Triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, Tiểu học dân tộc thiểu số

Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”.


Ảnh minh họa

Mục đích nhằm tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án nhằm nâng cao chất lượng tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện triển khai Đề án đảm bảo hiệu quả, thiết thực, huy động các nguồn lực cùng tham gia.

Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì trong quá trình chỉ đạo thực hiện Đề án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; ban hành công văn hướng dẫn địa phương thực hiện;

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án theo Kế hoạch, huy động, thực hiện xã hội hóa;

Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát địa phương thực hiện Đề án đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trẻ em người dân tộc thiểu số: Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương,

Bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của Đề án tại địa phương;

Ban hành các cơ chế chính sách cần thiết của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương;

Hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác; chỉ đạo bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy trẻ em người dân tộc thiểu số;

Chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các trường mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số.

Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố có trẻ em người dân tộc thiểu số: Tham mưu với UBND xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành đoàn thể và triển khai thực hiện các nội dung của Đề án hiệu quả, thiết thực, đúng lộ trình. Chỉ đạo các phòng giáo dục đào tạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án. Hàng năm báo cáo về Bộ GD&ĐT cùng kỳ báo cáo tổng kết năm học.

Kinh phí để thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Theo Giáo dục và Thời đại