Lúc này, hình thức marketing trực tuyến sẽ phát huy tác dụng.

Hiện có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho shopper marketing như mạng truyền thông xã hội, điện thoại di động và ngay chính các công nghệ quảng cáo. Các chuyên gia khuyên nhà sản xuất cần phải “hiểu biết sâu sắc về người mua hàng và nhà bán lẻ”, có như vậy mới có thể gia tăng sức mạnh thương hiệu, từ đó gia tăng doanh số.

Trong thời đại số hóa như hiện nay, NTD rất dễ bị phân tán bởi quá nhiều thông tin. Vì thế, DN cần chú trọng việc xây dựng chiến lược tiếp cận khách hàng, trong đó phải đặc biệt chú ý đến thông điệp truyền thông. Một thông điệp truyền thông súc tích sẽ ghi dấu ấn với khách hàng DN muốn hướng đến ở bất cứ chiến dịch nào.

Khi xây dựng thông điệp truyền thông cần đáp ứng hai tiêu chí quan trọng: hướng đến người dùng trên quy mô rộng và phù hợp với đối tượng đang hướng đến. Quan trọng hơn, thông điệp truyền thông phải tạo ra những trải nghiệm liên quan đến NTD.

Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Global Elite, khẳng định: “Muốn thành công trong kinh doanh phải xây dựng các tiêu chuẩn và duy trì trưng bày tại điểm bán”.

Theo DNSG