Ảnh minh họa
Vũ Ngọc Anh tự mình di chuyển mà không cẩn sự giúp đỡ
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Ngọc Anh đỗ đại học nhưng không theo học vì không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Anh quyết định thực hiện chuyến đi xa một mình đầu tiên của mình. Anh ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Trên chiếc xe lăn, anh chuyển môi trường sống từ Hải Phòng lên Hà Nội.
Ở đây, Ngọc Anh gặp nhiều người hơn, đi lại và đúc kết kinh nghiệm từ những người xung quanh. Hơn 10 năm xa nhà, Vũ Ngọc Anh làm đủ nghề để kiếm sống, từ buôn bán và sửa chữa điện thoại, máy vi tính, đến những công việc quản trị internet, mạng xã hội…
Bị gãy xương 150 lần nhưng vẫn “nghiện” du lịch
Là một người thiếu may mắn với đôi chân không thể đi lại bình thường như bao người khác nhưng Vũ Ngọc Anh lại rất thích được đi du lịch, ngắm phong cảnh khắp đất nước. Anh cho biết đã thực hiện được những chuyến đi qua hơn 20 tỉnh thành trên cả nước và sang thăm đất nước Campuchia, có chuyến đi cùng đoàn hội, nhưng cũng có khi anh lại đi chỉ có một mình.
Vũ Ngọc Anh cho biết, anh bị gãy xương nhiều lần là do anh di chuyển, vận động nhiều quá. Có lần, ngay sau khi vừa tháo bột băng bó, anh lại tiếp tục thực hiện những chuyến đi ngay lập tức. Chính niềm đam mê khám phá cuộc sống xung quanh đã thôi thúc anh thực hiện những chuyến đi bằng được dù có gặp nhiều khó khăn nguy hiểm.
Kể về tai nạn “nhớ đời” nhất của mình. “Trong một chuyến đi tình nguyện lên Thái nguyên vào năm 2012, tôi quyết định tự mình lên một con dốc khoảng 30 độ mà không cần ai giúp đỡ. Sau khi đi được 20 phút thì bị đuối sức, xe bị tụt dốc không phanh. Lúc ấy, chỉ biết dùng mọi lý trí cố lái sao cho xe đâm vào vách núi chứ không thể để mình lao xuống vực” – Vũ Ngọc Anh tâm sự. Qua lần đó chàng trai trẻ đã biết được khả năng chịu đựng của sức khỏe của mình. Anh quyết định sẽ phải rèn luyện thêm sức khỏe của mình để có thể thực hiện những chuyến đi xa.
“Tôi có lẽ không được may mắn như nhiều người khác – khi chỉ cử động nhẹ nhàng cũng có thể gãy xương. Hàng trăm lần tôi đã khiến gia đình buồn phiền, lo lắng – nhất là mẹ. Nhưng rồi, tôi học cách sống chung với căn bệnh, thay đổi suy nghĩ của bản thân. Không chịu đầu hàng số phận. Tôi đón nhận cuộc sống trên xe lăn như một món quà” – Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
“Đứng dậy” từ đôi chân tàn tật
Vượt qua vô vàn khó khăn, giờ đây Ngọc Anh đã có thể tự nuôi sống bản thân. Hiện tại, công việc chính của anh là Giám đốc một công ty dịch vụ chuyển hàng quốc tế. Ngoài ra, anh cũng nhận đảm nhiệm thêm nhiều việc khác như thiết kế web, quản trị một diễn đàn lớn về công nghệ thông tin… và điều hành Quỹ hỗ trợ bệnh nhân xương thủy tinh Việt Nam (Oifvietnam) do chính anh sáng lập. Không những thế, anh còn năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện, đưa áo ấm cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Ngày 6/11 vừa qua, Vũ Ngọc Anh đã cho ra mắt công chúng cuốn sách “Không thể vỡ”. Tên cuốn tự truyện cũng là tên chiếc xe lăn đã gắn bó với anh qua biết bao chặng đường, chứng kiến những tình yêu, niềm đam mê, sự quyết tâm và nỗ lực. Nội dung cuốn truyện kể về hành trình 10 năm bươn trải của chính anh, từ khi ra khỏi nhà năm 18 tuổi cho đến năm 28 tuổi (hiện tại), một người mắc căn bệnh xương thủy tinh nhưng không đầu hàng số phận, không cam chịu chỉ ngồi yên một chỗ mà vẫn mong muốn và đã hành động đi lại khám phá nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và quốc tế.
Bắt đầu ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, chuyển môi trường sống từ Hải Phòng lên Hà Nội, gặp gỡ nhiều người hơn, đi lại và đúc kết kinh nghiệm từ những người xung quanh, từng bị cướp tiền, từng tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, với cái nhìn khác từ một người bắt buộc phải ngồi xe lăn.
Sau khi cảm thấy cuộc sống ở Hà Nội đã trở lên gò bó, Vũ Ngọc Anh tiếp tục cuộc hành trình của mình đến những vùng đất mới: Hà Giang, Sa Pa, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An… Rất nhiều thành phố tiếp theo được tái hiện chân thực qua góc nhìn cách mặt đất 80cm.
Thông qua cuốn tự truyện, Vũ Ngọc Anh muốn chia sẻ: “Mục đích của mình là hy vọng mọi người hay những người khuyết tật khác cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống, có thể chia sẻ kinh nghiệm đi lại của mình với những người khuyết tật khác, loại bỏ suy nghĩ trong đầu họ là “ôi giời, ngồi xe lăn mà, đi được đâu cơ chứ, ở nhà thôi”. Anh cũng sẽ trích một phần tiền bán sách để góp vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân xương thủy tinh Việt Nam.
Sắp tới, Vũ Ngọc Anh sẽ mở một trung tâm hướng nghiệp, giúp đỡ dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ như mình.
Theo dddn