Đồng tiền đi trước

Doanh nghiệp thường chỉ sử dụng hệ thống tài chính kế toán cho mục đích báo cáo thuế. Phần lớn họ vẫn chưa xem hệ thống trên là một công cụ rất hiệu quả, có thể giúp hiểu biết về cấu thành giá, phân tích tài chính hoặc cho việc kiểm soát nội bộ. Hậu quả là doanh nghiệp vận hành thiếu hiệu quả, làm tăng chi phí quản trị, đánh mất lợi thế và sức cạnh tranh so với các công ty nước ngoài.

Theo khảo sát chung, đa số đại diện các DN đều cho rằng, trong quá trình triển khai các chiến lược ngắn và dài hạn, luôn tồn tại các sai sót trong quá trình lên kế hoạch, dự toán dự án và hợp nhất các số liệu kế toán từ các công ty con, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, các công ty có nhiều công ty con với vô số các dự án lớn nhỏ…

Một trong những nguyên nhân tạo ra sai sót và thiếu ổn định trong quản lý hệ thống tài chính là do thiếu tính đồng bộ trong 3 quá trình: Lập kế hoạch – Dự toán – Kết sổ và báo cáo tài chính, gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát thông tin và số liệu tài chính và các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các DN nhỏ và vừa (SME) là do năng lực quản trị tài chính hạn chế, đặc biệt trong việc hoạch định nguồn tài trợ dài hạn và quản trị vốn lưu động, thể hiện qua tình trạng thiếu vốn, mất tính thanh khoản.
Đại diện một DN dầu khí cho biết: “Do ảnh hưởng và tác động bởi rất nhiều biến động của thị trường (tỷ giá, giá dầu thô/khí nhiên liệu trên thị trường…) và đặc thù của lĩnh vực dầu khí (sản lượng khai thác, thỏa thuận với đối tác, chính sách của công ty mẹ và nhà nước…), nên DN phải liên tục thay đổi chiến lược và kế hoạch để phù hợp với tình hình của thị trường, dẫn đến việc điều chỉnh và quản lý khả năng tài chính theo phương thức truyền thống rất khó khăn.
Ở khối sản xuất, DN cũng cho rằng, với tình hình giá nguyên liệu và chi phí sản xuất liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng, dù đã có những phương án để đối phó, nhưng tình hình chung là DN luôn bị đặt trong tình trạng khủng hoảng tài chính khi thị trường nguyên liệu biến động.
Đặc biệt, các DN có nhiều nhà máy khắp Việt Nam với những nguồn cung cấp nguyên liệu khác nhau và thị trường bán hàng cũng đa dạng, nên gặp khó khăn trong quản lý hệ thống tài chính, dự toán và triển khai các chiến lược bán hàng”.
Đại diện DN bán lẻ và dịch vụ cũng nêu ra những rủi ro của thị trường và các yếu tố khách quan khác (thời tiết, tâm lý tiêu dùng, cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, biến động tỷ giá, thay đổi công nghệ…).
DN thường phản ứng khá chậm và gặp rất nhiều sai sót vì đa phần là sử dụng các công cụ hỗ trợ tính toán đơn giản và yếu kém trong việc kiểm soát thông tin.
Tại Hội thảo Quản trị hệ thống tài chính do TRG International tổ chức, ông David Ong, chuyên gia hãng Infor, cho biết: “Các DN Việt Nam cũng còn rất bỡ ngỡ với các thay đổi trong hệ thống kế toán trong nước và khi tham gia vào các thị trường nước ngoài.
Hệ thống kế toán Việt Nam (VAS) đang hoàn thiện để từng bước đồng bộ với hệ thống báo cáo tài chính kế toán quốc tế (IFRS). Do đó, việc vận hành một hệ thống tài chính ổn định và hiệu quả theo quy chuẩn quốc tế đang là một nhu cầu thực sự từ các DN hiện nay”.
Ông David Ong đưa ra giải pháp Infor Performance Management – một hệ thống quản lý tài chính toàn diện, qua đó, DN sẽ được hỗ trợ và tăng sức mạnh cho tất cả các bước của quá trình quản trị tài chính, tăng khả năng liên kết và đồng bộ giữa bản kế hoạch và bản dự toán của DN.
Chẳng hạn, DN sẽ thấy được những tình huống được giả lập để điều chỉnh sớm khi có các biến động ảnh hưởng. Giải pháp mang lại khả năng truy xuất dữ liệu với tốc độ cao, độ chính xác tuyệt đối, mang lại cho người quản trị cao cấp sự tự tin trong việc sử dụng các thông tin mà họ có.
Tính năng phân tích tài chính được hãng Infor thiết kế chuyên biệt để tạo ra các thông tin phân tích mang tính toàn diện và chi tiết. Kết sổ và hợp nhất kế toán là tính năng rất mạnh trong giải pháp Infor Performance Management, giúp các DN đẩy nhanh quá trình hợp nhất kế toán, giảm thiểu tối đa các lỗi hợp nhất, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho các báo cáo tài chính. Tương thích với các hệ thống kế toán trong và ngoài nước như VAS, IFRS…
Tuy nhiên, các DN cũng bày tỏ việc tiếp cận với những hệ thống như Infor Performance Management còn rất hạn chế. Nguyên nhân lớn nhất là do hầu hết các công ty và tập đoàn chưa có một chiến lược đầu tư dài hạn cho các công nghệ mang tính hệ thống để phục vụ cho nhu cầu quản trị.
Thứ hai là họ vẫn còn thiếu thông tin tư vấn cần thiết và hầu hết còn e dè trong việc tìm hiểu những công cụ hỗ trợ quản lý vượt trội này để áp dụng. Thứ ba là chi phí đầu tư ban đầu khá cao đối với đa số công ty trong nước.

Theo Ý Nhi