“Sự bằng lòng với thành tựu là thách thức lớn nhất”

Đó là góc nhìn đáng suy nghĩ từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010, do Học viện Năng lực cạnh tranh Châu Á (Singapore) hợp tác với Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện dưới sự chỉ đạo nội dung của GS. Michael Porter – chuyên gia uy tín trong lĩnh vực cạnh tranh tới từ Trường kinh doanh Harvard – được công bố ngày 30/11.
Phân tích cơ cấu kinh tế Việt Nam, các hạn chế của mô hình tăng trưởng và kiến nghị các giải pháp, bản báo cáo được thực hiện lần đầu tiên này cho thấy Việt Nam đang cần những thay đổi căn bản để dẫn hướng nền kinh tế sang một giai đoạn phát triển mới.
Dư địa tăng trưởng cao không còn nhiều
Đi từ những vấn đề căn bản nhất, Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 mở đầu bằng việc phân tích các yếu tố cấu thành tăng trưởng dựa trên hàm sản xuất, bao gồm vốn, lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư, mà thiếu lực đẩy từ nhân tố lao động và TFP, những nội lực tạo nên sức cạnh tranh của nhiều nước phát triển và đang phát triển khác.
Số liệu thống kê thời kỳ 2006-2010 chỉ ra rằng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP luôn ở mức trên 40%, cao hơn nhiều so với các nước công nghiệp mới có cùng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư lại chưa phát huy rõ rệt đến đời sống kinh tế, xã hội.
Từ chính sự “bành trướng” của yếu tố vốn đầu tư, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của lao động và TFP trong giai đoạn 5-10 năm gần đây thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế khu vực 1997-1998.
Các phân tích về tăng trưởng năng suất, đo bằng bình quân GDP trên số lao động, cũng cho kết quả tương tự. Theo báo cáo, tăng trưởng năng suất trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến thâm dụng vốn.
Với 49% lao động tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, quá trình chuyển dịch này vẫn có thể tiếp tục trong vài năm tới, tuy nhiên việc chuyển dịch này chỉ là từ khu vực năng suất và thu nhập rất thấp sang khu vực chế tạo vẫn có năng suất và tiền lương không cao.
“Mặc dù quá trình này đã phát huy tác dụng trong thời gian qua và vẫn có thể phát huy tác dụng thêm một thời gian nữa, nhưng dư địa còn lại không nhiều… Việt Nam sẽ bị mắc tại mức phát triển hiện nay nếu không có giải pháp mới”, báo cáo nhìn nhận.
Ba mất cân đối không thể xem thường
Theo Học viện Năng lực cạnh tranh Châu Á, tăng trưởng dựa vào tăng vốn cũng dẫn tới những hệ quả không thể xem thường, cơ bản nhất là mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư.
Sự gia tăng các khoản chi vượt quá khả năng (chủ yếu từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp) được tài trợ bằng các nguồn vốn bên ngoài như đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, viện trợ phát triển, và các nguồn khác.
Tuy nhiên, “quan ngại về khả năng trang trải các thâm hụt đối ngoại của Việt Nam ngày càng tăng với mức nợ công tăng lên và dự trữ ngoại hối giảm đi đáng kể, ảnh hưởng tới triển vọng của nền kinh tế”, báo cáo nhận định.
Việc đầu tư vượt quá tiết kiệm của nền kinh tế cũng dẫn đến mức thâm hụt cao trong cân đối tài khoản vãng lai (do Cán cân vãng lai = Tiết kiệm – Đầu tư), hệ quả là thâm hụt thương mại của Việt Nam ngày càng tăng. “Mặc dù được coi là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu một cách có hệ thống”, báo cáo viện dẫn.
Một biểu hiện rõ rệt khác là lạm phát và tỷ giá hối đoái đã trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng trong thời gian gần đây. Do Việt Nam vẫn duy trì tỷ giá danh nghĩa ở mức ổn định, lạm phát dẫn tới tỷ giá thực có hiệu lực tăng lên, buộc Việt Nam phải nhiều lần điều chỉnh.
Từ phân tích trên, báo cáo đi đến kết luận: “Những mất cân đối này có thể gây ra hậu quả không thể xem thường. Ít nhất là chúng tạo ra tâm lý với các nhà đầu tư rằng rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam là cao. Các mất cân đối vĩ mô này có thể làm phát sinh khủng hoảng, khi niềm tin bị xói mòn và các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Việt Nam”.
Theo đó, những nút thắt cổ chai này là dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng hiện nay đang mất dần động lực. “Các nhà hoạch định chính sách hiện nay đã nhận diện tương đối chính xác những nút thắt này, tuy nhiên, hiệu lực thực thi các chính sách được đưa ra cho tới nay là chưa cao”, báo cáo nhìn nhận.
