Slogan – Vừa bán vừa rao mới hút khách

Theo các chuyên gia thương hiệu, slogan (khẩu hiệu) được hiểu như là sự tự giới thiệu, tự quảng cáo, là một thông điệp doanh nghiệp (DN) gửi đến người tiêu dùng. Đây là một phần trong chiến lược phát triển thương hiệu, có vai trò rất quan trọng và nhiều khi góp đến 50% vào sự thành công của DN.

Vì vậy, các DN Việt Nam hiện nay rất chú trọng xây dựng thương hiệu và đã tạo ra những slogan rất ấn tượng. Có không ít DN đã chấp nhận chi một khoản tiền khá lớn để có được một logo nhiều ý nghĩa và một slogan “thu phục” người tiêu dùng.
Viettel đã chi ra 45.000USD để thuê một công ty nước ngoài xây dựng thương hiệu. Năm 2003, với sự đầu tư này, Viettel bị xem là “chơi trội” vì khoản tiền này không phải là nhỏ.
Nhưng với Viettel, “Hãy nói theo cách của bạn” là một slogan… “để đời” vì nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng, mà còn thể hiện sự quan tâm, lắng nghe của Viettel đối với nhân viên, “cho phép” họ trình bày quan điểm theo cách riêng của mình. Và quan trọng hơn là đã mang đến thành công cho công ty.
Cũng theo các chuyên gia thương hiệu, các DN kinh doanh điện thoại di động rất chịu khó đầu tư và chăm chút cho slogan.
Khoảng ba, bốn năm trở lại đây, hầu hết các hãng điện thoại đều chịu khó đầu tư cho slogan nhằm quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu thân thiện với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sáng tạo Công ty Brand Vision Media, cho rằng, tạo ra một slogan không đơn giản là viết một câu hoặc một đoạn văn, mà phải nghiên cứu rất kỹ về công ty và sản phẩm của công ty đó. Không chỉ thế, người sáng tạo ra slogan phải có kiến thức về marketing, thương hiệu và sản phẩm…
Nhưng một câu slogan hay chưa chắc sẽ gây ấn tượng và làm người tiêu dùng nhớ mãi nếu thiếu… quảng cáo. Các chương trình quảng cáo phải được thực hiện đồng bộ, liên tục với những chiến lược dài hạn thì mới mong sản phẩm và thương hiệu của DN “lắng đọng” và “lay động” người tiêu dùng.
Một slogan được cho là thành công, theo các chuyên gia thương hiệu, khi nó chuyển tải thông điệp ấn tượng, khơi gợi được trí tưởng tượng, tạo ấn tượng đẹp về thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ của DN nơi khách hàng.
Slogan không chỉ phản ánh bản sắc thương hiệu một sản phẩm cụ thể nào đó, mà còn là công cụ để phân biệt giữa các nhãn hiệu trên thị trường. Tại Việt Nam đã có một số slogan đi vào lòng người như: “Nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s, “Thời trang và hơn thế nữa” của Triumph…
Nhiều DN kinh doanh điện thoại di động khẳng định, slogan quyết định đến 50% doanh số. Và đã có khá nhiều sản phẩm của các hãng điện thoại di động “thắng lớn” trên thị trường nhờ slogan ấn tượng.
Điển hình là Nokia 5300 Xpress music với slogan “Âm nhạc kết nối tâm hồn”, Nokia 8800 bán chạy dù giá không thấp cũng nhờ slogan “Kiệt tác lay động cảm quan”. Các sản phẩm “Nữ hoàng trang sức” T500, “Nhẹ nhàng lướt êm” E800, “Vượt trên mọi đẳng cấp” D500… của Samsung cũng thu hút không ít khách hàng.
Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, slogan “Thách thức mọi vết bẩn”, rồi “Đánh bay các vết bẩn cứng đầu” của nhãn hàng Omo đã tạo hiệu ứng mạnh. Song song đó, với chiến lược quảng cáo dày đặc trên các phương tiện truyền thông, bột giặt Omo đã chiếm vị trí số 1 trong nhóm hàng giặt tẩy.
Câu khẩu hiệu “Không lo bị nóng” của trà Dr. Thanh xuất hiện liên tục trên truyền hình đã mang về doanh thu lớn cho Công ty Tân Hiệp Phát. Hơn hai năm nay, trà Dr. Thanh bán khá chạy, đặc biệt là vào mùa Hè.
Tương tự, các slogan của Công ty Trung Nguyên: “Cùng nhau khẳng định ý chí Việt”, “Cho người sành cà phê” hay “Đặc biệt cho sáng tạo”… đã góp phần giúp Trung Nguyên có được vị trí cao ở thị trường cà phê hòa tan.

Theo Hồng Nga