Dạy học Mỹ thuật ở bậc Tiểu học theo phương pháp mới

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tổng kết Dự án Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật cấp tiểu học giai đoạn 2011 – 2015 tổ chức tại TP Đà Nẵng vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn thừa nhận: Dự án do chính phủ Đan Mạch tài trợ đã thành công ngoài mong đợi; tạo được không gian sư phạm sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý HS tiểu học, tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt yêu cầu bài học nhằm khơi gợi, bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho HS, đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học.
Ảnh minh họa
Mỹ thuật gắn liền với cuộc sống hàng ngày

“Trong ngành Giáo dục, từ khi chưa đưa được môn Mỹ thuật vào dạy đến khi đưa được vào chương trình là một chặng đường dài. Khi đưa được vào dạy nhưng chưa có kinh nghiệm nên thiết kế giáo trình giảng dạy cũng giống các môn học khác mà không hiểu đúng mục tiêu của giáo dục mỹ thuật… dẫn đến triển khai không thành công và nặng nề”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Chương trình Hỗ trợ giáo dục Mỹ thuật cấp tiểu học đã xây dựng 7 quy trình mới, gồm: Vẽ cùng nhau và sáng tạo câu chuyện; vẽ biểu cảm; vẽ theo nhạc; xây dựng cốt truyện, tạo hình 3D, tiếp cận chủ đề – tạo hình từ vật tìm được; nghệ thuật sắp đặt, hoạt cảnh, biểu diễn và sắm vai; tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn, vẽ chân dung biểu đạt, tạo sản phẩm mỹ thuật từ những vật liệu tìm được…

7 quy trình này đều được xây dựng chung một cấu trúc và đều hướng tới mục tiêu lấy HS làm trung tâm; kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức giúp HS có được các khả năng: Biểu đạt và giao tiếp thông qua hình ảnh, khám phá và hiểu được văn hóa thông qua nghệ thuật thị giác, hình thành các kỹ năng sống trong lĩnh vực mỹ thuật, yêu thích cái đẹp và biết vận dụng vào cuộc sống sinh hoạt, học tập hàng ngày.

Cô Nguyễn Quỳnh Nga – GV Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Q. Long Biên – Hà Nội) nhận xét: “Phương pháp giảng dạy mỹ thuật thông qua hoạt động tự thân của người học theo quan điểm giáo dục mở giúp tạo hứng thú, biểu lộ cảm xúc, phát huy năng lực cá nhân, phát huy trí tưởng tượng trong hoạt động hợp tác của HS tốt hơn”. Thầy giáo Phạm Văn Thuận, GV Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (Q. Lê Chân, TP Hải Phòng) cũng cho rằng, với phương pháp mới này, mỹ thuật là một móc xích quan trọng trong quá trình dạy học.

Thông qua môn Mỹ thuật, HS có thể lĩnh hội được các khái niệm về tự nhiên xã hội, văn hóa, toán học, tiếng Việt, lịch sử, địa lý… GV cần phải làm cho HS thích học và học thực sự thông qua việc HS làm và thích làm, bởi vì quy trình mỹ thuật đó gắn liền với cuộc sống hàng ngày và quá trình học tập, phát triển những kỹ năng sống mới cho các em.

Khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ của HS

Cô giáo Vũ Thị Thắm – GV Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Miện (Hải Dương) so sánh: “Từ việc HS ngại học môn Vẽ, không thích học môn Vẽ vì vẽ không đẹp của phương pháp học mỹ thuật hiện hành sang học theo phương pháp mới của Đan Mạch, HS không còn ngại học vẽ nữa. Không khí lớp học rất thoải mái, vui vẻ, trong giờ học theo nhóm, tùy theo khả năng của mình, HS vẫn có thể cùng các bạn vẽ hoặc xé dán, nặn, tạo dáng, vật tìm được… xóa đi mặc cảm cho những HS chậm tiến, khích lệ được nhiều HS yêu thích học vẽ, phát huy tốt những HS có năng khiếu mỹ thuật”.

Cô Hoàng Duy – GV mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) kể đầy tự hào: “Khi áp dụng phương pháp dạy mỹ thuật mới, trường Tiểu học Nguyễn Du đã tổ chức hội chợ “Ngày hội của bé”, các sản phẩm do chính HS làm ra đã thu về cho trường hơn 150 triệu đồng. Số tiền này, ngoài 30 triệu đồng tặng học bổng cho HS nghèo, số tiền còn lại nhà trường chung tay xây dựng phòng đa năng ngoài sân trường để cho dự án này và thư viện ngoài trời hoạt động”.

Còn theo như cô giáo Nguyễn Quỳnh Nga thì ngoài được phát triển về năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực tuy duy, trí tưởng tượng… HS còn có nhiều cơ hội tương tác, hợp tác phát triển các kỹ năng thái độ về giao tiếp, phương pháp trình bày, tạo niềm tin…

Những gì mà phương pháp dạy học mỹ thuật mới đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều địa phương triển khai đến 100% các trường tiểu học như Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Đà Nẵng, Tây Ninh đúng với phương châm “môn Mỹ thuật trong nhà trường không nhằm đào tạo các em trở thành họa sĩ mà thông qua các hoạt động tạo hình để khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ”. 

Theo Giáo dục và Thời đại