– Làm rõ điểm khác biệt của sản phẩm/dịch vụ. Đối với các đề án sản xuất sản phẩm thuộc lĩnh vực đang có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhà khởi nghiệp phải chứng minh được điểm khác biệt của thương hiệu mình. Còn với các dịch vụ cung cấp giải pháp mới cho người tiêu dùng, sự khác biệt không chỉ dừng ở việc gây tò mò để khách hàng “dùng thử một lần” mà còn phải đưa ra nhiều lợi ích và tạo sự thuận tiện lâu dài để họ yêu thích và trải nghiệm thêm nhiều lần nữa trong tương lai, giúp doanh nghiệp không phải liên tục tìm kiếm khách hàng mới.
– Tập trung vào các thông tin quan trọng. Muốn thu hút người nghe, nhà khởi nghiệp chỉ nên đưa vào bài thuyết trình những điều cần thiết, nói ngắn gọn về cảm hứng cho ra đời ý tưởng, tránh trình bày lan man, nặng tính lý thuyết. Bởi vì điều nhà đầu tư quan tâm nhất là giá trị cốt lõi và những điểm độc đáo của sản phẩm/dịch vụ.
– Sinh động hóa phần trình bày. Nhà khởi nghiệp phải truyền được “lửa nhiệt huyết” cho các nhà đầu tư tiềm năng bằng cách tạo sự sinh động trong bài thuyết trình. Chẳng hạn, đối với dự án về mô hình quán cà phê mới, dù ý tưởng thú vị, độc đáo nhưng phần trình bày không có điểm nổi bật thì nhà đầu tư cũng sẽ không mấy mặn mà. Thay vào đó, người thuyết trình nên “trình diễn” bản thiết kế 3D mô phỏng quán cà phê và những dịch vụ thú vị đi kèm. Với dự án xây dựng sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động… thì nên có giao diện beta hoặc bản thiết kế mẫu để có thể trình bày cụ thể về phương pháp vận hành trước nhà đầu tư.
– Tránh các “hạt sạn” không đáng có. Có nhiều lỗi trình bày tuy nhỏ nhưng cũng có thể khiến nhà khởi nghiệp “mất điểm” trước hội đồng đầu tư. Chẳng hạn như: xỏ tay vào túi quần, dáng đứng cứng nhắc, di chuyển quá nhiều khiến người nghe khó tập trung…, hoặc nói quá nhanh, phát âm không rõ làm giảm hiệu quả truyền tải thông tin.
Theo DNSG