CEO thời hội nhập: phải ôm đồm cả việc của cấp dưới

Khó khăn của nhiều CEO trong điều hành doanh nghiệp (DN) thời hội nhập chính là không có đủ bốn công cụ: năng lực lãnh đạo (kiến thức, kỹ năng và thái độ), hệ thống quản lý DN, con người, và cuối cùng là văn hóa DN. Trong đó, thiếu hệ thống quản lý DN khiến hầu hết các CEO Việt vướng vào tình cảnh phải ôm đồm cả phần việc của nhân viên cấp dưới. 


Ảnh minh họa

Chật vật điều hành

Hiện phần lớn CEO của các DN Việt vẫn phải ôm luôn việc của nhân viên và cả quản lý cấp trung. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực quản lý, điều hành của CEO. Nguyên nhân chính được cho là đa phần DN Việt thiếu một hệ thống quản lý DN bài bản.

Tại buổi tọa đàm “Vì sao CEO vẫn còn chật vật trong điều hành DN” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Quản trị Quốc tế cùng BrainMark Consulting & Training phối hợp tổ chức, bà Lê Thị Thanh Lâm – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food cho biết: “Năm 2003, Sài Gòn Food được thành lập khi chúng tôi chưa được trang bị kiến thức hay kỹ năng điều hành nên phải kiêm nhiệm nhiều việc, từ lên ý tưởng, thiết kế và sản xuất bao bì đến đưa sản phẩm ra thị trường. Công tác xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự cứ theo nguyên lý nhu cầu sản xuất phát triển tới đâu, nhân sự phát triển tới đó, quanh năm phải đối mặt với vấn đề nhân sự. Với tốc độ tăng trưởng nhân sự trên 30%/năm, dù CEO và cán bộ cấp trung thường xuyên được đào tạo nhưng đến năm thứ 10, 11 thì hệ thống quản lý của chúng tôi cũng trở nên lạc hậu, không có khả năng đáp ứng hoạt động của DN, các phòng ban đều làm việc kém hiệu quả, hành chính nhân sự yếu, cơ cấu lương không phù hợp…”.

Tương tự, bà Phan Thị Ngọc Diễm – Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Ngọc Nam Phương cho biết: “Do tâm lý không muốn thất bại và bản tính cầu toàn nên tôi thường đứng ra giải quyết khá nhiều việc mà giao cho nhân viên thì cảm thấy không yên tâm, nên đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Đâu chỉ là giám đốc, tôi còn kiêm luôn chủ nhiệm chương trình, biên soạn kịch bản sự kiện… Tổ chức sự kiện là công việc không quá khó nhưng đòi hỏi các bộ phận và phòng ban phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với nhau và đảm bảo tiến độ công việc như đã lên kế hoạch”.

Theo ông Lê Quang Phúc – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quản lý doanh nghiệp: “Đặc thù gia đình trị của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam khiến cho việc tiếp nhận hệ thống quản lý DN theo xu hướng trao quyền phù hợp cho các quản lý cấp trung diễn ra không được suôn sẻ. Các CEO kiêm chủ DN vẫn mang nặng tâm lý phải “quản hết mọi việc” theo ý mình”.

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn tái cấu trúc cho DN, ông Phúc cho biết, có chưa quá 15% CEO chuyển giao thành công vai trò CEO cho người khác. Đây cũng chính là lý do rất nhiều công ty đa quốc gia nước ngoài rút lui, không thể tư vấn hay hợp tác với các DN Việt.

Vượt khó với 3B

“Sau thời gian kiêm nhiệm, đối phó với những vấn đề từ hệ thống quản lý, chúng tôi nhận thấy năng lực lãnh đạo cấp trung yếu thì lãnh đạo cấp cao lãnh đủ. Điển hình là CEO phải làm thêm quá nhiều việc của lãnh đạo cấp trung. Tuy nhiên, đến tận năm thứ 10 hoạt động, dù phát hiện những bất cập nhưng chỉ sau khi thay Chủ tịch HĐQT, có Ban giám đốc mới, chúng tôi mới mời chuyên gia tư vấn và tiến hành một cuộc cải cách tác động toàn diện đến nhận thức của quản lý cấp cao nhất”, bà Thanh Lâm cho biết.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lê Hoàn đến từ Lifestyle & Business Network cũng cho biết: “Để làm tốt việc dẫn dắt nhân viên, CEO cần phải thực hiện triệt để nguyên tắc “Trao quyền quyết định – Chia sẻ quyền lợi” để tăng năng lực tự chịu trách nhiệm, chủ động trong công việc của nhân viên. Nhờ thế CEO mới có thời gian để xây dựng tầm nhìn, chiến lược lớn hơn, xa hơn cho DN”.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống quản lý DN giúp huy động con người và tạo ra môi trường tốt để DN phát triển bền vững. Thế nhưng, những DN nhỏ và vừa thiếu vốn thường bỏ qua việc xây dựng hệ thống quản lý DN ngay từ đầu để giảm bớt chi phí.

Lẽ ra họ vẫn có thể xây dựng hệ thống quản lý DN theo nguyên tắc 3B: Borrow (học theo, áp dụng mô hình hệ thống quản lý của DN phù hợp với DN mình), Build (nghiên cứu và xây dựng hệ thống quản lý DN phù hợp với đặc thù của DN mình), Buy (chỉ mua hoặc thuê cố vấn, huấn luyện viên xây dựng hệ thống quản lý DN khi có đủ năng lực tài chính). Ngoài ra, DN nhỏ và vừa còn có thể tìm được những CEO có kinh nghiệm sẵn lòng hỗ trợ và tư vấn miễn phí nếu biết khai thác.

Theo DNSG