Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sáng 1/11, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế – Lời giải cho Sản phẩm Việt”.
Ảnh minh họa
Diễn đàn nhằm khẳng định, tôn vinh cũng như tạo ra cái nhìn đa chiều về sản phẩm và doanh nghiệp Việt, đồng thời tìm ra giải pháp cũng như định hướng đúng đắn việc phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt sánh ngang với quốc tế trong giai đoạn hội nhập.
Đúng 9h00 chương trình bắt đầu.
Tới tham dự Diễn đàn: Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ; ông Nguyễn Trung Quỳnh – Phó trưởng BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc; ông Phạm Phi Anh – Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ; ông Lý Hoàng Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao; ông Trần Văn Quang – Phó Vụ trưởng Vụ phát triển khoa học công nghệ và địa phương; bà Nguyễn Thị Phương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ; ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương.
Về phía ban tổ chức có Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Nguyễn Xuân Toàn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ. Cùng hơn 300 khách mời là Đại diện các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, các Hiệp hội Doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí và các Doanh nghiệp, Doanh nhân.
Từ trái qua phải: Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương; Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ
Phát biểu khai mạc, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng, ngoài những cơ hội và thành tựu đạt được, Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức, trở ngại. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc
Cũng theo TS.Vũ Tiến Lộc, gần đây dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Chưa dừng tại đó, đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ. Điều này đã dấy lên những nghi ngại rằng năng lực và trình độ sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
“Trên thực tế có phải như vậy không? Tôi nghĩ vừa phải mà vừa không phải. Đúng là doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam nhưng không phải là doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản. Nếu nhìn theo cách khách quan chúng ta phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động hoặc điều kiện tự nhiên mà chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ. Một phần do cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam chiếm trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết và lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật. Chính điều này đã khiến chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định và giá thành sản phẩm cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác tầm nhìn của doanh nghiệp Việt Nam chưa xa, để tồn tại các doanh nghiệp buộc phải tính đến những lợi ích ngắn hạn mà chưa đi sâu vào công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong dài hạn. Tuy nhiên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mới đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ nguồn, đạt trình độ sản xuất không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới” – Chủ tịch VCCI cho biết.
TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định, trong thời gian tới, để nhân rộng hơn nữa mô hình sản xuất thành công của các doanh nghiệp Việt điển hình, cần có sự vào cuộc không chỉ của chính doanh nghiệp mà cần có sự sát cánh, hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các trung tâm, viện nghiên cứu trong việc giúp doanh nghiệp hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước. Đặc biệt là thực hiện quyết liệt, hiệu quả theo hướng dẫn của Quyết định số 2441/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020”.
Diễn đàn thu hút hơn 300 khách mời là Đại diện các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, các Hiệp hội Doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí và các Doanh nghiệp, Doanh nhân.
Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, hội thảo sẽ cố gắng trao đổi để đưa ra được các giải pháp nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam để vươn ra thế giới, sáng tạo ra các chuỗi giá trị của chính doanh nghiệp Việt Nam. “VCCI sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để có chương trình cụ thể, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc trang bị công nghệ thông tin bao gồm cả việc sáng tạo sản phẩm made by Vietnam chứ không chỉ made in Vietnam” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu về những Định hướng của nhà nước trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và phát triển sản phẩm thương hiệu Việt.
Thứ trưởng chia sẻ và đánh giá cao cách tiếp cận lấy doanh nghiệp và sản phẩm Việt làm chìa khóa cho mục tiêu vươn tới đẳng cấp quốc tế của nền kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn hôm nay. Tuy nhiên, “phương tiện đòn bẩy giúp doanh nghiệp và sản phẩm Việt nâng cao được năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, không gì khác chính là yếu tố khoa học và công nghệ (KH&CN)” – Thứ trưởng khẳng định.
Nhìn lại bức tranh hiện trạng công nghệ trong doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực Việt Nam cho thấy, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin – viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính – ngân hàng,… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.
Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng 12% (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), 88% doanh nghiệp còn lại có trình độ công nghệ thuộc loại trung bình và lạc hậu. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,5% doanh thu (trong khi Hàn Quốc là 10%).
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 93, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng thứ 123/144 quốc gia.
“Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cải thiện năng lực cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, và vì thế, cũng khó tồn tại bền vững trên thị trường nội địa, chưa nói tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực và thế giới” – Thứ trưởng nói.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới thực trạng nói trên, tuy nhiên theo Thứ trưởng, nguyên nhân trực tiếp có thể kể tới là đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất thấp. Nguyên nhân sâu xa hơn là do KH&CN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó, tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo chiều rộng, thâm dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có và tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ; ngoài ra việc chưa có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh nghiệp KH&CN cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Bộ KH&CN đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính sách đồng bộ nhằm đưa KH&CN trở thành động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả phục vụ phát triển doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế; tăng cường mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
Thứ hai, triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu theo hướng tập trung cho nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đồng thời, triển khai đồng bộ các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ; phát triển công nghệ cao; phát triển sản phẩm quốc gia; nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.
