Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học…
Năm học 2015-2016 kết thúc dấy lên việc giấy khen “từng mặt” với nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh, không nên vì đó mà vội vàng đánh giá rằng thông tư 30 là sai lầm.
Với thực tế gần 2 năm thực hiện, ban đầu tôi và nhiều đồng nghiệp cũng cho rằng Thông tư “làm khó” và “mua thêm việc” cho giáo viên. Thế nhưng, càng về sau, chúng tôi càng thấy Thông tư 30 dần phát huy được mục đích đề ra.
Còn nhớ lúc đầu, nhiều giáo viên trong trường tôi không đồng thuận với việc thay vì cho điểm phải nhận xét bằng lời. Tuy nhiên, một thời gian nhận xét học sinh, chúng tôi thấy rằng chính việc này giúp các cô phải rèn luyện từ ngữ trong cách nhận xét, đặc biệt là tránh không để trùng lặp những lời nhận xét. Nhiều giáo viên lo lắng “cạn vốn lời nhận xét” nên phải sáng tạo nhiều hơn.
Trước đây, giáo viên cứ cho điểm theo ba-rem sẵn. Giờ cái khó là nhận xét như thế nào cho khỏi trùng lặp. Nói thật, nhận xét học sinh học chưa tốt dễ hơn học sinh học tốt. Bài nào em cũng làm tốt thì mình cũng chỉ quanh đi quẩn lại “Em làm tốt, cô có lời khen” hay “Em làm rất tốt”.
Bên cạnh đó, giáo viên nhận xét trong vở của học trò thì cuốn vở cũng là nơi để phụ huynh “chấm điểm” giáo viên. Bởi vậy, giáo viên phải cân nhắc từng câu, nắn nót từng chữ.
Thực ra mà nói thì do đặc thù nghề nghiệp nên hầu hết chữ viết của giáo viên tiểu học khá đẹp, trình bày rõ ràng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá cũng là một cách giúp giáo viên trau đồi thêm về chữ viết, về ngôn ngữ để làm đa dạng, linh hoạt hơn khi nhận xét bài làm của học sinh, tránh nhận xét trùng lặp gây nhàm chán hay nhận xét một cách chung chung. Mỗi lời nhận xét của giáo viên không những phải chuẩn xác mà còn phải có tình, phải khích lệ được học trò và phải giúp các em sửa chữa được cái sai về kiến thức, về cách trình bày.
Việc thực hiện Thông tư 30 chưa đủ dài để có thể rút ra kết quả về sự tác động của nó đối với chất lượng giáo dục học sinh tiểu học (chất lượng giáo dục mỗi học sinh tiểu học là tổ hợp các thành tố: Kiến thức, kỹ năng các môn học và hoạt động giáo dục; năng lực; phẩm chất). Tuy nhiên, nó đã và đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi cách thức đánh giá, giáo dục vốn đã đi vào lối mòn và lạc hậu so với nền giáo dục thế giới.
Sau một thời gian thực hiện việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tôi mạnh dạn chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
Một là thay đổi quan điểm đánh giá, chủ động tiếp cận Thông tư 30 qua đó giáo viên hiểu được mục đích, nội dung, nguyên tắc và cách thức đánh giá. Giáo viên cần nắm được tính mới, tính mở của Thông tư 30.
Hai là nắm vững được các kỹ thuật đánh giá thường xuyên, giáo viên xác định được căn cứ nhận xét, cấu trúc, nội dung, hình thức của lời nhận xét; phân biệt rõ được sự khác nhau giữa nội dung nhận xét tháng và nhận xét tuần.
Ba là lập kế hoạch đánh giá, tùy theo từng môn học, đối tượng học sinh. Giáo viên lập kế hoạch đánh giá thường xuyên theo năm, tháng, tuần, bài, từng hoạt động, từng mạch kiến thức… Đối với giáo viên chủ nhiệm thực hiện việc đánh giá theo Thông tư 30 tương đối dễ dàng và thuận lợi tuy nhiên đối với giáo viên bộ môn còn gặp khó khăn trong vấn đề về thời gian.
