Sau hơn 4 năm xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, anh Trần Hùng (26 tuổi, Bắc Ninh) trở về Việt Nam nuôi giấc mơ lập nghiệp. Với số vốn hơn 800 triệu đồng trong tay, anh mơ ước mở một xưởng cơ khí rộng 500 m2 tại quê nhà.
Có tay nghề và kinh nghiệm được đào tạo và làm việc từ ‘Xứ sở hoa anh đào’, Hùng khá tự tin cho biết có thể dễ dàng truyền đạt kiến thức cho người khác. Việc vận hành máy móc theo anh cũng không khó.
Thế nhưng, bắt tay vào làm mới thấy khó. Chỉ chưa đầy 2 tháng, Hùng cảm thấy hụt hẫng, xem lẫn cảm giác hoang mang.
Khó khăn lớn nhất của việc mở xưởng không phải là vấn đề người làm, tay nghề hay kỹ thuật như anh nghĩ. Nguồn nhập nguyên liệu hạn hẹp, máy móc thiết bị lạc hậu là rào cản biến giấc mơ thành hiện thực.
Hùng cho biết, máy móc ở Việt Nam lạc hậu, thiếu thốn trăm bề. Phần lớn thiết bị không đủ chuẩn kỹ thuật công nghệ cao. Để mua được một chiếc máy hiện đại, anh phải lặn lội tìm nơi cung cấp ở TP HCM, một số phải đặt ở nước ngoài.
Thậm chí, những phụ kiện nhỏ từ cái định vít, tấm tôn phải lên tận Hà Nội mới mua được số lượng lớn. “Nếu tính chi phí vận chuyển, thuế phí, giá một chiếc máy ngang ngửa với giá bán khi cho ra thành phẩm”, anh cho hay.
Muốn lập nghiệp ở Việt Nam, nhưng cái gì cũng thiếu. Không tìm được giải pháp giải quyết vấn đề, giấc mơ mở xưởng bị đổ bể, anh quyết định thanh lý máy móc, chịu lỗ gần 100 triệu đồng để đi xin việc.
Dù thất bại, chàng thanh niên 26 tuổi quan niệm, đây là số tiền bỏ ra để mua kinh nghiệm. Hiện tại, anh Hùng đang làm công nhân cơ khí tại một công ty Nhật với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, sẽ làm thuê 1-2 năm để học hỏi, nắm bắt thêm về thị trường Việt Nam để ngày nào đó, xây dựng lại giấc mơ ban đầu.
Kết quả 4 năm đi lao động Hàn Quốc, Thành Chung (29 tuổi, Thái Bình) đã tích cóp được hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản. Ngoài xây dựng cho ba mẹ căn nhà 500 triệu đồng, anh vẫn còn dư một nửa.
Anh cho biết, trước khi về nước, Chung có ý định sử dụng số tiền dư để lập nghiệp: mở một hàng ăn, một xưởng gỗ, xưởng hương hoặc đầu tư vào trang trại chăn nuôi. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, ý định này vẫn luẩn quẩn trong đầu. Đính hướng về một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trong anh vẫn chưa rõ ràng.
Chung cho biết, anh đã thử một vài kế hoạch nhưng đều bất thành.
Ở Thái Bình, dịch vụ ăn uống rất khó làm bởi không có tiềm năng phát triển du lịch. Xưởng gỗ, hương trong vùng đồng loạt phá sản vì Trung Quốc ngừng mua. Ngành chăn nuôi đang kiệt quệ vì chất cấm…
“Nhiều người khuyên làm việc dựa trên chuyên môn kỹ thuật và vốn tiếng nước ngoài để tìm hướng đi đúng đắn. Thế nhưng, vốn tiếng chỉ ở mức trung bình, công việc ở Nhật chủ yếu là “bấm máy” (theo dây chuyền tự động hóa), khó có công việc nào ở Việt Nam phù hợp với kinh nghiệm tôi đang có”, người lao động này tâm sự.
Ý định lập nghiệp ban đầu gần như đã tiêu tan.
Tính đủ đường, sau cùng, anh Chung vẫn quyết định không mạo hiểm và lựa chọn tìm kiếm một công việc làm thuê.
Gặp Thành Chung trong dịp “Ngày hội làm việc cho lao động Hàn Quốc về nước”, anh cho biết, đang tìm kiếm cơ hội tại một công ty cơ khí ở Hàn Quốc với mong muốn mức lương chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Song anh vẫn đứng ngồi không yên bởi số tiền gần 500 triệu đồng gửi ngân hàng đang nằm yên tại chỗ, với tỷ giá hiện tại, chỉ một vài năm nữa, nó sẽ không cánh mà bay.
Theo Trí Thức Trẻ