Cuốn sách Leadership The Barack Obama Way (bản tiếng Việt: Lãnh đạo phong cách Barack Obama của Alpha Books) của Tiến sĩ Chel Leanne – Chủ tịch tổ chức phát triển kỹ năng lãnh đạo cho các công ty thuộc nhóm Fortune 500 – trình bày và chắt lọc 10 phương pháp và nguyên tắc lãnh đạo mà Obama đã sử dụng hiệu quả trong nhiều năm qua. “Thu phục lòng tin” là một trong số ấy.
Bằng cách nào Barack Obama đã gây dựng lòng tin trong những người ủng hộ ông? Hãy xem các phân tích của Tiến sĩ Chel Leanne – cũng là cựu giảng viên Đại học Harvard (nội dung sau được trích lược từ cuốn Lãnh đạo phong cách Barack Obama):
Lãnh đạo phong cách Barack Obama doanhnhansaigon
“Đây mới thật là một nhà lãnh đạo”. Đó là phản ứng của hàng triệu người theo dõi ở Mỹ và trên toàn thế giới vào đêm thứ hai của Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004, khi Barack Obama bước lên sân khấu phát biểu bài diễn văn yếu lược một cách hùng hồn.
Sự kiện đó, đối với hầu hết các nhà quan sát, đánh dấu những hình ảnh đầu tiên của nhà lãnh đạo trẻ này. Nó ghi dấu thời khắc quyết định của Obama, bởi những ấn tượng đầu tiên đầy tích cực và mạnh mẽ đã đưa sự nghiệp trên chính trường của ông lên một tầm cao mới, giúp ông thăng tiến nhanh chóng từ một ứng cử viên lần đầu bước vào Thượng viện thành Tổng thống Mỹ cùng danh xưng “người lãnh đạo thế giới tự do” – một hành trình mà ông chinh phục chỉ trong bốn năm ngắn ngủi.
Vào đêm quyết định đó trong năm 2004, Obama đã sử dụng ngôn ngữ cơ thể và tạo hình bản thân xuất sắc đến độ khán giả truyền hình trên toàn cầu phải thốt lên câu nhận định trên trước khi ông bắt đầu phát biểu. Với những bước đi vững chắc, bờ vai rộng, nụ cười điềm tĩnh, cái vẫy tay đầy tự tin và dáng đứng uy nghi, Obama thu hút ngay sự chú ý lắng nghe của khán giả. Ở ông, người ta nhìn thấy một nhà lãnh đạo đầy tự tin và lôi cuốn.
Nếu những ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên là ngôn ngữ cơ thể và tạo hình cá nhân cho phép Obama nhanh chóng thu hút sự tập trung của mọi người, thì việc sử dụng một cách tài tình giọng nói và ngữ điệu trở thành ấn tượng tiếp theo giúp ông duy trì sự tập trung đó.
Chất giọng sâu lắng bẩm sinh – một vụ khí lợi hại của ông – đã củng cố nhận định ban đầu của mọi người. Obama đã khéo léo điều khiển giọng nói của mình để chuyển tải niềm phấn khích, nỗi bất bình, thái độ khẩn trương và sự say mê. Ông cao giọng khi thích hợp và hạ giọng khi cần thiết. Yếu tố cảm xúc trong giọng nói của ông cũng rất đa dạng – có lúc tỏ ra khát khao, có lúc thể hiện sự trìu mến, có lúc lại phẫn nộ bất bình – tạo nên chiều sâu và sức mạnh cho lời nói.
Thông qua nghệ thuật sử dụng giọng nói và ngữ điệu bậc thầy, Obama thu hút sự chú ý của khán giả vào những điểm chính, khơi dậy những cảm xúc, lôi cuốn người nghe và khiến bài phát biểu của ông dễ đi vào lòng người hơn.
Những cử chỉ của Obama cũng hiệu quả không kém trong việc nâng cao hiệu quả diễn thuyết: gõ một cánh cửa tưởng tượng, chạm hai đầu ngón tay vào những thời điểm quan trọng, viết chữ trong không trung với một cây bút tưởng tượng, nâng ngang bàn tay từ dưới lên trên, đưa lòng bàn tay về phía trước khi ra dấu dừng lại. Obama kết hợp những cử chỉ này với nhiều điệu bộ khác cũng được dùng rất đúng lúc, chẳng hạn như đặt tay lên ngực trái khi bày tỏ sự cảm kích sâu sắc, cho phép Obama truyền đạt cảm xúc và sự chân thành của ông. Ông củng cố các ấn tượng trên bằng một ấn tượng thứ ba khi thốt lên những lời khiến khán giả xúc động: ông bày tỏ niềm tin của mình vào những giá trị của nước Mỹ và những nguyên tắc đáng ca tụng.
