Những Show truyền hình thực tế mà người khởi nghiệp nên xem

The Apperentice của Donald Trump, Dragons’ Den, hay Bar rescue, Kitchen Nightmares dành riêng cho các Startup trong lĩnh vực F&B… là những show truyền hình không thể không xem để hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức mà một Startup thường hay gặp.

Ảnh minh họa

Cùng điểm qua những show truyền hình thực tế đã, và đang truyền cảm hứng cho giới Startup trên toàn thế giới.

Dragons’ Den (phiên bản Anh)

 

Ảnh: Metro.

Xuất xứ: Anh

Kênh phát sóng: BBC

Năm lên sóng: 2005

Lượng người xem cao nhất/tập: 4,39 triệu

Dragon’s Den là một chương trình truyền hình thực tế cho phép các doanh nhân khởi nghiệp trình bày ý tưởng của họ nhằm có được các khoản đầu tư từ một hội đồng các nhà tài phiệt. Chương trình này có nguồn gốc từ Nhật Bản với tên gọi Money Tigers hay Tigers of Money.

Các phiên bản địa phương của chương trình đã được sản xuất gần 30 nước, cũng như một phiên bản cho các quốc gia A-rập. Ở một vài quốc gia, hơn một phiên bản của chương trình đã được trình chiếu. Tên gọi phổ biến nhất cho chương trình là Dragons’ Den hay tương tự, cái tên vốn xuất phát từ Anh.

Format của chương trình thuộc quyền sở hữu của Sony Pictures Television.

Shark Tank

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: ABC

Năm lên sóng: 2009

Lượng người xem cao nhất/tập: 9,137 triệu

Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ được phát sóng lần đầu ngày 9 tháng 8 năm 2009 trên kênh ABC. Đây là một phiên bản nhượng quyền của Dragons’ Den.

Trong Shark Tank, những người chơi là doanh nhân khởi nghiệp thực hiện thuyết trình trước một hội đồng các nhà đầu tư (Shark), và những nhà đầu tư này sẽ lựa chọn đầu tư hoặc không.

Chương trình này hiện đang phát sóng mùa thứ 7 và được đánh giá rất thành công ở khung giờ của mình. Chương trình cũng 2 lần giành giải thưởng Primetime Emmy cho hạng mục Cấu trúc chương trình truyền hình thực tế xuất sắc nhất.

Tại Việt Nam, chương trình này dự kiến sẽ lên sóng cuối năm nay, với ban giám khảo cũng là các “cá mập” rót vốn là những doanh nhân lớn như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT, Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Geleximco, Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải…

The Apperentice


Ảnh: Buddytv.

“You’re fired” (Bạn đã bị sa thải) là câu đã trở thành thương hiệu của Donald Trump và chương trình. Ảnh: Buddytv.

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: NBC

Năm lên sóng: 2004

MC: Donald Trump

Lượng người xem cao nhất/tập: 28,1 triệu

The Apprentice (Nhân viên Tập sự) là một trò chơi truyền hình thực tế Mỹ đánh giá khả năng kinh doanh của một nhóm thí sinh. Chương trình gắn liền với ông trùm bất động sản, doanh nhân và ngôi sao truyền hình Donald Trump, MC của chương trình trong suốt 14 mùa từ ngày đầu phát sóng vào tháng 1 năm 2004 cho tới năm 2015.

Được ví như “Cuộc phỏng vấn xin việc khó khăn nhất”, chương trình gồm 16 đến 18 người có kiến thức về kinh doanh thi tài với nhau trong suốt một mùa. Mỗi tập thường có một ứng viên bị loại.

Giải thưởng cho 6 mùa đầu tiên là một năm điều hành một trong các công ty của Trump, với mức lương khởi điểm 250.000 USD/năm. Cuối mỗi tập Trump thường loại một ứng viên với câu nói “You’re fired” (Bạn đã bị sa thải), mà về sau trở thành thương hiệu của cả Trump và chương trình.

Ngược lại với Shark Tank – chương trình truyền hình thực tế có lượt người xem tăng nhanh theo từng mùa, theo thống kê, The Apprentice có lượng người xem cao nhất ở mùa đầu tiên với 28,1 triệu, sau đó giảm dần trong các mùa tiếp theo. Đến năm 2010, lượng người xem chỉ còn 4,5 triệu.