Thứ ba, phát triển mạnh các kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến hoặc thay thế công nghệ, thiết bị lạc hậu thông qua các quỹ quốc gia trong lĩnh vực KH&CN: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Thứ tư, phát triển mạnh thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng….
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; phát triển mở rộng mạng lưới các cơ quan đại diện KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trên các địa bàn đối tác chiến lược và trọng điểm có công nghệ nguồn cần khai thác; trên cơ sở đó, triển khai có hiệu quả Chương trình tìm kiếm, giải mã và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam.
Chia sẻ vấn đề “Việt Nam cần làm gì để có thể có những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế” dưới góc độ của cơ quan quản lý kinh tế và của chính doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho biết, đẳng cấp quốc tế là chuẩn mực quốc tế và là chuẩn mực chung của thế giới. Ví dụ, Việt Nam với ASEAN có nhiều cam kết quốc tế về kỹ năng, chất lượng về bằng cấp, y, dược…
Thứ hai về tiêu chuẩn quốc tế: Nói đến tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động doanh nghiệp không loại trừ cái riêng. Phải thấy được xu thế chung của thế giới như xanh, sạch, thân thiện với môi trường và được xã hội thừa nhận.
“Khi nói về một sản phẩm phải hiểu về giá trị cốt lõi của nó để mang tên chúng ta, hỗ trợ cho sự phát triển. Ví dụ cùng là Phở nhưng có nhiều thương hiệu khác nhau để làm nên thành công” – ông Thành cho biết.
TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương
Cũng theo ông Thành, doanh nghiệp cần có 5 điều để hướng tới đẳng cấp quốc tế: Thứ nhất, cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch; thứ hai, chuẩn mực phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế; thứ ba là sáng tạo, đằng sau công nghệ là sáng tạo nhưng phải đi kèm bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thứ 4 là thương hiệu, thương hiệu gắn với pháp lý và giá trị phải được tôn vinh; thứ 5 là chắt chiu, giữ gìn lịch sử cha ông giữ lại. Điều này tạo giá trị gia tăng rất cao cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Thanh Thắng – Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav với tham luận “Chiến lược phát triển sản phẩm công nghệ cao – hướng đi mới cho sản phẩm Việt”.
Ông Vũ Thanh Thắng – Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav
Theo ông, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dự trên sự khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, khoáng sản, tài nguyên nước. Tuy nhiên, các tài nguyên khai thác nhiều sẽ cạn kiệt, nhân công giá rẻ lợi nhuận thu về rất thấp, do đó nền kinh tế dễ rơi vào sự phụ thuộc, không thể phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần phải biết khai thác và đầu tư cho phát triển bền vững.
Ông cho biết, cách đây 10 năm Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với 4 vấn đề tập trung: nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa doanh nghiệp, vốn.
Tại diễn đàn, Bkav đã giới thiệu gian hàng SmartHome. Mặc dù mới tham gia lĩnh vực SmartHome 1 năm trở lại đây, còn rất sơ khai song sản phẩm đang tạo dựng chỗ đứng trên thị trường.
Theo ông Thắng, để tạo hướng đi mới cho sản phẩm Việt, các doanh nghiệp cần tạo ra công thức phát huy sức mạnh người Việt Nam và có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất.
Khách mời tham quan gian hàng sản phẩm của Bkav trong giờ giải lao
Ngay sau phần tham luận của các diễn giả, Diễn đàn tiếp tục có sự trao đổi thảo luận với các chuyên gia kinh tế, đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đang gây ra sức ép ngày càng lớn đối với không chỉ các DN Việt Nam mà còn cả hệ thống chính sách và các cơ quan quản lý nhà nước đối với DN và kinh tế đối ngoại.
Theo ông Quân, câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những vấn đề bấy lâu nay các nhà công nghệ, quản lý, sản xuất, hoạch định chính sách đã không ít lần nhắc đến nhưng chưa thật sự trao đổi một cách nghiêm túc.
