Mấy năm trở lại đây, mớ bòng bong trong thế giới doanh nghiệp ngày càng được nhận diện rõ hơn. Các khung pháp lý đã thất bại hoàn toàn. Cơn khủng khoảng nợ dưới chuẩn gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008 đã gần như phá hủy hệ thống tiền tệ của nước Mỹ và châu Âu trong khi hậu quả lan tỏa của nó tác động lên phần còn lại của thế giới.
Ảnh minh họa
Nhưng mất mát to lớn nhất lại là lòng tin. Vấn đề này thực ra nghiêm trọng hơn là những gì chúng ta đang nhìn thấy bởi các hoạt động thương mại chỉ có thể phát triển trên cơ sở lòng tin.
Trong thế giới phương Tây, các doanh nghiệp biết quá rõ rằng mô hình quản lý vơ vào một cách tham lam vô độ, một triết lý kinh doanh “cái gì tốt cho tổ chức là chấp nhận” đã không còn hoạt động hữu hiệu được nữa.
Các nguồn lực của thế giới, tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên nhân lực đều đang cạn dần. Nhưng buồn thay mô hình mới lại chưa đến. Vì thế nổi lên một câu hỏi thú vị là, trên con đường đến với sân chơi toàn cầu, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có cần phải kinh qua chu kỳ thịnh vượng rồi rơi vào khủng hoảng như phương Tây đã trải qua hay là doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm lấy cho mình một con đường mới?
Vậy thì con đường của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào? Chú ý đến kỹ năng lãnh đạo có lẽ là một giải pháp tốt.
Đa số các nhà lãnh đạo phương Tây cũng như phương Đông chúng ta đều có tính thích nghi rất kém trong một thời đại cần phải thích ứng nhanh bởi thế giới xung quanh thay đổi không ngừng. Liệu chúng ta có cần một kỹ năng lãnh đạo sáng tạo nhằm giúp doanh nghiệp đương đầu với một thế giới không ngừng đổi thay?
Đã đến lúc cần đúc kết các kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp dưới dạng đơn giản nhất. Đó là (i) gắn kết với mọi người; (ii) dám mạo hiểm; (iii) đủ sáng suốt; (iv) thực hiện những gì mình nói; (v) khuyến khích nhân viên hành động; và (vi) làm gương cho mọi người noi theo.
Năm kỹ năng đầu thì người lãnh đạo phải tự tin vào bản thân mình, trong khi kỹ năng thứ sáu thì phải làm mọi người tin mình.
Lòng tin là một trong những mối quan hệ tình cảm gắn bó tạo ra năng lượng hướng ngoại, và nếu như được định hướng đúng đắn nó sẽ tạo ra mối gắn kết giữa cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguy hiểm là ở chỗ trong khi cố gắng tạo dựng lòng tin, các doanh nghiệp lại tin vào sản phẩm chứ không phải con người.
Lòng tin không thể tạo ra theo cách các mặt nạ dưỡng khí trên máy bay rơi xuống trước mặt hành khách khi có sự cố xảy ra. Lòng tin chỉ có được sau một quá trình xây dựng công phu và cẩn thận.
Vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải xây dựng lòng tin như thế nào?
Điều trước hết cần phải nhớ là tất cả các hành vi đều được não bộ điều khiển trong khi bản thân não bộ là một cơ quan xử lý các mối quan hệ. Tiếp theo, hành vi và các mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau. Não bộ con người điều chỉnh và bị chi phối bởi bộ não của những cá nhân khác. Về mặt tổ chức, một ông chủ hoặc một nhà lãnh đạo có một lợi thế đặc biệt là người có thể điều chỉnh các nhân viên của mình.
Nếu các nhà lãnh đạo mong muốn có được những điều kiện để tạo ra niềm tin thì trước hết họ phải tin vào bản thân mình.
Tiến sĩ Chris Hitch ở trường Doanh nghiệp Kenan-Flagler thuộc Đai học North Carolina, cho rằng có sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp với các mức độ niềm tin khác nhau trong khả năng thu hút, sử dụng và phát triển tài năng, giữ chân nhân viên và khả năng nhân viên hành động nhất quán với những giá trị doanh nghiệp đề ra. Sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho những ông chủ xây dựng được phương thức quản lý dựa trên cơ sở niềm tin và giành được niềm tin trong nhân viên.
Theo DNSG