Nhưng những nhà sáng lập có kinh nghiệm hiểu rằng làm startup không hề dễ dàng. Một số người còn lâm vào tình trạng phá sản, mất tất cả.
Xu Zhengjiang là một trong số sáng lập viên trẻ tuổi thất bại cay đắng trong con đường khởi nghiệp. Startup đầu tiên của anh khiến anh gần như phá sản. Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp đầy gian khó của Xu:
Tôi đang ở độ tuổi 20. Giống như các bạn trẻ khác, tôi lớn lên trong thời điểm mà những tiến bộ đang được tạo ra nhờ những cải cách ở Trung Quốc, tôi được tiếp xúc với máy tính từ nhỏ và theo dõi sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Trung Quốc.
Chúng ảnh hưởng rất lớn tới tôi, gieo một hạt giống trong trái tim tôi. Tôi muốn làm một điều gì đó lớn lao.
Tại các thành phố lớn, chuyện các CEO nổi tiếng khởi nghiệp trong một tầng hầm đi thuê sau đó vượt qua khó khăn và thành công thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Sau thời gian khó khăn, startup của họ IPO và họ trở thành những ông hoàng, bà chúa, tận hưởng cuộc sống của những người giàu có và thành công.
Bây giờ tôi không biết nên cười hay khóc nữa nhưng đó là những gì dẫn dắt tôi vào con đường kinh doanh.
Khi làm một sáng lập viên, bạn thường bỏ qua lời khuyên của những người khác. Bạn tự hào rằng mình đang theo đuổi ước mơ, đang làm việc chăm chỉ với mục tiêu của riêng bạn. Thậm chí, bạn kiêu ngạo tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi có một giấc mơ”.
Tôi cũng vậy. Dù có thành công hay không tôi vẫn luôn nghĩ rằng ngày nào đó mình sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông giống như những doanh nhân thành đạt kia.
Khi chúng tôi bắt đầu, tôi tràn đầy tự tin. Tôi chắc chắn rằng tất cả những gì mình làm đều có ý nghĩa riêng của nó. Tôi nhận ra bản thân mình làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng bây giờ khi nhìn lại, tôi thấy mình quá trẻ dại và suy nghĩ quá đơn giản. Cứ như kiểu tôi ra quyết định trong khi say rượu vậy.
Giờ đây, sau khi làm hai startup, tôi xin nói với bạn một cách chắc chắn rằng startup là một đường hầm tối. Không ít người đã mãi mãi lạc trong đó.
Năm 2014, khi đang học năm nhất đại học, tôi quyết định bảo lưu để theo đuổi startup. Tôi bắt đầu sống như một người nhập cư ở Bắc Kinh. Thời điểm đó, mô hình kinh doanh O2O đang bắt đầu phát triển mạnh và tiền tràn ngập trên thị trường vốn. Tôi nghĩ rằng mình có cơ hội vì vậy tôi quyết định theo đuổi startup.
Tôi đã thành lập một startup thương mại điện tử cung cấp dịch vụ giặt quần áo có tên “9 RMB Wash”. Như tất cả hầu hết các startup khác, tôi cố gắng cân bằng công việc với cuộc sống.
Nhóm chúng tôi chuyển từ ngôi nhà thuê với giá 230 USD một tháng ở khu Tongzhou tới một ngôi nhà ở khu vực trung tâm. Trước đó, chúng tôi sống ở một tầng hầm nhưng tôi chấp nhận. Nếu bạn muốn giành được vương miện, bạn phải hy sinh. Chúng tôi như bao thanh niên nhập cư khác, nuôi dưỡng ước mơ lớn của mình.
Tôi đã gửi vô số tin nhắn trên WeChat và gửi kế hoạch kinh doanh của chúng tôi cho hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Bắc Kinh. Tôi đã đi tới Thượng Hải để gặp nhà đầu tư Charles Xue và tôi đã tới gõ cửa quỹ Innovation Work của Kaifu Lee.
Suốt khoảng thời gian đó, chúng tôi huy động được 770.000 USD từ một nhà đầu tư duy nhất.