“Có lẽ bất kỳ sinh viên kỹ thuật ở một trường đại học Việt Nam nào cũng có thể trả lời được liệu chúng ta có thể sản xuất được ốc vít đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hay không. Nhưng chắc chắn rằng sẽ chẳng có doanh nghiệp nào sẵn sàng đầu tư để sản xuất ra một mớ ốc vít đạt chuẩn nhưng chẳng biết lắp vào đâu, dùng vào đâu. Ở đây, có hai câu hỏi khác nhau: Một là có làm được không? Hai là có nên làm không? Câu hỏi thứ nhất liên quan đến năng lực, câu hỏi thứ 2 liên quan đến tính hợp lý. Lâu nay chúng ta thường bàn về khái niệm “năng lực” với cách hiểu chung chung, đôi khi mơ hồ. Nếu hiểu một cách ký lưỡng hơn, năng lực thể hiện trên 2 phương diện là năng lực nhận thức /tri thức và năng lực hành động /kỹ năng” – ông Quân chia sẻ.
Cũng theo ông Quân, người Việt Nam nổi tiếng là khéo tay, sự tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam cũng từng làm siêu lòng không chỉ bạn bè quốc tế mà còn mang lại niềm tự hào cho chính người Việt Nam. Vậy khi tham gia vào mạng lưới kinh tế trải rộng trên phạm vi toàn cầu chúng ta có vẻ trở nên lúng túng. Dường như “chiếc ốc vít – doanh nghiệp Việt Nam” chẳng biết lắp ghép vào đâu trong “cỗ máy kinh tế toàn cầu”. Những bàn tay tài hoa của người thợ thủ công Việt Nam dường như không thể tìm được đất diễn trong một hệ thông các công việc phức tạp, chi tiết được thiết kế một các kỹ lưỡng đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối.
Ông Quân cho rằng, DN Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt về nhận thức và trí tuệ. Tuy nhiên có vẻ như chính bản thân doanh nghiệp chưa hiểu rõ về khả năng của mình và cùng không biết được giá trị của chúng trong bối cảnh môi trường hoạt động mới.
Ông Quân khẳng định: “Để giúp giải quyết vấn đề này, chúng ta bắt đầu bằng việc sử dụng lăng kính của doanh nghiệp trong môi trường kinh tê quốc tế và toàn cầu hóa để đánh giá lại chính bản thân mình, để từ đó có cách nhìn đúng đắn hơn về khẳ năng của mình cũng như xác định được chỗ đứng phù hợp, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực hành động để có thể phát huy giá trị tiềm ẩn và bản sắc dân tộc đặc trưng, tránh rơi vào tình trạng trở thành “bánh xe thứ năm” (sơ cua) trong cỗ máy công nghiệp khu vực và toàn cầu”.
Ông Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế khẳng định chúng ta thừa sức để sản xuất con ốc vít vấn đề là chúng ta có lựa chọn để làm hay không và có đáng để làm hay không?
Theo ông Ánh, chúng ta nên đặt ra câu hỏi chúng ta có cần đẳng cấp quốc tế hay không và ‘tôi cho rằng không nhất thiết cái gì cũng cần phải đẳng cấp quốc tế” – ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chuỗi giá trị toàn cầu có rất nhiều người tham gia, nhưng muốn tạo ra sản phẩm như Bkav thì phải tạo ra sản phẩm dẫn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu đó.
“Tôi rất mong doanh nghiệp vươn lên, đạt được sản phẩm Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chúng ta tham gia và sản xuất chỉ con ốc vít và hơn thế nữa thì chúng ta chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu. Cho nên tôi khẳng định chúng ta thừa khả năng để sản con ốc vít, nhưng vấn đề là chúng ta có đáng làm hay không, có đúng sản phẩm then chốt hay không. Câu chuyện lại trở về việc lựa thế so sánh và lợi thế tương đối với sản phẩm mà doanh nghiệp lựa chọn trong chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Vũ Đình Ánh nói.
Ông Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế nói, trước hết phải khẳng định rằng, nếu không có đẳng cấp quốc tế thì chúng ta cũng không thể vươn ra thị trường thế giới và sẽ dần bị thu hẹp.
Nói về đẳng cấp quốc tế sẽ hiểu có những tiêu chuẩn sau: Công nghệ quốc tế, thiết kế quốc tế, kỹ thuật quốc tế, quy trình sản xuất kỹ thuật quốc tế, nguồn nhân lực quốc tế (bao gồm 3 loại: những người làm kỹ thuật có năng lực quốc tế, doanh nhân quốc tế và quản lý quốc tế ở tầm cao), nguyên vật liệu tầm quốc tế, tư duy mục tiêu quốc tế và thể chế quốc tế tương xứng.
Về quy trình, trước hết cần tham gia vào chuỗi phân phối, sau đó liên kết sản xuất theo sự phân công từ những khâu nhỏ nhất, rồi lành lập những công ty con và cuối cùng là thành lập những doanh nghiệp độc lập để có thể tự nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật.
Theo ông Phong, để làm được những điều này, Việt Nam đã có những thuận lợi: nguồn lao động trẻ, thông minh; đội ngũ doanh nhân có tầm tư duy quốc tế; đội ngũ chuyên gia với những người thợ rất giỏi; chúng ta cũng đã có nền tảng doanh nghiệp rất vững chắc. Bên cạnh đó cũng có những khó khăn như chưa có tầm tư duy và thể chế quốc tế, chưa có vốn, chưa có hướng lựa chọn công nghệ và thị trường, thiếu nguồn nhân lực mang tính chuyên sâu.
Ông đề nghị, cần có nghiên cứu rà soát những danh mục sản phẩm; cần có những thể chế, có tiêu chuẩn hóa để các doanh nghiệp hướng theo cũng như có những liên kết để làm đầu cầu cho chúng ta tham gia vào hệ thống này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐTV thanglongtech cho rằng, doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa làm được những sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải do chúng ta kém mà do thiếu sự liên kết với nhau.
Ông cho rằng, khi câu chuyện Samsung đưa ra danh sách 170 sản phẩm phụ trợ để kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thì gần như chỉ có số ít doanh nghiệp về bao bì tham gia được. Câu chuyện này phát sinh khiến tất cả đều ngạc nhiên và từ ngạc nhiên dẫn đến tự ái.
Từ câu chuyện này ông Tuấn cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được nhưng làm như thế và mức độ ra sao lại phải đặt ra. Vì khi làm ra một sản phẩm không chỉ là chỉ sản xuất ra sản phẩm mà còn phải tính tới vấn đề môi trường, chế độ lao động….
Giải pháp ông Tuấn đưa ra là các doanh nghiệp phải tự cứu mình, tự tìm ra chiến lược và tìm chỗ đứng cho mình trên thị trường. Trong chuỗi sản xuất cung ứng một sản phẩm, thay vì chỉ một doanh nghiệp đứng ra sản xuất thì có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để chuyên môn hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất. Có như thế dù với vốn thấp doanh nghiệp vẫn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng trong sản phẩm phụ trợ toàn cầu.
TS. Phạm Ngọc Long – Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DN nhỏ và vừa cho biết, diễn đàn hôm nay mọi người đã chia sẻ về lòng tự hào, tự trọng, và tự ái cũng có nhưng có thể nói tiềm năng và năng lực của lao động Việt Nam là không phải không có. Quan trọng buổi ngày hôm nay là định vị Việt Nam ở đâu trong môi trường quốc tế?
Ông Long cũng cho rằng, gần đây câu chuyện về công nghệ hỗ trợ lại nổi lên mà một thời gian dài ta đã bỏ quên. Theo ông Long đẳng cấp quốc tế lại nằm ở chính vấn đề này nên ta phải tập trung phát triển.
PGS.TS Tạ Lợi – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chủ đề hội thảo ngày hôm nay được hiểu theo hai hướng: Thứ nhất, hàng hóa theo hướng đẳng cấp quốc tế và thứ hai là câu chuyện chúng ta tự ái khi Samsung nói không làm nổi chiếc ốc vít. Bản thân tôi cũng có DN tham gia sản xuất linh kiện cho Canon, chúng tôi cũng phải đợi 28 lần mới được gặp DN nước ngoài.
Ông Lợi cũng chia sẻ kinh nghiệm, doanh nghiệp nước ngoài sẽ chú ý đến phương pháp quản trị doanh nghiệp để có chất lượng đồng bộ, họ hướng đến tạo ra sản phẩm hoàn hảo và chúng ta cũng phải chú trọng đến vấn đề đó. Vô hình các DN Việt Nam không được quan tâm. Tôi nghĩ ngay từ bây giờ DN Việt Nam cần phải chú ý và thay đổi phương pháp làm việc, quản trị của mình.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, TS.Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù có đổi mới thì doanh nghiệp phải là người định hướng hướng đi chứ không phải là chính sách trong chuỗi phát triển. Do đó, nội lực của doanh nghiệp là rất quan trọng. Dù tham gia vào chuỗi giá trị theo hình thức theo sau, hay chuỗi giá trị sáng tạo thì tùy từng lĩnh vực mà doanh nghiệp có lựa chọn riêng. Và mục tiêu cuối cùng vẫn là giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện với nhiều cơ hội và thách thức to lớn đan xen. Nếu không có một nền tảng công nghệ vững chắc để tạo ra các doanh nghiệp mạnh với sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam khó có thể vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên phát triển bền vững. Các chính sách của Nhà nước không thể thành công nếu không có sự quyết tâm vào cuộc của các doanh nghiệp – nhân tố trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.Đầu tư cho công nghệ hay là chấp nhận thất bại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, lời giải thuộc về chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo dddn