Obama xuất hiện như một người lãnh đạo đích thực, nồng nhiệt, có năng lực và xứng đáng với lòng tin của mọi người.
Chúng ta hãy nghiên cứu kỹ hơn những gì đã giúp Obama tạo nên những ấn tượng ban đầu mạnh mẽ như vậy.
Nhìn nhận sức mạnh của những ấn tượng ban đầu
Nếu bạn mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả, bạn phải giành được lòng tin và sự tín nhiệm của những người mà bạn mong muốn được lãnh đạo. Do đó, nhiệm vụ quan trọng ban đầu của tất cả những người lãnh đạo là phải thu phục lòng tin của những người mà họ muốn dẫn dắt. Obama đã chứng minh ông hiểu rõ sức mạnh của những ấn tượng ban đầu.
Những bước đi khoan thai, việc lựa chọn trang phục cẩn thận, thái độ và giọng điệu khi nói chuyện với người khác trong những bối cảnh khác nhau, tất cả kết hợp lại tạo nên một hình ảnh tích cực cho ông.
Với niềm tin rằng việc luyện tập làm nên sự hoàn hảo, Obama đã nghiên cứu các bài diễn văn của Martin Luther King, Jr. trong thời gian học đại học. Khi ông mới bước vào trường luật, những đồng môn của ông kể rằng đôi khi ông phát biểu với giọng điệu của một quan chức chính phủ, khiến họ liên tưởng đến một vị bộ trưởng người Mỹ gốc Phi. Bằng nghiên cứu và thực hành, Obama đã có những bài phát biểu tạo cảm hứng và gây xúc động mạnh. Điều đó đã củng cố uy tín của ông và giúp ông có được vị trí Chủ tịch tờ Harvard Law Review.
Tạo nên ấn tượng ban đầu thông qua hình ảnh và ngôn ngữ cơ thể
Các nhà lãnh đạo cần phải hiểu rằng ấn tượng đầu tiên là một cơ hội quan trọng và duy nhất – một thời điểm then chốt quyết định. Thông qua hình ảnh và ngôn ngữ cơ thể, ngay cả trước khi thốt ra từ đầu tiên, bạn cũng đã có thể phát ra những tín hiệu rõ ràng.
Obama rất xuất sắc trong việc thiết lập ấn tượng ngay từ những giây đầu tiên. Hãy chú ý những bước đi vững chãi của ông, cách giao tiếp bằng mắt với khán giả, cách mở rộng cánh tay vẫy chào mọi người một cách thân thiện nhằm thu hẹp khoảng cách giữa họ, sự tự tin toát ra qua từng cử chỉ.
Khi nói chuyện với khán giả, ông thu hút họ bằng cách quay nhìn về một phía, đôi khi gật nhẹ đầu, sau đó quay sang phía đối diện. Khi Obama thay đổi hướng nhìn trong suốt cuộc thảo luận, một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, ông có thể tiếp cận người nghe một cách trọn vẹn hơn. Khán giả cảm nhận điều này như một sự tôn trọng và hoan nghênh, họ cảm thấy Obama đáng tin cậy – một nhà lãnh đạo sẵn sàng nhìn thẳng vào mắt họ. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp đó sẽ kéo dài.
Từ dáng đi tự tin khi bước vào khán phòng cho đến cái vẫy tay chào kết thúc, Obama quyến rũ tất cả mọi người bằng ngôn ngữ cơ thể cực kỳ hiệu quả.
Khi phải chọn lựa giữa lời nói và ngôn ngữ cơ thể, dù có ý thức hay không thì hầu hết những người quan sát đều cho rằng ngôn ngữ cơ thể sẽ nói lên sự thật. Nếu các nhà lãnh đạo không thể tự thuyết phục mình tin vào một thông điệp nào đó, như ngôn ngữ cơ thể của họ thể hiện, thì những người khác cũng sẽ không tin vào thông điệp của họ.
Obama đã cho thấy rằng các lãnh đạo cũng phải lựa chọn y phục phù hợp. Giống như ngôn ngữ cơ thể, Obama sử dụng hình ảnh bản thân để tạo lợi thế cho mình. Đối với Obama, phong cách ăn mặc và bề ngoài chỉn chu truyền đạt hình ảnh một người thẳng thắn, có những giá trị đạo đức tốt và làm việc tích cực.
Dĩ nhiên, nhiều nhà lãnh đạo thành công có bề ngoài hoàn toàn khác. Có thể tưởng tượng một nam doanh nhân thành đạt tóc dài cột đuôi ngựa, hay một nữ doanh nhân thành đạt không tuân theo những thông lệ về ăn mặc trịnh trọng, thích đeo những món nữ trang to tướng và trang điểm sặc sỡ. Song những hình ảnh này cũng chuyển tải thông điệp của nó và những người chọn phong cách phá vỡ truyền thống đôi khi phải làm việc tích cực hơn để giành được sự tín nhiệm ở người khác, vì hình ảnh của họ không phù hợp với mong đợi.
