Điều hành nhiều doanh nghiệp: Bạn có đủ sức?

Rời trường cấp 3 năm 16 tuổi, trải qua 400 lần lập công ty, Richard Branson hiện đang điều hành một đế chế kinh doanh trị giá hàng tỷ đô. Richard Branson đã chia sẻ với bạn đọc trang Entrepreneur những kinh nghiệm quý báu về việc quản lý cùng lúc nhiều doanh nghiệp.
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi 25 tuổi và đang học quản trị kinh doanh tại Hà Lan. Gần đây, tôi cùng một số người bạn thành lập hai doanh nghiệp mới đòi hỏi phải đầu tư khá nhiều công sức. Một doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp giúp các doanh nghiệp sản xuất và các nhà bán lẻ không bị khách trả lại hàng. Còn doanh nghiệp kia cung cấp loại kính trị chứng buồn ngủ, mệt mỏi do chênh lệch múi giờ bằng ánh sáng và dùng ứng dụng điện thoại thông minh để điều khiển. Mỗi tuần, chúng tôi phải làm việc hơn 100 giờ đồng hồ (ngoài thời gian học) mà vẫn thấy không hết việc. Chúng tôi phải làm sao đây?- Aleksandar Dimitrov
Richard Branson: Cả hai ý tưởng của các bạn nghe đều rất hấp dẫn, nhất là ý tưởng kính mắt. Là người phải bay thường xuyên và sở hữu một hãng hàng không, tôi chắc chắn rằng thị trường cho sản phẩm là không thiếu.
Vấn đề là các bạn có niềm đam mê với cả hai doanh nghiệp này không? Nếu có, các bạn hãy cứ tiếp tục duy trì cả hai và đừng nao núng – việc bạn đang làm là hoàn toàn có thể. Suy cho cùng, việc điều hành một doanh nghiệp chỉ gói gọn trong phạm vi thu hút khách hàng, bày ra ưu điểm của sản phẩm/dịch vụ, theo dõi thu chi và quản lý nhân viên. Một khi bạn đã thành thục những kỹ năng này ở một doanh nghiệp, bạn sẽ dễ dàng áp dụng chúng cho doanh nghiệp còn lại.
Sau khi rời trường vào năm 16 tuổi, tôi cùng với một số người bạn cho ra đời cuốn tạp chí Sinh viên. Trong quá trình xuất bản cuốn tạp chí này, chúng tôi để ý thấy nhiều độc giả cũng yêu âm nhạc như mình. Thế là chúng tôi mở thêm công ty thu âm theo yêu cầu và đăng quảng cáo trên tờ tạp chí. Vì hai mảng công việc này bổ sung cho nhau nên mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Sau này, khi công ty thu âm Virgin Records đã có tiếng tăm, chúng tôi mới thôi làm tạp chí để chuyên tâm cho công việc kinh doanh băng đĩa. Nhưng cho đến lúc ấy, chúng tôi vẫn phải cùng lúc “chạy” hai doanh nghiệp, đúng ra là ba vì chúng tôi còn quản lý thêm Trung tâm tư vấn sinh viên! Trải qua 50 năm, tới nay chúng tôi có hàng trăm công ty thuộc đủ mọi lĩnh vực khác nhau và vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội mở công ty mới. Thương hiệu Virgin mở rộng ra cả lĩnh vực viễn thông, khách sạn, lễ hội,…
Có thể đây cũng sẽ là con đường mà các bạn theo đuổi. Thế nhưng, nếu một doanh nghiệp không làm bạn cảm thấy tâm đắc hoặc không có khả năng phát triển nhanh, bạn có thể sẽ cân nhắc một hướng đi chiến lược hơn: trước mắt chỉ tập trung vào một doanh nghiệp, còn doanh nghiệp kia để dành đầu tư sau. Doanh nghiệp nào có khả năng thành công sớm hơn hoặc có thể làm bệ đỡ cho doanh nghiệp kia thì trong thời gian đầu, hãy tập trung vào doanh nghiệp đó.
Một trong những công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong những năm qua là Airbnb (trang web thuê phòng trực tuyến) cũng đi theo cách đó. Khi việc kinh doanh phòng nghỉ còn dậm chân tại chỗ, ba người sáng lập Airbnb là Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk đã tiến hành hoạt động kinh doanh bên lề để huy động vốn cho công việc chính mà họ đam mê. Cụ thể, họ tung ra loạt sản phẩm ngũ cốc chế ảnh bầu cử tổng thống ở Mỹ (lúc đó đang là thời gian bầu cử) với số lượng giới hạn là 800 hộp. Bằng cách này, họ thu được 30.000 USD và dùng tiền đó tiếp tục nuôi Airbnb.
Tại sao họ không tiếp tục với việc kinh doanh ngũ cốc sau khi đã thành công rực rỡ như thế mà lại quay lại với Airbnb? Lý do đơn giản là họ tin vào sự phát triển mạnh mẽ của Airbnb trong tương lai và thực sự đam mê với doanh nghiệp này. 
Nếu bạn định tiếp tục theo đuổi cả hai ý tưởng cùng lúc, ban nên thử phản ứng của khách hàng với từng loại sản phẩm trước xem kết quả ra sao. Bằng cách đó, bạn sẽ biết sản phẩm nào có cơ hội thành công nhiều hơn để khi không còn đủ sức gánh vác cả hai, bạn vẫn có thể chọn một. Còn khi vẫn đang chạy song song cả hai, bạn phải hết sức chắc chắn là không để doanh nghiệp này phụ thuộc vào doanh nghiệp kia. Cũng như khi chúng tôi ra mắt hãng hàng không Virgin Atlantic, chúng tôi phải thoả thuận trước với Boeing rằng chúng tôi sẽ được trả lại máy bay và tiền thuê nếu sau một năm công việc kinh doanh không suôn sẻ. Chúng tôi phải làm thế để bảo vệ Virgin Records vì biết rằng nó sẽ bị ảnh hưởng nếu phải gánh “cục nợ” của Virgin Atlantic. May mắn là chúng tôi không phải trả lại máy bay cho Boeing và cho đến thời điểm này, Virgin Atlantic vẫn làm ăn rất tốt.
Với những doanh nhân có nhiều đam mê, việc theo đuổi những đam mê đó nhiều khi đồng nghĩa với việc họ phải đồng thời quản lý vài doanh nghiệp cùng lúc. Công việc có thể có những lúc tưởng như quá sức nhưng thành quả mà họ gặt hái được cũng sẽ lớn hơn nhiều.

Theo Entrepreneur/hoclamgiau