Trò chơi giúp trẻ mầm non học được nhiều kỹ năng

Khi các bé rượt đuổi nhau, đó không chỉ là hoạt động thể chất mà còn thể hiện khả năng phán đoán, vì trẻ sẽ phải liên tục di chuyển, học và tuân thủ luật chơi.

Cô Emily Easterby, Trưởng khối Mầm non, Trường Quốc tế TAS chia sẻ quan điểm nên để các bé thoải mái chơi đùa, bởi vì chơi đùa cũng là học, chứ không nên ép trẻ học chữ, đếm số như kỳ vọng của người lớn.

Thế giới của những đứa trẻ rất kỳ diệu trong cách mà các bé suy nghĩ, chơi đùa, sáng tạo hay những hành động bắt chước người lớn xung quanh. Đã có những cuộc tranh luận xảy ra giữa các giáo viên bậc mầm non và tiểu học, làm gia tăng áp lực lên giáo viên về việc có nên ép buộc trẻ học sớm hay không.

Chúng ta có nên đẩy những kiến thức của một học sinh lớp một xuống học sinh lớp Lá, và kiến thức của đứa bé 5 tuổi phải được học tập bởi đứa bé chỉ vừa tròn 4 tuổi? Hầu hết các bậc phụ huynh luôn sống trong tâm thế lo sợ con mình không tiếp thu đủ những kiến thức mà các con cần thông qua việc học tập ở trường, điều này dẫn đế hệ luỵ là chúng ta thường ép trẻ “chín ép”.

Một đứa trẻ đi học ở trường mầm non sẽ dành ra 8 tiếng mỗi ngày để học cách đếm số từ 1 đến 100, tính xem bạn Nam sẽ còn lại bao nhiêu quả táo sau khi đã ăn hết 20 quả và học cách phân biệt tiếng động của môi trường xung quanh. Nhưng nhiều khi bé phải bỏ qua suy nghĩ của chính mình về những việc xảy ra xung quanh, thậm chí đó là những tình huống các em chỉ mới đối mặt lần đầu để đưa ra hành động ứng xử phù hợp (với yêu cầu của người lớn) trong mỗi giây phút trong ngày.


Ảnh minh họa

Cuộc sống của các em vốn dĩ rất đơn giản khi mới 5 tuổi. Do vậy, việc áp đặt những kiến thức của lớp lớn hơn, giảm giờ chơi sẽ làm các em cảm thấy áp lực và không được tự do sống hàng ngày. Hãy để các bé chơi đùa, bởi vì chơi đùa cũng là học.

Nếu cho rằng chơi chỉ là chơi thì đã đến lúc chúng ta, những bậc phụ huynh phải suy nghĩ khác đi. Chơi để sáng tạo, hoạt động với nhiều hình thức theo nhóm, riêng lẻ, đóng kịch, và một cách chơi mà tất cả các giáo viên đều yêu thích – chơi trong lặng im. Hầu hết các hoạt động này là sự kết hợp của nhiều hình thức chơi khác nhau. Ví dụ, rượt đuổi là hình thức của chơi để hoạt động thể chất kết hợp với chơi theo nhóm bởi vì các con sẽ phải liên tục di chuyển, song song việc học luật chơi và tuân thủ luật chơi.

Chơi ở trường khác với việc cho trẻ những khối hình và bảo các con chơi với chúng vì các bé có thể tự do lựa chọn hình thức chơi, cách chơi. Do vậy, phụ huynh nên khởi xướng cho con cách chơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tương tác với môi trường xung quanh để kích thích tư duy sáng tạo và suy nghĩ tự do.

Chơi là một cách giúp trẻ cảm nhận những giá trị thực tế của thế giới xung quanh qua việc người lớn chúng ta để cho trẻ tự khám phá cũng như chứng minh về những khả năng tiềm ẩn của trẻ. Điều này tạo cơ hội cho trẻ tự thích ứng với môi trường xung quanh, thực hiện những thao tác khác nhau để có được những kết quả khác nhau. Qua đó, kỹ năng tư duy lý luận sẽ được phát triển, trí tưởng tượng trở nên phong phú hơn, kích thích sự sáng tạo, sự hiểu biết về những cung bậc tình cảm cũng như trẻ sẽ tự trưởng thành, phát triển ngôn ngữ, những kỹ năng sinh tồn cơ bản, giao tiếp xã hội và cảm xúc cá nhân. Khi chơi, trẻ thường có tâm lý vui vẻ, thoải mái do đó dễ tìm được đam mê trong những việc mà trẻ thực hiện, điều này giúp trẻ xây dựng được kỹ năng tập trung.

Ngoài ra, chơi đùa còn giúp trẻ học hỏi kiến thức từ những nền văn hoá khác nhau, nhất là trong các trường học quốc tế, nơi tập trung nhiều học sinh đến từ nhiều nước trên thế giới. Đối với việc học ngoại ngữ, những giao tiếp xã hội và lời nói đóng góp rất lớn trong việc phát triển của bé. Trẻ em muốn tự giao tiếp với bạn bè của chính các em mà không cần phải thông qua dụng cụ hay nhờ sự giúp đỡ của người khác. Trong khuôn viên chơi đùa, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực khi phải đưa ra câu trả lời chính xác theo ý người lớn, và trẻ có quyền được tự do khám phá những lợi ích khi tiếp xúc với một loại ngôn ngữ khác.

Theo Cô Emily Easterby, chơi là cách giúp trẻ mầm non phát triển các kỹ năng cần thiết.

Sự phát triển không ngừng của xã hội, công nghệ cũng như cách mà chúng ta thu thập thông tin dễ dàng nên nhiều người suy nghĩ rằng chúng ta cần phải cho trẻ học trước chương trình khiến không ít bé 5 tuổi phải ngồi làm những bài kiểm tra chất lượng.

Trước khi nhận định điều này là đúng hay sai, chúng ta – ba mẹ của những đứa trẻ nên đặt câu hỏi “mình đã từng một lần ngồi lại nói chuyện với con hay chưa?”. Nếu đã làm điều này thì chúng ta phải hiểu rằng suy nghĩ của trẻ không thể đánh giá theo bất kỳ một chuẩn mực nào đã có.

Đối với trẻ 5 tuổi, học lớp Lá, mọi thứ đều có thể xảy ra, không có một giới hạn nào có thể áp dụng lên suy nghĩ của trẻ vì thế giới quan của trẻ còn nhỏ nhưng trí tưởng tưởng lại rất phong phú, đa dạng hơn những gì mà người lớn nghĩ tới. Do vậy, việc lấy lý do để đặt ra cho con những chuẩn mực của người lớn sẽ giới hạn trẻ trong một chuẩn mực mà chưa hẳn đã tốt?

Chúng ta cần để trẻ sống đúng tuổi của mình. Việc để cho trẻ được chơi đùa là một phần cần thiết của chương trình giáo dục mầm non. Ngay cả ở mức độ được chơi căn bản cũng sẽ giúp cho trẻ giải phóng nguồn năng lượng dồi dào trong cơ thể. Vì thế chúng ta thường hỏi rằng “năng lượng đâu mà con chơi mãi không mệt vậy?”.

Hãy dành thời gian để biết được những suy nghĩ của con, khám phá thế giới xung quanh, cùng con tìm lời giải cho những vấn đề khó khăn, và quan trọng hơn hết, hãy vui chơi cùng con.

Theo VNexpress