Giá hàng hóa, giá USD, giá vàng tăng cao, lãi suất tiền gửi ngân hàng (NH) cũng tăng vọt theo cơ chế thả nổi, nhiều NH ngưng giải ngân… Tất cả những áp lực này đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến thoái lưỡng nan, kế hoạch sản xuất cuối năm bị ngưng trệ. Xoay xở tìm vốn không phải là bài toán dễ tìm lời giải, nếu không muốn nói là rất khó khăn.
Doanh nghiệp (DN) đang phải vay NH với lãi suất thỏa thuận lên tới gần 18%/năm, thậm chí có DN còn phải chịu lãi vay gần 19%. Giám đốc một công ty sản xuất nệm than thở:
Doanh nghiệp (DN) đang phải vay NH với lãi suất thỏa thuận lên tới gần 18%/năm, thậm chí có DN còn phải chịu lãi vay gần 19%. Giám đốc một công ty sản xuất nệm than thở:
“Tỷ giá USD liên tục tăng khiến tôi lao đao vì phải nhập một số nguyên liệu từ nước ngoài. Khi tỷ giá vừa được giữ ổn định nhờ quyết định “bơm” thêm ngoại tệ của NH Nhà nước, thì cũng là lúc lãi suất trên thị trường đua nhau tăng, vượt quá phần lãi của DN.
Trong khi đó, nhiều NH gặp khó về vốn nên không dám mạo hiểm đẩy mạnh tín dụng, thậm chí một NH trước đây đã ký hợp đồng cho chúng tôi vay vốn, nay cũng ngưng giải ngân. Quả thực chúng tôi không biết xoay xở thế nào!”.
Chia sẻ về những giải pháp tìm nguồn vốn, bà Hiền Phi, NH HSBC, cho biết:
“Rất nhiều DN khi quan hệ giao dịch với NH thường chỉ chọn một NH duy nhất và cho rằng mối quan hệ đó sẽ khiến NH đáp ứng mọi yêu cầu của mình trong mọi hoàn cảnh.
Theo kinh nghiệm của tôi, trong tình hình hiện nay, các DN nên giao dịch với 2 – 3 NH sẽ tốt hơn. Bởi vì, ngoài so sánh được những lợi thế giữa các NH, DN còn có thể chủ động hơn trong tìm kiếm nguồn vốn. Trước khi đặt mối quan hệ giao dịch, DN nên cần tìm hiểu kỹ điểm mạnh, điểm yếu của các NH”.
Theo bà Phi, chẳng hạn Hongkong Bank có lợi thế xuất nhập khẩu, nên khi tỷ giá biến động, họ sẽ cho khách hàng vay và trả nợ bằng đô la Hồng Kông để tránh rủi ro về tỷ giá.
Cũng có nhiều NH sẵn sàng tài trợ cho DN có cơ hội kinh doanh tốt và chấp nhận rủi ro DN gặp phải. Một giải pháp khá khả thi khác là DN có thể thương lượng với nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán, hoặc chấp nhận trả lãi để chiếm dụng nguồn vốn của họ trong một thời gian ngắn, khi nguồn vốn NH “đóng cửa”.
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win Win, cho rằng: “Thực tế, DN thường tháo gỡ khó khăn bằng cách huy động nguồn vốn cổ đông. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể giải quyết được tình trạng trước mắt, và có cái dở là cổ đông thường hay đòi hỏi tỷ suất chia lợi nhuận”.
Để giải bài toán này, ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Điều hành Công ty TNK Capital Partners, chia sẻ: “Trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, DN buộc phải cắt giảm chi phí ở mức tối đa có thể, kể cả giảm quy mô hoạt động, thay đổi một số chính sách, như: giảm thời gian cho khách hàng trả chậm, tăng thời gian thanh toán cho nhà cung cấp, tăng vòng quay tồn kho, sáp nhập với các DN lớn hơn để tăng lợi thế về vốn.
Ví dụ, một công ty phát triển bất động sản nhỏ, có dự án đầy đủ nhưng thiếu vốn, thì có thể bán hoặc sáp nhập với một công ty lớn hơn và có tiềm lực tài chính mạnh. Công ty lớn có thể mua lại công ty nhỏ và nhờ lợi thế huy động vốn dễ dàng hơn nên có khả năng tài trợ cho dự án bất động sản kia”.
Ngoài ra, với các DN vừa và lớn, việc huy động vốn có thể được thực hiện ngoài kênh truyền thống là NH. DN nên tiếp cận các quỹ đầu tư, xem xét việc phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi.
Bên cạnh đó, DN cũng có thể tính toán bán các tài sản không sinh lời, hoặc thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành để có vốn hoạt động. Ví dụ, một DN ngành dược có thể sở hữu một số dự án bất động sản.
Nhưng nếu những dự án này không phục vụ sự phát triển của DN trong lĩnh vực dược, thì nên bán hoặc liên doanh với một DN hoạt động ở lĩnh vực bất động sản.
Điều cần lưu ý là bán tài sản như một thực thể đang hoạt động bao giờ cũng được giá hơn là bán các tài sản rời rạc dưới hình thức thanh lý. Do đó, cách tốt nhất để bán bớt tài sản trong trường hợp này là tách những bộ phận muốn bán thành một DN riêng lẻ, và bán DN đó.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng khuyến cáo, DN tuyệt đối không nên tin vào những lời hứa, lời mời chào vay vốn nước ngoài quá dễ dàng, với lãi suất thấp như hiện giờ. Chẳng hạn, có rất nhiều lời mời vay vốn với lãi suất 0 – 2%/năm, hoặc cho vay số tiền lớn, lên đến hàng chục triệu và thậm chí cả trăm triệu đô la.
Trong phần lớn các trường hợp này, những đơn vị môi giới đều đòi nhận tiền hoa hồng trước. Đây là những trò lừa điển hình, đánh vào lòng tham hoặc tình cảnh khốn khó và sự kém hiểu biết của DN cần vay.
Đây quả là thời điểm khó khăn đối với DN và cũng là thời điểm nhà đầu tư có lợi thế mặc cả. Do vậy, nếu thực sự cần tiền thì DN nên đưa ra cho nhà đầu tư mức giá hợp lý và ưu đãi hơn so với thời trước khủng hoảng. Phải biết lùi một bước để tồn tại và sau đó tiến thêm ba bước.
Theo Ý Nhi