Hiệu ứng hào quang là một loại thiên vị nhận thức trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của người đó. Cơ bản như là ấn tượng tổng thể của bạn về một người (“Anh ta thật tử tế”) tác động đến đánh giá của bạn về người đó (“Anh ấy cũng thông minh”).
Một ví dụ tuyệt vời về hiệu ứng này là ấn tượng của chúng ta về người nổi tiếng. Do chúng ra cảm nhận rằng họ hấp dẫn, thành công và dễ mến nên chúng ta có xu hướng cho rằng họ thông minh, tốt bụng và hài hước.
Lịch sử của hiệu ứng Halo
Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ này trong một bài báo năm 1920 với tiêu đề “The Constant Error in Psychological Ratings”. Trong thí nghiệm được mô tả trong bài báo, Thorndike yêu cầu các cán bộ chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của những người lính cấp dưới.
Những đặc điểm được đánh giá bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và tin cậy.
Ông thấy rằng việc một phẩm chất được xếp hạng cao sẽ dẫn đến các phẩm chất khác được xếp hạng cao, trong khi nếu có những điều bị đánh giá tiêu cực thì dẫn đến một số đặc điểm bị xếp hạng thấp hơn.
Vậy tại sao ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người lại tạo ra “vầng hào quang”, gây ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về những đặc điểm cụ thể? Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây có vai trò của sức hấp dẫn. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã nhận thấy rằng nếu một người được đánh giá là ưa nhìn thì chúng ta có xu hướng tin tưởng rằng họ có những tính cách tích cực và là con người thông minh.
Một nghiên cứu thậm chí còn phát hiện rằng các bồi thẩm viên thường ít tin rằng những người đẹp trai, xinh xắn có hành vi phạm tội.
Hiệu ứng trong đời sống
Trong lớp học, các giáo viên có thể bị hiệu ứng này ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh. Ví dụ, một học sinh có cách cư xử tốt cũng thường được giáo viên cho rằng là người thông minh, siêng năng trước khi giáo viên bắt đầu đánh giá năng lực cụ thể. Khi hiệu ứng hào quang xảy ra, chúng có thể làm ảnh hưởng đến việc đánh giá học sinh trên một vài phương diện, thậm chí là điểm của học sinh.
Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến cách giáo viên đối xử với học sinh và cũng đồng thời là việc sinh viên đánh giá về giáo viên. Một nghiên cứu chỉ ra rằng một giáo viên ấm áp và thân thiện thường được đánh giá là hấp dẫn, lôi cuốn và dễ thương hơn.
Trong môi trường làm việc, hiệu ứng hào quang ảnh hưởng đến việc đánh giá công việc của cấp trên với cấp dưới. Trong thực tế, hiệu ứng hào quang là thiên vị phổ biến nhất trong đánh giá hiệu quả. Cấp trên có thể đề cao một đặc điểm duy nhất của nhân viên, chẳng hạn như sự nhiệt tình. Nhưng điều này hoàn toàn có thể khiến các đánh giá còn lại trở nên tích cực hơn.
Mặc dù nhân viên này có thể thiếu kiến thức cần thiết hay khả năng để hoàn thành tốt công việc nhưng nếu anh ta thể hiện được sự nhiệt tình, cấp trên sẽ vui vẻ đánh giá hiệu suất làm việc của anh ta cao hơn kiến thức hoặc khả năng vốn có.
Các nhân viên tiếp thị có thể tận dụng lợi thế của hiệu ứng hào quang để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi một người nổi tiếng trở thành đại diện thương hiệu cho một sản phẩm cụ thể, đánh giá tích cực của chúng ta về cá nhân đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về bản thân sản phẩm.
Các ứng viên cũng dễ cảm nhận được tác động của hiệu ứng này. Nếu nhà tuyển dụng cảm thấy ứng viên hấp dẫn hay dễ nhìn, họ cũng dễ đánh giá cá nhân đó là một người thông minh, có năng lực và trình độ chuyên môn.
Một ấn tượng tổng thể của bạn về một cá nhân có thể ảnh hưởng đến đánh giá của bạn về các đặc điểm khác. Hiểu về hiệu ứng này nhưng đừng để nó làm ảnh hưởng đến nhận thức và quyết định của chính bạn.
Theo Trí Thức Trẻ