Không có lựa chọn đúng hay sai, nhưng lựa chọn của Obama là thể hiện một hình ảnh nhất quán với những giá trị mà ông muốn đại diện – một người đàn ông bình dị với những giá trị dân dã.
Sử dụng các đạo cụ
Obama thường chú ý đến việc bố trí các đạo cụ phù hợp xung quanh mình. Việc sử dụng đạo cụ là một phương pháp quan trọng để gây ấn tượng và nhấn mạnh thông điệp chính được truyền đạt thông qua ngôn ngữ cơ thể và hình ảnh bản thân.
Barack Obama đã thể hiện kỹ năng khéo léo trong việc sử dụng đạo cụ và dàn dựng bối cảnh để củng cố những thông điệp của mình. Trong lần đầu tiên công bố việc ứng cử vào Nhà Trắng, ông đã chọn địa điểm phát biểu ở Springfield, bang Illinois – nơi gợi nhớ những ký ức về Tổng thống Abraham Lincoln. Bối cảnh này có chức năng như một đạo cụ. Khi lựa chọn Springfield, Obama muốn nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc ông ứng cử, sự gắn kết của ông với những giá trị cốt lõi của nước Mỹ, sự tôn kính đối với lịch sử Mỹ và sự gắn bó chặt chẽ của ông với những giá trị liên quan đến Lincoln như lòng can đảm và sự chính trực.
Tạo nên ấn tượng mạnh mẽ thứ hai thông qua giọng nói và ngữ điệu
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo chú trọng vào ấn tượng đầu tiên, họ thường bỏ qua một cơ hội quan trọng khác: Cơ hội để tạo ra ấn tượng mạnh mẽ thứ hai. Giọng nói và ngữ điệu đóng vai trò rất quan trọng ở đây: Cả hai đều là những công cụ cần thiết để tạo nên ấn tượng mạnh thứ hai.
Hãy tưởng tượng một người đàn ông cao to cất lên một chất giọng the thé. Chúng ta sẽ ngay lập tức đánh giá lại ấn tượng ban đầu về ông ấy. Rất có thể chúng ta đã mặc định rằng ông ấy hẳn phải rất nam tính dựa vào tầm vóc cơ thể đồ sộ kia. Ngược lại, một phụ nữ nhỏ bé có chất giọng trầm và oai phong sẽ ngay lập tức thay đổi nhận thức ban đầu của bạn về cô ấy. Giọng nói và ngữ điệu thực sự có thể củng cố cho những ấn tượng đầu tiên và đôi khi có thể biến đổi chúng theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi.
Một khía cạnh của giọng nói có thể tạo nên ấn tượng tức khắc chính là chất lượng – cao độ và độ vang. Đối với Barack Obama, giọng nam trung uy dũng của ông là một vũ khí lợi hại. Giọng nói của ông khá dễ nghe đồng thời cũng rất uy lực. Những nhà lãnh đạo không có chất giọng thiên phú như vậy có thể cải thiện chất lượng giọng nói bằng cách thực hành các kỹ thuật luyện thanh.
Ngoài âm điệu tự nhiên, cách thức một nhà lãnh đạo sử dụng giọng nói của mình cũng cực kỳ quan trọng đối với việc duy trì những ấn tượng đã được tạo ra. Obama là bậc thầy của nghệ thuật thay đổi cao độ, âm lượng, cung bậc cảm xúc và chuyển điệu.
Obama luôn tránh nói với giọng đều đều. Ông thay đổi cách nói ở những từ quan trọng, lên giọng và xuống giọng khi cần. Sự linh hoạt trong việc chuyển điệu của ông bổ sung thêm chiều sâu cho những gì ông đang trình bày theo một cách mà những con chữ bình thường không thể làm được.
Việc sử dụng hiệu quả các cử chỉ khi thuyết trình cũng làm tăng thêm khả năng tạo ấn tượng mạnh thứ hai. Obama thường xuyên thể hiện các cử chỉ trong khi nói. Ví dụ, khi Obama đặt tay lên ngực, ông muốn thể hiện một xúc cảm sâu lắng trong lòng, di chuyển những ngón tay về phía mình tức là gọi một ai đó lại gần…
Obama đã cho thấy rằng khi chúng ta tìm cách tạo nên ấn tượng mạnh mẽ thứ hai, cử chỉ có thể kết hợp với giọng nói và ngữ điệu để bài nói đạt hiệu quả cao hơn.
