Tự do tài chính là một quá trình hay đích đến?

Trên con đường hướng đến sự tự do tài chính bền vững, chúng ta được tiếp cận nhiều kiến thức đến từ nhiều nguồn, cá nhân, với các câu chuyện thành công khác nhau. Đôi lúc, những kiến thức, lời khuyên này lại khiến chúng ta rơi vào tình trạng “khó hiểu” bởi chúng có vẻ rất mâu thuẫn và đối lập khi đặt cạnh nhau.


Ảnh minh họa
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay đa dạng hóa nguồn thu nhập?

Trong nghiên cứu kéo dài suốt 5 năm về thói quen hằng ngày của người giàu và người nghèo, Thomas C. Corley – tác giả cuốn Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals nhận thấy: 65% những người giàu có 3 nguồn thu nhập chính, 45% có 4 nguồn thu nhập chính và 29% có hơn 5 nguồn thu nhập chính. Trong khi đa phần những người nghèo chỉ có từ 1 – 2 nguồn thu nhập chính mỗi tháng.

Điều này có vẻ khá trái ngược, khi xét tới những lời khuyên, câu nói, bài học mà chúng ta thường được nghe, được chia sẻ cũng từ rất nhiều người thành công, như Tom Watson – người sáng lập công ty máy tính IBM của Mỹ (ông từng nói: “Tôi không phải thiên tài. Tôi chỉ biết rõ những chấm nhỏ và tôi chỉ quanh quẩn xung quanh chúng”), hay triết lý “Jack of all trades, master of none” (có thể hiểu tương tự như câu “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”) ở nước ngoài và triết lý “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của người Việt.

Thực chất cả 2 lời khuyên đều đúng. Những người thành công chỉ đa dạng hóa nguồn thu nhập quanh những lĩnh vực, vấn đề, cơ hội mà họ hiểu rõ nhất, chắc chắn nhất và giỏi nhất.

Hãy nhìn vào cách kiếm tiền của tỷ phú Warren Buffett (người giàu thứ 4 thế giới, sở hữu khối tài sản ước tính 65 tỉ USD, theo đánh giá ngày 21/7/2016 của Bloomberg). Nguồn thu nhập của ông tới từ việc đầu tư cổ phiếu và điều hành Công ty Berkshire Hathaway – một công ty cũng chuyên về đầu tư, “thâu tóm” các công ty khác bằng… cổ phiếu.

Warren mua rất nhiều loại cổ phiếu, từ cổ phiếu của công ty nước ngọt như Coca-Cola, đến cổ phiếu của tập đoàn công nghệ như General Electric… Tuy nhiên, có một quy tắc, từng được ông tiết lộ trong buổi phỏng vấn với Steve Forbes tại Hội nghị thượng đỉnh Forbes 400, đó là “Tôi chỉ đầu tư vào những gì mình biết rõ”.

Chúng ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng trong triết lý kiếm tiền này của Warren với Richard Branson (người sở hữu khối tài sản trị giá 5,2 tỷ USD, theo đánh giá của Forbes), khi thu nhập của Richard dù đến từ rất nhiều nguồn, gồm giá trị của Tập đoàn Virgin Group – nơi Richard đang điều hành, rồi những nguồn thu nhập đến từ việc trao đổi, thuyết trình, huấn luyện kỹ năng mà ông thực hiện vòng quanh thế giới (Richard Branson từng đến Việt Nam với sự kiện “Srew It, Let’s Do It” vào tháng 9/2015) nhưng thực chất cũng chỉ xoay quanh các vấn đề thay đổi tư duy, làm giàu, quản trị… – những lĩnh vực ông thành công từ trước.

Vì vậy, nếu bạn đặc biệt xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó, ví dụ như bạn là một giáo viên, thì những chuyên gia tài chính luôn khuyên bạn, hãy nghĩ đến việc đa dạng nguồn thu nhập của mình từ những hoạt động giảng dạy, mở trung tâm đào tạo, phát triển phần mềm, blog, website giáo dục… – những công việc gần với lĩnh vực bạn giỏi nhất và chỉ nên đa dạng hóa nguồn thu nhập qua các nguồn “lạ” như cổ phiếu, đầu tư bất động sản… khi bạn đã thực sự hiểu rõ chúng.

Tự do tài chính là một quá trình hay một đích đến?

Với nhiều người, tự do tài chính là một đích đến. Họ nghĩ rằng, ở điểm kết thúc đó, với một số tiền khổng lồ trong tài khoản và một cơ chế khiến tiền bạc tự động “sinh sôi”, họ có thể dừng những công việc cứng nhắc phải làm hằng ngày lại, thỏa sức đi du lịch, vui chơi, làm những điều mình thích. Đó là những câu chuyện chúng ta thường nghe, như câu chuyện của vợ chồng Kristy Shen và Bryce Leung – những người đều nghỉ hưu ở độ tuổi 30 với hơn 1 triệu USD trong ngân hàng, hiện đang cùng nhau du lịch vòng quanh thế giới.

Một số người thì lại cho rằng, tự do tài chính là một con đường không bao giờ có điểm đến mà chỉ có những cột mốc để đánh dấu những thành tựu họ đạt được. Bởi những gì họ đã làm, thực hiện, trải qua là những điều thực sự khiến họ hạnh phúc. Đó là câu chuyện của những người như John Rampton, dù có trong tay 1 triệu USD vẫn tiếp tục vừa viết bài cho nhiều tờ báo như Forbes, Business Insider, Entrepreneur, vừa điều hành Công ty Marketing Adogy của mình.

Đối với các chuyên gia tài chính, đây thực sự là một câu hỏi không có câu trả lời chính xác, bởi nó phụ thuộc vào đam mê và khao khát thực sự trong mỗi chúng ta. Những người như vợ chồng Kristy Shen và Bryce Leung, thấy hạnh phúc với việc được đi du lịch, khám phá và tìm hiểu những điều mới lạ, thì họ thực sự cảm thấy tự do tài chính là một đích đến, một công cụ giúp họ thực hiện được điều mình muốn.

Trong khi đó, với những người như John Rampton hay những doanh nhân như Warren Buffett, Bill Gates, Steve Jobs… thì đam mê và khát khao của họ nằm trong công việc, trong sự thành công của chính mình… Vì vậy, con đường tự do tài chính của họ cũng sẽ trở thành con đường thành công và đi theo họ mãi sau này.

Theo DNSG