Chính vì vậy, giáo viên cần linh hoạt, chủ động lập kế hoạch đánh giá: xác định nhóm đối tượng? Thời gian nhận xét? Cách nhận xét sao cho gọn và rõ, ưu tiên cho nhóm đối tượng chưa hoàn thành, nhóm đối tượng phát triển năng khiếu.
Sắp xếp ghi nhận xét vào vở, sản phẩm học sinh một cách khoa học, tránh áp lực, đối phó, quá tải. Cần căn cứ vào chủ đề, mạch kiến thức để ghi ngay nhận xét vào sổ bộ môn, không đợi đến cuối tháng. Không nhất thiết hết một tháng, giáo viên phải ghi đủ nhận xét cho 100% học sinh vào sổ bộ môn. Tùy theo giai đoạn kiến thức để giáo viên ghi nhận xét cho phù hợp. Vì quyển sổ này dành cho chính giáo viên bộ môn, quá trình đánh giá thường xuyên kéo dài đến hết một học kỳ mới kết thúc một giai đoạn.
Tích hợp trong cách ghi nhận xét giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, câu từ ngắn gọn hơn. Khi nhận xét vào vở học sinh nên tích hợp ghi nội dung tồn tại, nhược điểm của học sinh vào biện pháp. (Ví dụ nếu em viết đúng độ cao của chữ hoa thì bài viết của em sẽ đẹp hơn), biết cách tích hợp giữa nhận xét bằng lời và viết (Ví dụ đối với học sinh chưa hoàn thành nhiều kiến thức thì nên thường xuyên nhận xét bằng lời kết hợp lựa chọn ghi vào vở những nội dung cơ bản nhất để giúp các em tiến bộ, nếu ghi nhiều nội dung, các em rất dễ bị rối và gặp khó khăn khi đọc lời nhận xét của giáo viên).
Bốn là phân biệt cách nhận xét tuần và tháng giúp giáo viên có cách ghi cụ thể. Thông thường nhận xét trong tuần, giáo viên thường sử dụng 2 hình thức bằng lời và viết. Khi viết vào vở ghi, bài kiểm tra hoặc sản phẩm của học sinh thì giáo viên thường sử dụng các đại từ xưng hô để thể hiện sự gần gũi với học sinh. Tuy nhiên khi nhận xét tháng, ngoài thông báo bằng lời đến với các đối tượng thì bắt buộc giáo viên phải ghi vào sổ theo dõi nên lựa chọn câu từ thể hiện được mức độ học tập cơ bản nhất của học sinh: ưu, nhược, biện pháp thật ngắn gọn để lưu ý với chính mình, không ghi thêm các đại từ xưng hô vào.
Năm là không tự ép buộc bản thân ghi nhận xét vào vở mấy lần trên tháng vì như thế không đúng tinh thần của Thông tư 30 mà tạo ra áp lực nặng nề cho giáo viên. Giáo viên sử dụng các hình thức, nội dung nhận xét linh hoạt sao cho mục đích cuối cùng là học sinh tiến bộ so với chính em đó, chủ động kịp thời đến từng em, số lượt nhận xét của mỗi đối tượng sẽ khác nhau. Hãy sử dụng thời gian hợp lý trong lớp học, các tiết nghỉ để đánh giá học sinh. Giáo viên cần nâng cao trách nhiệm và lương tâm khi đánh giá và nhận xét học sinh.
Sau hơn một năm học thực hiện Thông tư 30/2014, tuy thời gian chưa nhiều nhưng tôi tin chắc rằng với tâm huyết và sự nỗ lực vượt qua khó khăn các cô giáo sẽ mang đến cho học sinh những lời nhận xét giúp các em tiến bộ.
Theo VNexpress