Wal-Mart bế tắc tại Nhật Bản

Kế hoạch đóng cửa khoảng 30 cửa hàng hoạt động yếu kém tại Nhật Bản cho thấy hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart thực sự bế tắc tại thị trường này.
Ảnh minh họa

Wal-Mart vào Nhật Bản sau khi nắm hoàn toàn quyền kiểm soát chuỗi bán lẻ Seiyu năm 2008. Mục tiêu ban đầu của Hãng là đưa siêu thị này lên vị trí số 1 trong số gần 434 siêu thị của Seiyu tại Nhật Bản. 
Cơ sở để Wal-Mart hy vọng là thị trường 127 triệu dân và là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, Nhật Bản sẽ trở thành một trong những thị trường có doanh thu cao nhất. 
Ngoài Seiyu, nhà bán lẻ Mỹ còn điều hành chuỗi cửa hàng Wakana Deli và siêu thị Livin tại Nhật.
Tuy nhiên, dù đầu tư hơn 1 tỷ USD vào chuỗi siêu thị Seiyu, nhưng Wal-Mart vẫn không giành được lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản. Việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng sẽ khiến mỗi cổ phiếu của Wal-Mart mất 4-5cent. 
Trước đó, vào tháng 8, Wal-Mart dự kiến cổ phiếu của hãng sẽ đạt 4,90 – 5,15 USD. Khó khăn tại thị trường Nhật có nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do Wal-Mart đưa vào nhiều sản phẩm từ Trung Quốc, vốn không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng Nhật Bản.
Mô hình siêu thị giá rẻ của Wal-Mart chỉ áp dụng được tại các thị trường đang phát triển như Trung Quốc và Mexico, chứ không phải ở Nhật, nơi người tiêu dùng ưu tiên chất lượng chứ không phải giá cả.
“Wal-Mart cần thay đổi chiến lược, nhưng mọi thứ đã quá trễ. Tốt nhất là hãy rút chân ra khỏi thị trường này và tập trung vào Trung Quốc”, đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Tadayuki Suzuki.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Seiyu cho biết, đóng cửa chuỗi cửa hàng yếu kém là do Wal-Mart muốn tập trung cho thương mại điện tử: “Đây là một phần chiến lược để tăng tốc phát triển tại thị trường Nhật. Chúng tôi cân nhắc các hoạt động M&A và cải tổ các cửa hàng còn lại để phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Tuy nhiên, trước kết quả kinh doanh không mấy khả quan tại Nhật Bản, các cổ đông đang gây sức ép buộc Wal-Mart phải rút khỏi thị trường này. Theo Morgan Stanley nhận định: “Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Wal-Mart sẽ thành công tại Nhật Bản, trừ phi có chiến lược phù hợp. Đây có thể lại là một sai lầm khác sau thất bại tại Đức và Hàn Quốc”.
Trước đó, năm 2006, sau 8 năm hoạt động ở Hàn Quốc, Wal-Mart đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường này bằng cách bán hết các cơ sở của mình cho tập đoàn bán lẻ nội địa Shinsegae với giá gần 900 triệu USD.
Trong khi đó, mảng kinh doanh quốc tế của Wal-Mart, mang lại 137 tỷ USD doanh thu năm ngoái, đang phải vật lộn với khó khăn khi trong vài năm qua vì người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế quan trọng như Mexico và Trung Quốc hạn chế tiêu dùng.
Tình hình này khiến Wal-Mart đã phải gác lại kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ ở Ấn Độ. Các nhà quan sát nhận định, nếu Wal-Mart từ chối tăng cổ phần tại Seiyu, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy dường như Wal-Mart có thể dứt áo từ bỏ thị trường Nhật. Còn nếu tăng vốn nghĩa là Wal-Mart không bỏ cuộc, tiếp tục canh bạc tốn kém và nuôi hy vọng.
Với chi phí quá lớn rót vào Nhật Bản, Wal-Mart không dễ dàng dứt áo ra đi khi chưa tạo ra mức lợi nhuận mong đợi. Chủ tịch Customer Growth Parners, ông Craig Johnson nói thêm: “Wal-Mart phải thay đổi rất nhiều mới có thể chinh phục khách hàng tại đây. Và quá trình này sẽ mất một thời gian dài”.

Theo DNSG