Dù con trai 7 tuổi chưa nghỉ hè, nhưng anh Vũ Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đã đăng ký cho con đi học bơi từ đầu tháng 5. Mỗi tuần, cậu bé đến bể bơi 3 buổi vào các buổi chiều, từ 16 đến 17h30. Chi phí cho khóa học kéo dài 6 tuần là 3 triệu đồng.
Ở bể bơi có khá nhiều học viên cùng tuổi nên bé Hoàng, con trai anh rất thích thú. Ngoài đi học lớp dạy bơi bài bản, thi thoảng anh Thanh cũng cho con đến bể bơi để có thể dạy thêm cho cháu. “Bơi lội là kỹ năng sinh tồn cơ bản, đứa trẻ nào cũng nên học”, anh chia sẻ và nhắc lại nhiều vụ đuối nước của trẻ khi mùa hè đến. Hồi nhỏ sống ở quê, 10 tuổi anh đã biết ngụp lặn bì bõm ở sông, bạn bè tự dạy cho nhau, có khi ôm cây chuối tập bơi chứ không cần thầy dạy như bây giờ.
“Mình thấy nhiều đứa trẻ thành phố giờ giống như gà công nghiệp, ù lì, ít vận động”, anh nói và vẫn đùa rằng, anh nuôi dạy con theo cách “chăn thả”, nghĩa là không bao bọc quá nhiều. Qua việc phát triển kỹ năng, tính cách tích cực của con cũng từ đó hình thành, như tự lập, biết giúp đỡ người khác, không quá phụ thuộc vào cha mẹ.
Ngoài “ném” con vào bể học bơi, anh Thanh dự định cho con đi học thêm võ thuật. Vị phụ huynh này thường xuyên cho con về quê ở Phú Thọ để tận hưởng không khí trong lành và “học” làm vườn cùng ông bà nội. Các con nhổ cỏ, phân biệt các loại rau, cách trồng. Cậu con trai thường dắt cô em gái 4 tuổi ra vườn. Rau củ gia đình mang từ quê lên thành pố ăn cũng có phần chăm bẵm của các con.
Bé Hoàng Phong, 9 tuổi (ở Kim Mã, Ba Đình) tên ở nhà gọi là Bin thường mong chờ đến mùa hè. Mỗi năm em ẽ được bố mẹ cho đi học một lớp kỹ năng, như bơi lội, đá bóng, võ thuật. Năm nay, Bin còn được đi học beatbox. Chị Thúy Hiền, mẹ cháu đang tham khảo các lớp học do bạn bè giới thiệu, đến cuối tháng 5 này khi cháu nghỉ học là cho đi luôn.
Bin được học bơi cách đây 2 năm, giờ bơi lội thành thạo, còn có thể lặn sâu. Chị Hiền còn cho con đi học đá bóng ở lớp của một cựu danh thủ, mỗi tuần một buổi với mức học phí 700.000 đồng/tháng. Các môn thể thao hoặc phát triển năng khiếu cũng được phụ huynh này chú trọng, như chơi tennis, beatbox. Theo chị, cho con đi học các lớp kỹ năng có thể phát triển điểm mạnh, sau này ít nhiều ảnh hưởng đến tính cách, định hướng tương lai, công việc.
Năm trước, chị cho con đi học hè ở trường tư thục gần nhà hết 4 triệu đồng. Năm nay, chị Liên cho cả hai con 8 tuổi và 5 tuổi đi học lớp kỹ năng sống do công ty nơi chị làm việc tổ chức. Lớp học 3 buổi mỗi tuần, được hỗ trợ nên mức học phí toàn khóa là 1,2 triệu đồng. Trẻ được học về giao tiếp, yoga cười, thực hành sắp xếp đồ đạc gọn gàng, kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm như gặp người lạ, giật cặp, túi xách…
Theo chị Liên, các lớp dạy kỹ năng sống hiện nay không còn quá mới mẻ nên cho con đi học chủ yếu là để giải trí, vừa học vừa chơi. Sau lớp học hè, con gái chị biết làm khá nhiều việc. Giờ, cháu có thể tự nấu cơm và làm những món đơn giản cho cả nhà. Phụ huynh bận đi làm nên cho con đi học hè đỡ được khoản trông con. Nhiều bạn bè chị Liên còn “mạnh tay” cho con tham gia những trại hè ở tỉnh xa có chi phí lên đến hàng chục triệu, hoặc đi tour trại hè ở Singgapore lên đến gần 2.000 USD.
Biết nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường tiểu học tổ chức chiêu sinh các lớp kỹ năng sống. Trường Pascal (Cầu Giấy, Hà Nội) mở các lớp học hè dạy nhiều kỹ năng, như khoa học khám phá, đầu bếp tí hon, kỹ năng yêu thương, kỹ năng làm chủ. Tiểu học song ngữ Brendon thiết kế chương trình hè cho học sinh từ 6 đến 10 tuổi tham gia các khóa mùa hè khám phá, trại hè khoa học tiếng Anh với chi phí tới 6,5 triệu đồng cho mỗi trại sinh.
Anh Đặng Lâm, quản lý một trung tâm dạy bơi lội ở Hà Nội cho biết, vào dịp hè, phụ huynh đăng ký cho con đi học bơi đông gấp 3-4 lần bình thường. Vì thế, bể bơi liên tục phải chia nhiều ca trong ngày, chủ yếu là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều mới đủ đáp ứng nhu cầu. Có năm, trung tâm tuyển khoảng 1.000 học viên nhưng đến đầu tháng 5 đã kín danh sách đăng ký.
Theo VNexpress