Tại sao NOKIA “loạng choạng”

Công nghệ không phải là nguyên nhân chính khiến Nokia rơi vào khủng
hoảng như hiện nay. Lỗi không thuộc về các kỹ sư và nhà thiết kế vì công
ty này vẫn luôn đổi mới công nghệ. Vậy thì tại sao giờ đây Nokia lại
đứng thứ nhì sau bao năm dẫn đầu thị trường?

Câu trả lời rất đơn giản: Nokia không chú trọng tới thị trường Mỹ. Họ chỉ cố gắng duy trì sự thống trị ở châu Âu và dẫn đầu thị trường châu Á. Còn thị trường những nước giàu có nhất thế giới là ưu tiên số ba của người khổng lồ Phần Lan này.

Tuy mới xuất hiện trên thị trường 5 năm, nhưng sự đột phá của iPhone (sản phẩm của Apple) và Android (sản phẩm của Google) cho thấy Nokia đã có một chiến lược sai lầm. Hãy nhìn vào các con số: từ 2009 – 2010, thị phần điện thoại thông minh của Nokia trên toàn cầu giảm từ 47% xuống 38%.
Con số này ở thị trường Bắc Mỹ còn tệ hơn, giảm từ 3,5% xuống dưới 3%. Trong khi ở Mỹ, Nokia chỉ chiếm 7% thị phần. Hiện iPhone chiếm 16% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi Android tăng từ 4% năm 2009 lên gần 23% năm 2010. Tại thị trường Mỹ, hai hãng này chiếm lần lượt 24% và 39%.
Mặc dù không thể phủ nhận Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ La tinh là những thị trường lớn và rất tiềm năng, nhưng sẽ là sai lầm nếu bỏ qua thị trường Mỹ. Nokia không muốn hoặc không có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ và hình ảnh về một hãng điện thoại dẫn đầu cả kỹ thuật lẫn thị phần đã ngày càng mờ nhạt tại đất nước này.
Nokia đã sai lầm khi tách khỏi thị trường Mỹ, cũng có nghĩa họ không có nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với những nhà sáng tạo công nghệ hàng đầu khác. Sự tự tin của Nokia chẳng khác nào sự kiêu ngạo. Có thể trong thời gian tới, chiến lược của Nokia sẽ thay đổi vì giám đốc điều hành mới là người Bắc Mỹ.
Hợp đồng mới của Nokia với Microsoft cũng có thể là điểm khởi đầu cho một sự thay đổi cần phải có. Nhưng bài học lớn ở đây vượt qua khỏi những gì liên quan đến công nghệ và địa lý. Muốn trở thành người đi đầu bạn phải tham gia vào thị trường có tính cạnh tranh thực sự. Nokia đã bỏ qua thị trường giàu có, vì họ nghĩ có thể làm tốt ở những nơi khác.
Người khổng lồ Phần Lan cần phải tôn trọng một thực tế: mặc dù sự sáng tạo có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu, nhưng vẫn nên phát triển từ nơi mà những nhà công nghệ hàng đầu như Google, Apple, Facebook đã gầy dựng và phát triển sự nghiệp. Hầu như từ trước tới nay, những người giành thắng lợi trên quy mô toàn cầu đều là những người giành thắng lợi ở thị trường Mỹ trước đó.

Theo Havard Business Review