Chính sách kinh tế vĩ mô: Điểm yếu lớn
Phản ứng chính sách đối với bất ổn vĩ mô của Việt Nam gần đây đã được quốc tế ghi nhận về tính hiệu quả nhất định, nhưng cho tới nay vẫn thiếu một chiến lược chính sách tổng thể để giải quyết các thách thức một cách toàn diện, có hệ thống. Theo báo cáo, chính sách kinh tế vĩ mô chính là một điểm yếu lớn trong những năm gần đây.
Cụ thể, chính sách tài khoá bị cản trở rất nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực nhà nước. Áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu là những dấu hiệu về một chính sách tiền tệ còn có vấn đề.
Trong khi đó, các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng, sân bay, năng lượng… đã được thực hiện, nhưng tác động kinh tế – xã hội của các công trình đem lại chưa rõ do hiệu quả thấp và thiếu trọng tâm trọng điểm trong đầu tư.
“Đầu tư hạ tầng được dùng để bù đắp cho các tỉnh có tăng trưởng kém hơn chứ không phải nhằm tạo ra hiệu quả và tác động cao nhất có thể”, báo cáo chỉ rõ.
Bên cạnh đó, dù các chương trình đào tạo ngày càng nhiều, chất lượng giáo dục vẫn còn thấp và có sự chênh lệch giữa các cơ sở. “Quản lý nhà nước về giáo dục còn tập trung nhiều vào việc đặt ra các rào cản gia nhập thị trường đối với các cơ sở đào tạo nước ngoài và can thiệp hành chính, hơn là tập trung vào đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng của hệ thống giáo dục”, sự sai lệch vai trò này cũng được báo cáo ghi nhận.
Và dù đã có một số cải thiện trong những năm gần đây, môi trường hành chính nói chung vẫn chưa thông thoáng. Điều này làm hạn chế sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư…
“Những hạn chế này đặt ra một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam là phải chuyển dịch sang một giai đoạn phát triển mới”, Báo cáo khuyến nghị.
Đề xuất lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh Việt Nam
Theo nhìn nhận của Học viện Năng lực cạnh tranh Châu Á, trọng tâm chính sách của Việt Nam hiện vẫn đang hướng nhiều vào duy trì tốc độ tăng trưởng ngắn hạn hơn là duy trì tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất trong dài hạn, mang tính bền vững. Trong khi đó, nhiều chính sách vĩ mô có thể kích thích tăng trưởng ngắn hạn nhưng lại không có tác dụng hoặc thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng năng suất dài hạn của nền kinh tế.
Cơ quan này đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần xác định được một vai trò mới cho mình, phù hợp với yêu cầu của một nền kinh tế thị trường năng động, đang trỗi dậy và đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Với vai trò này, Chính phủ sẽ đảm nhận những công việc tạo điều kiện và đảm bảo thị trường được vận hành theo nguyên tắc của nó.
Với các khuyến nghị cụ thể, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu minh bạch và chính xác về thực trạng của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối và kết nối đồng bộ các chính sách vĩ mô giữa các bộ, ngành.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về công bố thông tin như các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là thông tin về kết quả tài chính của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động, các mối liên hệ về tài chính với Chính phủ.
“Dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, chúng tôi đề xuất thành lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VCC) để đảm nhận vai trò này”, Báo cáo đề xuất.
Khi đó, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng là định hướng và điều phối các mục tiêu chính sách trung và dài hạn, chứ không chỉ để tìm kiếm các giải pháp tình thế nhằm đối phó và xử lý những khủng hoảng hay vấn đề trước mắt.
Cụ thể, về quản lý ngân sách, báo cáo khuyến nghị cần đảm bảo minh bạch và kỷ luật nhằm duy trì cán cân ngân sách bền vững và giảm thiểu các khoản chi ngoài ngân sách; tăng cường chất lượng và hiệu quả trong quản lý nợ công; và cần tuân thủ nguyên tắc công khai minh bạch và giám sát độc lập trong đầu tư công.
Phía chính sách tiền tệ phải nhất quán và có thể dự đoán được và cần làm rõ sự phối hợp về chính sách tiền tệ giữa cả ba cấp, Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những tín hiệu rõ ràng về mục tiêu chính sách chính; củng cố sự độc lập, tự chủ và năng lực của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một ngân hàng trung ương.
Về quản lý thị trường tài chính, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ để giảm thiểu cơ hội phát sinh các hành vi đầu cơ, đồng thời đưa thị trường phát triển lên một cấp độ cao hơn; cần giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường và các định chế tài chính.
“Việt Nam cần các chính sách để có thể giải quyết nhanh và hiệu quả các nút thắt cổ chai tại những vùng hay những ngành mà vấn đề đang trở nên cấp thiết nhất. Để giải quyết triệt để những thách thức này, cần có sự thay đổi đồng loạt trên nhiều lĩnh vực cả về chính sách và thể chế”, báo cáo kết luận.

Theo VNECONOMY