Phiên bản Việt Nam của The Apprentice là “Siêu thủ lĩnh” – một cuộc thi truyền hình dành cho những nhà lãnh đạo trẻ do Ban Thanh thiếu niên VTV6 – Đài truyền hình Việt Nam thực hiện.

The Profit

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: CNBC

Năm lên sóng: 2013

MC: Marcus Lemonis

Lượng người xem cao nhất/tập: 1,9 triệu

Marcus Lemonis là một doanh nhân người Mỹ, hiện là Chủ tịch và CEO của công ty Camping World and Good Sam. Với mỗi tập của The Profit, các Startup phải chật vật để thuyết phục Marcus Lemonis rót vốn nhằm đổi lấy một lượng cổ phần sở hữu trong công ty.

Công ty sản xuất không trả tiền cho Lemonis và cũng không hỗ trợ gây quỹ cho các khoản đầu tư của anh trong chương trình.

Tại Australia, chương trình được phát sóng trên kênh A & E.

Vào 2016, trong một chương trình truyền hình thực tế sắp ra mắt – The Partner, Lemonis sẽ tìm kiếm đối tác kinh doanh để giúp các doanh nghiệp Startup nổi trội trong The Profit.

The Profit vẫn tiếp tục được lên sóng trong năm 2016, vào tháng 8.

The Partner

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: CNBC

Năm lên sóng: trong năm 2016

The Partner là một show truyền hình thực tế Mỹ, trong đó Marcus Lemonis tiếp tục thử thách 6 – 8 ứng cử viên để giúp chạy hoạt động kinh doanh của Startup mà ông đã đầu tư trong chương trình truyền hình thực tế của CNBC nói trên – The Profit.

Các thí sinh sẽ được thử thách trong vòng 6 tuần, và một trong số họ sẽ được chọn là đối tác của Lemonis. Người chiến thắng sẽ nhận được một hợp đồng 3 năm với mức lương 163.000 USD và 1% cổ phần trong danh mục đầu tư của Lemonis.

The Partner khiến nhiều người liên tưởng tới chương trình truyền hình thực tế The Apprentice của Donald Trump.

Kitchen Nightmares

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: Fox

Năm lên sóng: 2007

MC: Gordon Ramsay

Lượng người xem nhiều nhất/tập: 3,75 triệu

Kitchen Nightmares là một series truyền hình thực tế của Mỹ từng phát sóng trên kênh Fox. Trong chương trình, vị đầu bếp cực nổi tiếng với chương trình truyền hình Master Chef (Vua đầu bếp) – Gordon Ramsay được mời dành 1 tuần tại một nhà hàng đang trên bờ vực nhằm nỗ lực hồi sinh hoạt động kinh doanh ở cửa tiệm này.

Chương trình được dựa trên chương trình truyền hình thực tế Kitchen Nightmares của Ramsay phiên bản Anh.

Giữa năm 2014, Ramsay tuyên bố kết thúc series này.

Bar Rescue

Xuất xứ: Mỹ

Kênh phát sóng: Spike

Năm lên sóng: 2011

MC: Jon Taffer

Bar Rescue là một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ có mô típ khá giống vớiKitchen Nightmares, với nhân vật xuyên suốt là Jon Taffer. Jon là chủ sở hữu và Chủ tịch của Công ty tư vấn bar/nightclub Taffer Dynamics.

Taffer là một quán bar và nightclub mà người chủ sở hữu đã khởi nghiệp, lăn lộn, hay cùng lúc sở hữu nhiều cơ sở trong sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập kỷ của mình.

Trong chương trình, các chủ quán bar/nightclub nộp đơn thông qua website của kênh Spike với mong muốn Taffer và đội ngũ chuyên gia sẽ giải cứu cơ sở của họ không bị sập tiệm. Jon sẽ đưa ra các tư vấn chuyên môn của mình, cả về sự đổi mới và bổ sung các trang thiết bị ông cho là cần thiết để để cứu các quán này khỏi cảnh đóng cửa.

Theo Trí Thức Trẻ