Với một sinh viên, mọi việc khá suôn sẻ khi chúng tôi thành công trong việc tìm ý tưởng, triển khai thành một mô hình kinh doanh nhằm từng bước hoàn thiện dịch vụ O2O. Nhưng các đối thủ cạnh tranh bắt đầu xuất hiện khiến quy mô kinh doanh của chúng tôi bị thu hẹp.
Tôi đã đi quá nhanh, ngay cả khi các nhà đầu tư nói tôi nên chậm lại tôi vẫn cảm thấy mình không thể dừng. Thời điểm đó, tôi có cảm giác như ngày mai tôi kiếm được một đống tiền hoặc sẽ mất một đống tiền.
Khi tôi biết đối thủ cạnh tranh eDaiXi huy động được số vốn tới hàng chục triệu USD, tôi nghĩ rằng họ sẽ nhanh chóng thâu tóm thị trường giặt là trực tuyến vì vậy tôi muốn kết thúc. Tôi sợ phải ép vốn và các vấn đề trong tương lai của thị trường, tôi cũng không có đủ kinh nghiệm vì vậy nếu tiếp tục tôi sẽ phá sản.
Họ luôn muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi, chúng tôi không thể phát triển đủ lớn trong thị trường sinh viên để nuôi hy vọng phát triển thị trường rộng lớn hơn.
Sau khi tôi tuyên bố bỏ cuộc, một cơ quan truyền thông đã đề cập tới chúng tôi và tôi được một trong những hãng tin lớn phỏng vấn.
Thất bại này dội một xô nước đá vào thế giới trong mơ của tôi. Trước đó, tôi theo dõi tất cả các chương trình startup và luôn nghĩ rằng làm startup không khó cho lắm. Sau đó, tôi nhận ra rằng việc biến ý tưởng thành một doanh nghiệp sau đó thu hút vốn từ các nhà đầu tư không dễ như tôi đã thấy.
Làm startup, tôi gặp gỡ rất nhiều người, sáng lập viên, nhà đầu tư và rất nhiều nhân tài trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Khi nói chuyện với họ, tôi nhận thấy họ có tầm nhìn khá xa khi nói về một vấn đề.
Họ có thể thấy trước các vấn đề trước khi nó xảy ra với một dự án. Do vậy, các sáng lập viên dành rất nhiều thời gian nói chuyện với các nhân tài trong ngành công nghiệp của họ, lắng nghe ý kiến của họ và khuyến khích họ phản biện. Đây là điều có lợi với các startup.
Tất nhiên, bạn không nên mù quáng tin tưởng vào họ, bạn cần chọn lọc những gì đúng, những gì sai. Bạn cần suy nghĩ độc lập nhưng cũng cần phải để ý tới những góc nhìn khác.
Đây là những lỗi lầm mà tôi đã mắc:
– Không chuẩn bị sẵn sàng, nhân tài rất quan trọng với startup của bạn và bạn cần những người có kinh nghiệm, đặc biệt là khi bạn không có đủ khả năng.
– Không thể cưỡng lại những cám dỗ. Một cách mù quáng, tôi điên cuồng mở rộng theo đuổi lợi nhuận khiến phát sinh các vấn đề về vốn.
– Mắc kẹt vào hướng phát triển sai. Bạn đừng quá cứng đầu bởi quyết định sai lầm của bạn có thể khiến cả đội phải trả giá.
– Suy nghĩ rằng tiền có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề. Tôi đã bị các chương trình truyền hình đánh lừa.
– Sợ thất bại.
– Không đủ sự tập trung vào các khía cạnh quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Kết
Sau thất bại đầu tiên, Xu thành lập một startup thứ hai. Startup này vẫn đang hoạt động. Nó gần như đã biến mất, giảm từ 30 nhân viên xuống còn hai người nhưng Xu vẫn đang cố gắng làm lại từ đầu và anh không bỏ cuộc.
“Hay năm qua, các nhà đầu tư đã trả tiền cho tôi tích lũy kinh nghiệm”, Xu nói.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK