Sẽ không có một hợp đồng hoàn hảo cho mọi giao dịch vì mỗi hợp đồng là một sản phẩm độc nhất cho một giao dịch duy nhất. Vậy đâu là cơ sở xác định hợp đồng nào là phù hợp cho một giao dịch? Trải qua mấy ngàn năm, giá trị về nhiều mặt của Đạo Đức Kinh đã được khẳng định, nhưng Đạo Đức Kinh và việc soạn thảo hợp đồng có liên quan gì với nhau? Câu trả lời là “có”.
Từ Đạo Đức Kinh…
Từ Đạo Đức Kinh…
Đạo Đức Kinh là cuốn sách kinh cơ bản của đạo giáo, gồm hai phần: Đạo Kinh và Đức Kinh.
Là một tác phẩm triết học độc đáo, Đạo Đức Kinh không chỉ bàn về bản thể của triết học, mà còn đề cập những vấn đề nhân sinh, xã hội, chính trị… một cách sâu sắc. Đạo Đức Kinh đề cao sự thâm trầm, hư tĩnh.
Trong quan hệ với cái động – cái “hữu”, cái tĩnh – cái “vô” được coi là gốc và được đề cao hơn. Vô và hữu làm nền cho nhau, nương theo nhau để cho thấy sự kỳ diệu, khéo léo của Đạo.
Quan hệ giữa vô và hữu được hình tượng hóa đặc sắc qua ví dụ: “Ba mươi nan hoa cùng quy vào một cái bánh xe, nhưng chính nhờ khoảng trống trong cái bánh mà xe mới dùng được.
Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Cửa cái, cửa sổ trong nhà, chính nhờ có khoảng trống mới dùng được.
Ta tưởng cái “hữu” (bánh xe, chén bát, nhà) có lợi cho ta, nhưng thực ra cái “vô” mới làm cho cái “hữu” có ích”.
Một ví dụ tưởng chừng như vô lý, ngược đời mà lại vô cùng thâm thúy, sâu sắc, khiến người đọc giật mình rồi gật đầu tán thưởng.
Đến hợp đồng – những dự liệu của “có” và “không”
Hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các bên liên quan, vạch ra mong muốn mà các bên mưu cầu. Hợp đồng nêu lên những dự liệu (sự vật, sự kiện, thời điểm, số liệu, mong muốn…) xác định hoặc có thể xác định được – tức là cái “có”.
Dự liệu càng chính xác và chi tiết thì hợp đồng càng rõ ràng, chặt chẽ. Ví dụ, căn nhà trong hợp đồng mua bán nhà phải là một căn nhà cụ thể, với diện tích, vị trí cụ thể, thuộc quyền sở hữu của bên bán xác định.
Nhưng chỉ dựa vào những dự liệu xác định thì chưa đủ để có một hợp đồng hoàn hảo. Vì hợp đồng là dự liệu của hôm nay để thực hiện vào ngày mai, mà không ai biết chắc ngày mai sẽ như thế nào và có đúng như dự liệu hôm nay không.
Trong khi đó, tất cả những dự liệu trong hợp đồng đều liên quan mật thiết với nhau và làm thành một mạng lưới mà thiếu bất cứ dự liệu nào, mạng lưới ấy sẽ bị đứt rời và trở nên vô nghĩa. Chính lúc này, vai trò của cái “không” những dự liệu khi cái “có” không xảy ra – được thể hiện rõ nét.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi người bán nhà không phải là chủ nhà thực sự, mà chỉ là người đứng tên giùm? Nếu yếu tố tiền đề này (bên bán phải là chủ sở hữu tài sản) đã sai, thì tất cả những dự liệu khác, như: giá bán, thanh toán, việc công chứng hợp đồng… cũng sẽ sai và không thể thực hiện được.
Lúc này cần một cam kết từ bên bán khẳng định bên bán không phải là người đứng tên giùm cũng như chấp nhận bồi thường nếu bên bán vi phạm cam kết này.
Có lẽ đến đây chúng ta đã phần nào hiểu được giá trị của những cái “không” trong hợp đồng. Việc liệt kê những cái “có” mới chỉ giải quyết được một vế, tức là làm cho hợp đồng rõ ràng, còn vế còn lại là làm cho hợp đồng đầy đủ thì cần những cái Vô.
Tranh chấp thường không phát sinh từ những gì đã ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu từ những điều khoản Không được dự liệu khi ký kết.
Hợp đồng mua bán ngoại thương mà không xác định luật áp dụng thì chắc chắn hai bên sẽ cãi nhau không ngừng, bởi một vấn đề sẽ được nhìn nhận khác nhau trong luật pháp các nước khác nhau và từ đó, quyền lợi của các bên cũng rất khác nhau.
Cách hợp lý nhất khi soạn thảo hợp đồng là liệt kê đầy đủ những cái có, rồi dựa vào mỗi cái có đó mà đưa ra nhiều dự liệu khi cái có đó không xảy ra. Hợp đồng sẽ hoàn hảo khi là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa những cái có và không như thế.
Thông thường, khi soạn hợp đồng người ta thường dựa vào kinh nghiệm của người soạn thảo. Kinh nghiệm là quan trọng nhưng nếu dựa vào kinh nghiệm quá nhiều, bạn sẽ không thể nào vượt qua tư duy hiện tại của mình.
Thế nên, tạm thời xếp kinh nghiệm sang một bên (vì đôi khi kinh nghiệm là sự lặp đi lặp lại sai lầm nhưng không nhận ra) để đầu óc được trống rỗng khi soạn hợp đồng. Bạn hoàn toàn có thể vạch ra vô số dự liệu, dù những dự liệu ấy ít xảy ra nhất, hoặc buồn cười nhất.
Một điểm khác cần lưu ý là không nên dựa hoàn toàn vào hợp đồng mẫu vì hợp đồng mẫu có thể đúng với các giao dịch trước kia nhưng không còn phù hợp với những giao dịch hiện tại. Và cũng chỉ nên sử dụng hợp đồng mẫu trong trường hợp thực sự cần thiết.
Hợp đồng tiên liệu chuyện tương lai, vì vậy, phải luôn để những dung sai hợp lý cho các bên khi thực hiện hợp đồng cũng như dự phòng những bất ngờ (điều khoản bất khả kháng), hoặc những khó khăn trong tương lai (điều khoản hoàn cảnh khó khăn).
Theo thông lệ, để loại bớt những rủi ro từ việc không dự liệu hết các sự kiện trong hiện tại hay tương lai, các hợp đồng thường đưa vào những điều khoản tuyên bố và cam kết như những “cái túi” ràng buộc các bên đối với các sự kiện mà các bên không có đủ nguồn lực để kiểm tra.
Một hợp đồng hoàn hảo không phải là dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp, mà là hợp đồng mà sau khi ký kết, các bên thực hiện và hoàn thành nó một cách tự nhiên như không hề có hợp đồng. Khi đó, hợp đồng đã tự nó chuyển tải được toàn bộ mong muốn của các bên khi ký kết – đó là tiêu chí cao nhất của hợp đồng hoàn hảo.
Theo LS. Trần Thanh Tùng