Lợi ích từ ấn tượng thứ ba: Khởi đầu mạnh mẽ, nguyên tắc vững vàng và tâm lý sẵn sàng
Không có một nguyên tắc cụ thể nào trong việc này cả. Nhưng điều tạo nên khởi đầu thành công được xác định bởi thời gian, địa điểm và con người. Có những lúc, điều quan trọng nhất là tập trung vào những vấn đề chính ngay từ đầu. Nhưng có những lúc, một vài câu nói đầy cảm xúc sẽ giúp đưa khán giả đến một tâm trạng thích hợp hơn. Như vậy, có rất nhiều cách để khởi đầu thật tốt – một câu trích dẫn xúc động, một giai thoại sâu sắc, một câu đùa nhẹ nhàng, một tuyên bố trực tiếp về chủ đề cuộc thảo luận…
Obama luôn bắt đầu một cách mạnh mẽ nhằm thu hút và dẫn dắt sự chú ý của người nghe.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào ngày 18/3/2008, khi đọc bài diễn văn lịch sử A More Perfect Union (tạm dịch: Một liên minh hoàn hảo hơn) nói về mối quan hệ giữa các dân tộc, Obama đã sử dụng một sự kiện đáng chú ý để có được một sự khởi đầu mạnh mẽ trước công chúng. Ông bắt đầu bài diễn văn bằng câu nói thấm đậm tinh thần yêu nước để kết nối với người nghe: “Chúng ta, những công dân Hoa Kỳ, đoàn kết để tạo nên một liên minh hoàn hảo hơn”.
Ngay cả khi thất bại, Obama cũng khéo léo lựa chọn lời mở đầu cho bài phát biểu của mình. Ví dụ, sau thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Pennsylvania vào năm 2008, Obama đã gọi thất bại này là một “chiến thắng vì chúng ta đã thu hẹp khoảng cách”. Ông đã nói:
“Tôi muốn bắt đầu bằng cách chúc mừng Thượng nghị sĩ Hillary Clinton với chiến thắng tối nay, và tôi muốn cảm ơn hàng trăm ngàn người dân bang Pennsylvania đã ủng hộ chiến dịch của chúng tôi ngày hôm nay. Khi cuộc đua mới bắt đầu, rất nhiều người không nghĩ rằng chúng tôi có thể đạt được một kết quả sít sao như vậy”.
Một điều khác đã giúp Obama tạo ấn tượng mạnh và giành được lòng tin là khả năng truyền đạt những nguyên tắc làm việc chuẩn mực của mình. Việc này giúp tạo nên thiện cảm nơi khán giả, nhất là khi chúng được củng cố bởi những hành động theo sau.
Trong bài diễn văn yếu lược tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vào năm 2004, Obama đã bày tỏ cam kết của mình với những giá trị Mỹ và những lý tưởng đáng ca ngợi. Ông nói:
“Tối nay, chúng ta tập trung tại đây để khẳng định sự vĩ đại của đất nước này, không phải bằng chiều cao của những tòa nhà chọc trời, bằng sức mạnh của quân đội hay bằng quy mô của nền kinh tế. Niềm tự hào của chúng ta dựa trên một sự thật rất đơn giản được tóm tắt trong một tuyên ngôn hơn hai trăm năm về trước: Chúng ta khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Với những lời nói này, Obama bắt đầu hình thành những ấn tượng ban đầu tích cực trong lòng hàng triệu người xem.
Việc thể hiện sự sẵn sàng và nắm vững các vấn đề liên quan là cách thứ ba giúp Obama tạo nên ấn tượng tích cực. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Obama đã thiết lập và duy trì danh tiếng là một người luôn luôn sẵn sàng và làm việc tích cực để giải quyết những vấn đề hiện tại một cách thấu đáo.
Trong giai đoạn đầu của cuộc tranh cử tổng thống, nhà hoạt động dân quyền Jesse Jackson nhận xét rằng mặc dù ông không chắc rằng Obama có đủ kinh nghiệm để trở thành tổng thống Mỹ hay không, nhưng ông vẫn bị ấn tượng mạnh bởi “tinh thần sẵn sàng chiến đấu” của Obama và sự thành thạo những vấn đề về chính sách mà Obama đã thể hiện.
Nhiều thập niên sau, mọi người vẫn tiếp tục ca ngợi tinh thần sẵn sàng đương đầu của Obama.
Thông qua quá trình rèn luyện cần mẫn, Obama đã xây dựng được ấn tượng thứ nhất, thứ hai và thứ ba một cách xuất sắc, qua đó giành được sự tín nhiệm từ người khác. Những ấn tượng mạnh mẽ ban đầu mà Obama tạo nên đã đặt nền tảng cho tầm ảnh hưởng rộng lớn của ông, như những gì mà hôm nay gần như cả thế giới đều biết đến.
Theo DNSG