Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, hệ thống giáo dục Việt Nam luôn luôn đề cao giáo dục ý thức công dân từ buổi đầu cắp sách đến trường. Nhưng thực tế hôm nay ra sao? Quả là còn nhiều việc phải làm.
12 năm giáo dục phổ thông, rồi mấy năm cao đẳng đại học việc giáo dục rèn dũa nhân cách cho các công dân tương lai đã được coi trọng chưa? Hay chỉ là công thức cùn mòn, giáo dục chiếu lệ, chỉ chú ý dạy và học các môn có thi cử kiểm tra.
Hãy khảo sát khối học sinh cấp hai, cấp ba, lứa tuổi mang trọng trách rất lớn với gia đình và xã hội, đối tượng có tính chất bản lề của sự phát triển tâm sinh lý.
Nhà tôi ở gần mấy trường điểm của thành phố, nên hàng ngày phải chứng kiến những cảnh tượng không hay, học sinh trai gái tuổi 13 ôm hôn nhau dưới gốc bằng lăng trước khi vào lớp. Một tốp khác đuổi nhau chửi bới văng tục như hát hay trước bàn dân thiên hạ ngay gần cổng trường.
Hậu quả khôn lường với lối sống ích kỷ, ham muốn hưởng thụ, tự do tình ái… không chỉ tác hại với bản thân mình, mà còn tác động dây chuyền, ảnh hưởng tới cả một bộ phận thanh niên trong xã hội, đặc biệt tuổi trẻ học đường, xét cho cùng ai cũng có con cháu cắp sách đến trường, nên không thể không lo lắng.
Tôi không phải là nhà giáo, không dám dạy bảo ai. Với tư cách một phụ huynh cao tuổi, bằng trải nghiệm thực tế cuộc sống từ những năm đi học như các bạn hôm nay, là người hoạt động trong ngành nghệ thuật, tiếp xúc nhiều với giới trẻ, đặc biệt tham gia nhiều dự án giáo dục của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với thanh niên, nên tôi muốn chia sẻ với các bạn như với con cháu trong nhà.
Hi vọng được trao đi đổi lại với nhau, hiểu biết lẫn nhau tìm ra những điều bổ ích cho việc giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch của tuổi trẻ học đường hôm nay. Vấn đề trên có thể không mới, bởi đó là việc phải làm từ trước tới nay, nhưng cách làm giờ đây phải mới, phải có cách nhìn mới phù hợp với thời đại, để có hiệu quả cao, có tác động tích cực trong một xã hội còn nhiều tiêu cực, nếp sống văn minh lành mạnh phải trở thành nhu cầu không thể thiếu với mỗi chúng ta.
Cách đây 30 năm, bước sang thời kỳ đổi mới chập chững buổi đầu chưa phải đã tốt ngay, bởi chấp nhận đổi mới là thách thức vô cùng lớn, mở cửa với thế giới bên ngoài là đón nhận ùa vào cả những cái hay, cái tốt lẫn cả những cái chưa tốt, chưa hay, thậm chí là rác rưởi. Tàn dư của sự ăn chơi hưởng thụ thiếu lành mạnh vẫn còn đến bây giờ.
Lời giáo huấn xa xưa: “Tiên học lễ hậu học văn”, hay lúc sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: “Thanh niên ta luôn có chí tiến thủ, Đảng cần chăm lo giáo dục họ trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên” – lời răn trên không bao giờ cũ, bởi có đức mới thành tài, cậy có tài mà không có đức chẳng thể nên người hữu ích cho xã hội.
NẾP SỐNG VĂN MINH THANH LỊCH phải là bài học nhập môn của học trò, bất kể tuổi nào, cấp mấy, lớp bao nhiêu khi cắp sách tới trường. Đáng tiếc, nhiều học trò coi thường môn Giáo dục Công dân. Đúng là cũng có những thời kỳ, đâu đó môn học này chưa được các thầy coi trọng, nên môn học bị khô khan, đơn điệu, công thức, giáo điều, mất đi niềm say mê hứng thú cho cả người dạy lẫn người học.
Các bạn nghĩ xem, xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch đâu phải cái gì to tát, khó khăn không làm nổi, tôi xin các bạn hãy bắt đầu từ sự hồn nhiên thú vị và trong sáng, hãy là chính mình với tính cách dí dỏm, hóm hỉnh, tinh quái nghịch ngợm hay âm thầm lặng lẽ với mối tình chưa kịp nói cùng nhau, các bạn hãy sống vô tư đi, vô tư hết mình bằng trái tim chân thành, bằng tình bạn, tình yêu cao cả rộng lượng vị tha và chuẩn mực, đó chính là nguồn sức mạnh trào dâng để ta sống, để ta yêu quý cuộc đời này.
Những điều tôi vừa nói với các bạn chính là nếp sống Văn minh, Thanh lịch đấy, đừng giáo điều giả tạo, phải thân thiện, chân thành. Ta yêu người, người mới yêu ta. Phải đam mê với cuộc sống cần có nhau để phát huy sức mạnh cộng đồng, để việc giữ gìn nếp sống Văn minh, Thanh lịch trở thành nhu cầu bức thiết như bữa ăn giấc ngủ hàng ngày. Tuổi trẻ giầu sáng tạo, phải xây dựng phong trào nếp sống văn minh mang tính đồng thuận cao, làm cho ai cũng nhìn thấy lợi ích với bản thân và lợi ích cộng đồng. Phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé, giản dị dễ làm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ta hãy học Bác từ những suy nghĩ, hành động ứng xử hàng ngày, từ phong cách khiêm tốn, giản dị, hòa đồng, cảm thông bằng tình yêu thương đồng loại.
Hãy ghi tâm 4 chữ vàng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là nhân cách của một công dân tử tế để ứng xử trong quan hệ cuộc sống cộng đồng.
Vấn đề khó là ở người học có muốn học thật sự không? Hay vì những cám dỗ tầm thường, những ham muốn khó nhịn không thắng nổi mình mà tặc lưỡi cho qua, lại sa đà buông thả, dẫn đến tồi tệ làm mất đi vẻ đẹp của tuổi thanh niên có học thức.
Trong đời sống có những điều tưởng như rất đơn giản như việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khỏe cho chính mình còn không làm nổi là vì sao? Vì nghị quyết đưa ra khi hội họp, mọi cánh tay giơ cao đồng thuận rất dễ dàng, nhưng khi thực hiện ý thức tự giác của mỗi người một khác. Với tuổi trẻ tính tự giác phải được đề cao. Sinh thời Bác đã dạy: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là lẽ sống của xã hội tiến bộ, sống phải biết trả lại cho nhau ân tình, nhân nghĩa.
Các bạn trẻ thật hạnh phúc khi sống giữa thời cuộc được tiếp cận một nền văn minh tiến bộ của khoa học, được hiểu biết sâu rộng hơn với một thế giới đa dạng, đa chiều qua phương tiện truyền thông tân tiến. Nhưng hãy cảnh giác! Vấn nạn tiêu cực vẫn có thể xảy ra quanh bạn, ngay tại môi trường bạn đang sống, phải can đảm mà vượt qua chính mình.
Theo Dân trí