Tiếp thị số và sử dụng ngân sách thông minh

Hiệu quả của truyền thông trực tuyến đã được chứng minh qua nhiều hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, người hoạch định cần cân nhắc trước khi đưa ra chiến lược truyền thông hiệu quả và phù hợp nhất nhằm tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời cũng có thể sử dụng ngân sách thông minh nhất.

Trong mười năm trở lại đây, tỷ lệ dân số sử dụng internet ở Việt Nam đã tăng mạnh, được xếp vào một trong những thị trường có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc sử dụng internet đang ngày càng trở nên đa dạng hơn. Internet không còn là một phương tiện chỉ dùng để cập nhật tin tức một chiều hay quảng cáo sản phẩm, mà còn là công cụ gắn kết và thông tin của mọi người, điều này càng làm tăng giá trị và độ tin cậy của tin tức đến người tiêu dùng.
Hiện nay, cánh cửa truyền thông kỹ thuật số mở ra rất nhiều cơ hội, tạo thêm nhiều lựa chọn hơn, những quảng cáo thụ động nay đã dần thay thế bằng những phương thức mới lạ và phù hợp với cảm quan của người tiêu dùng hơn.
Tiếp thị trực tuyến (online marketing) cũng giống như những phương thức marketing khác cũng phải bắt nguồn từ nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ sự thấu hiểu đó, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể phải đạt được như: tăng độ nhận biết, khuyến khích dùng thử sản phẩm, xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng…
Tuy nhiên, hầu hết các DN lớn của Việt Nam, các nhãn hàng vẫn chưa coi internet và tiếp thị số là quan trọng hàng đầu và ngân sách chi cho nó rất nhỏ trong tổng ngân sách một chiến dịch marketing.
Mặc dù vậy, gần đây có một số DN lớn đã đầu tư ngân sách của họ cho tiếp thị trực tuyến gấp nhiều lần so với hai năm trước đây. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự biến chuyển này: Thứ nhất, họ nhận ra rằng người tiêu dùng, và ngay cả bản thân họ – những người làm marketing vẫn đang sử dụng internet hàng ngày.
Thứ hai, là do kết quả đạt được từ sau các chương trình đã thực hiện là minh chứng vô cùng thuyết phục cho hiệu quả của truyền thông trực tuyến.
Trên một góc nhìn khác, theo kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy ba rào cản khiến cho việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động truyền thông trực tuyến bị hạn chế:
– Thứ nhất, các DN hầu như đều thiếu sót khi không đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho truyền thông trực tuyến. Truyền thông kỹ thuật số (KTS) không giống như kênh truyền thông TV truyền thống hướng vào đông đảo dân cư. Do đó, khi làm truyền thông KTS cần lưu ý đến những mục tiêu đặc biệt mà các kênh truyền thông truyền thống không thể thực hiện được, ví dụ như tương tác hai chiều, chi phí thấp, và tương tác hiệu quả với từng đối tượng một.
– Rào cản thứ hai là do thiếu các biện pháp đo lường kết quả. Sự đo lường này nên được gắn liền với mục tiêu kinh doanh của công ty, vì chính mục tiêu kinh doanh sẽ chính là tiền để để đặt ra các mục tiêu truyền thông cụ thể. Nếu không đặt ra những mục tiêu cần đạt được, rất khó có thể đánh giá kết quả khả quan mà chương trình đã thực hiện, từ đó tạo niềm tin cho DN đầu tư nhiều hơn cho truyền thông KTS.
– Rào cản thứ ba xuất phát từ sự thiếu quan tâm của các DN đối với truyền thông. Những nhà làm marketing truyền thống sẽ bỏ ra khoảng 20% chi phí cho việc sáng tạo các mẫu quảng cáo trên TV, và 80% còn lại dành cho việc phát sóng trên TV nhằm đạt được lợi ích kinh tế theo số đông.
Nhưng với truyền thông KTS, markerter có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào khâu sáng tạo ý tưởng và chi tiêu ít hơn cho các công cụ truyền thông, chỉ tập trung vào các công cụ, phương tiện thích hợp và mang lại hiệu quả cao nhất nhằm đạt kết quả vượt trội và tiết kiệm chi phí. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhằm tưởng cho nhiều người rằng internet là kênh truyền thông rất tốn kém, nhưng thực sự không phải vậy.
DN lớn dành ngân sách cho tiếp thị số vì họ có ngân sách tốt và chiến lược rõ ràng. Vậy với các DN vừa và nhỏ sẽ ứng dụng tiếp thị số như thế nào để có thể tiết giảm ngân sách tối đa nhưng vẫn tối ưu hóa hiệu quả và doanh thu của mình?
Vấn đề cốt lõi nằm ở hiệu quả sử dụng. Dù là DN lớn hay DN vừa và nhỏ thì cũng đều nên đầu tư vào chiến lược truyền thông trực tuyến phức hợp (digital communication mix) nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trên nguồn chi phí bỏ ra.
Theo như một cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện trên 500 marketer, ba kênh truyền thông KTS được đánh giá là hiệu quả nhất là tiếp thị qua công cụ tìm kiếm, thư điện tử và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin tham khảo, chiến lược truyền thông phức hợp còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố: khán giả mục tiêu, mục tiêu truyền thông đặt ra và độ dài của chương trình…
Nó đòi hỏi người hoạch định chiến lược cần cân nhắc trước khi đưa ra chiến lược truyền thông hiệu quả và phù hợp nhất nhằm tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời cũng có thể sử dụng ngân sách thông minh nhất.

Theo LEE YEE HEW – Giám đốc Điều hành OgilvyOne tại Việt Nam