7 sai lầm đầu đời của tôi

Không phải 7 công việc đầu đời, mà là 7 thất bại. Bởi vì cho dù có làm trăm công nghìn việc đi nữa mà không nhận ra những thất bại của mình thì cũng giống như bạn chưa từng trải qua công việc nào.


Ảnh minh họa

Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội rộn lên phong trào #firstsevenjobs – trong đó mỗi người sẽ kể lại 7 công việc đầu tiên trong đời họ. Tôi thấy cũng là một cách hay để nhìn lại quãng đường mình đi qua và tự hào về những thành quả đạt được. 

Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không chọn cách kể lại 7 công việc đầu tiên, bởi lẽ tôi đã làm quá nhiều việc, có những việc làm trong thời gian ngắn đến nỗi tôi chẳng còn có thể nhớ mình đã làm gì. Tôi sẽ kể lại 7 thất bại đầu đời của mình – #firstsevenfailures, bởi vì cho dù có làm trăm công nghìn việc đi nữa mà không nhận ra những thất bại của mình thì cũng giống như bạn chưa từng trải qua công việc nào.
 
1. Vào một trường đại học chỉ vì đủ điểm đậu

Giống như mọi người trẻ khác tại Việt Nam, tôi không chọn trường đại học mà trường đại học đã chọn tôi. Tôi chỉ đậu đúng một trường đại học và buộc lòng phải chọn trường đó. Suy nghĩ lại, quyết định đó là thất bại đầu tiên trong cuộc đời tôi. Trong cuộc sống, hãy cố gắng hết sức mình để đạt được những điều bạn mong muốn. Đừng chấp nhận những lựa chọn “hạng 2” nếu muốn có cuộc sống “hạng nhất”.
 
2. Chọn lựa ngành học “hot”

Ba mẹ thích tôi học kinh tế. Nhưng bản thân tôi lại thích ngành Đông Phương học. Sau khi phân vân rất nhiều, tôi đã đăng ký học ngành kinh tế. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng ngành kinh tế sẽ dễ dàng tìm được công việc sau khi ra trường hơn. Nhưng tôi lại hoàn toàn không đam mê kinh tế. Tôi đã ra trường chỉ với tấm bằng cử nhân loại khá và đã khá vất vả để tìm việc, vì có hàng chục nghìn người có tấm bằng y hệt cạnh tranh với tôi. Đôi lúc đi những con đường an toàn chẳng đem lại giá trị gì mà còn khiến bạn yếu kém hơn.
 
3. Không có một người bạn thân

Suốt thời gian đại học tôi đã gặp gỡ và quen biết hàng trăm người, nhưng tuyệt nhiên chẳng thân thiết với bất kì ai. Đó là một thất bại. Bạn có thể trở thành một người độc lập, tự thân vận động, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được giá trị của các mối quan hệ, cả về mặt tình cảm lẫn về mặt sự nghiệp. Càng tiến lên các cấp bậc cao trong sự nghiệp, các mối quan hệ càng trở thành một tài sản quý giá.
 
4. Không chủ động biến dự định thành hiện thực

Hồi đó tôi có dự định học tiếng Hàn do thích ngôn ngữ này. Tuy nhiên, tôi đã không có kế hoạch cụ thể nào để học, và sau đó dần dần bị cuốn vào việc học kinh tế và quên luôn những dự định học tiếng Hàn của mình. Khi ra trường, tôi mới nhận ra có nhiều công ty Hàn Quốc đang “đổ bộ” vào Việt Nam và tuyển dụng rất rầm rộ. Nếu có vốn tiếng Hàn kha khá lúc đó thì có lẽ công cuộc tìm việc của tôi đã thành công hơn.
 
5. Dừng học hỏi

Sau khi tốt nghiệp và đi làm, tôi hầu như chẳng bao giờ trau dồi thêm kiến thức nữa. Giữa guồng quay công việc và cuộc sống, suốt 3 năm tôi không học thêm được tí kiến thức kinh tế nào, thậm chí còn quên đi một cơ số những thứ đã học ở trường. Đến một ngày, một người bạn hỏi tôi: “Ông học kinh tế mà không biết cái này à?”, tôi mới ngớ người và nhận ra mình đã thất bại thế nào trên con đường học vấn. Việc học là việc cả đời, và chỉ có ham học hỏi mới có thể giúp mình phát triển từng ngày lên đến những tầm cao mới.
 
6.Thỏa hiệp với những việc làm sai trái

Ở những công ty đầu tiên khi đi làm, tôi gặp phải những vị sếp rất “mờ ám”, với những yêu cầu quái lạ, có khi làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và ngân sách của công ty. Chắc bạn cũng đoán được, tôi đã im lặng. Sự im lặng đó cho tôi sự bình yên về sự nghiệp, nhưng không khiến tôi thanh thản về tâm hồn. Rất lâu sau này, trong các buổi phỏng vấn cho các công việc khác, tôi không dám kể lý do thật vì sao mình rời bỏ các công ty đó, vì sợ sẽ bị hỏi ngược lại: “Vì sao bạn không trình bày quan điểm của mình với sếp và cố gắng thay đổi mọi thứ?”

Khi thỏa hiệp với sai trái, tôi đã trở thành một phần của vấn đề. Hãy nói và làm những điều bản thân bạn cho là đúng đắn, cho dù điều đó có thể gây bất lợi cho bạn. Muốn thành công nhanh, có thể sử dụng mánh khóe, nhưng muốn thành công bền vững, luôn phải có đạo đức.
 
7. Nghĩ rằng thăng tiến dựa trên thời gian chứ không phải thành tựu

Đã có khoảng thời gian tôi muốn được thăng chức lên một vị trí cao hơn. Tôi có một người đồng nghiệp sau 1 năm làm việc ở công ty đã được sếp cho lên vị trí tương tự. Do đó, tôi cứ suy nghĩ mình cứ tiếp tục làm việc bình thường, sau 1 năm tôi cũng sẽ được thăng chức. Điều đó đã không xảy ra. Sau cuộc nói chuyện với sếp, tôi mới nhận ra sự thật đơn giản: không ai cho bạn thăng chức nếu bạn chưa làm được điều gì xứng đáng để được như thế. Thất bại lớn nhất trong sự nghiệp là đo lường giá trị bản thân bằng thời gian chứ không phải bằng thành tựu. Bạn có thể làm việc 10 năm, nhưng chỉ đạt được kết quả bằng một người mới làm 2 năm. Cuộc đời này rất công bằng, bạn nghĩ ai sẽ được đánh giá cao hơn? 

Đó là 7 thất bại đầu đời của tôi – my #firstsevenfailures. Còn bạn, hãy kể cho tôi nghe những thất bại đầu đời của bạn đi nào!

Theo Hrinsider