Bạn có bằng cấp và đã cố gắng hết sức để tìm một công việc, nhưng đến giờ vẫn trong cảnh “ngồi chơi xơi nước”. Nguyên nhân nào khiến bạn thất nghiệp dài dài có lẽ vẫn là một “bí ẩn” đối với… chính bạn.
Ảnh minh họa
Các nhà tuyển dụng không bao giờ đưa ra những lời phản hồi hữu ích khi họ không nhận bạn vào làm. Đó chính là lý do khiến bạn không thể hiểu được vì sao mình bị từ chối.
Tuy nhiên, có những nguyên nhân rất cơ bản đằng sau việc bạn không tìm được công việc. Dưới đây là 10 nguyên nhân như thế:
1. Hồ sơ xin việc của bạn không làm nổi bật được năng lực bản thân
Trong hồ sơ xin việc, bạn không thể hiện mạch lạc được sự kết nối giữa các kỹ năng và bằng cấp mà bạn có với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Khi rà soát hồ sơ của các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ dựa trên các từ khóa thể hiện những kỹ năng mà họ cần. Nếu những từ khóa như vậy không có trong hồ sơ của bạn, thì khả năng bạn bị loại gần như là chắc chắn. Cho dù bạn có giỏi và phù hợp với công việc cần tuyển đến đâu, thì bạn sẽ chỉ được chọn khi bạn nêu bật được sự phù hợp đó, trước hết là trong lý lịch xin việc (resume), tiếp đó mới đến thư xin việc và những giấy tờ khác.
2. Hồ sơ xin việc của bạn có lỗi chính tả hay ngữ pháp
Các nhà tuyển dụng thường hay phàn nàn về lỗi chính tả và ngữ pháp trong hồ sơ xin việc, và rất dễ loại thẳng tay những hồ sơ có lỗi như vậy. Trong trường hợp bạn xin một công việc liên quan nhiều tới viết lách, thì chỉ cần một lỗi chính tả hoặc ngữ pháp cũng có thể bạn bị mất cơ hội được phỏng vấn. Tự mình rất khó phát hiện ra lỗi của mình, vì vậy, bạn hãy nhờ bạn bè hoặc người thân đọc kỹ hồ sơ giúp bạn, rồi tự kiểm tra một lần nữa trước khi gửi đi.
3. Bạn không đủ tiêu chuẩn hoặc vượt chuẩn
Đây là một vấn đề nữa mà các nhà tuyển dụng thường hay đề cập đến. Nhiều người tìm việc nộp hồ sơ cho tất cả mọi công việc mà họ thấy phù hợp với mình, nhưng nhà tuyển dụng có thể xem ứng viên đó không hợp với vị trí cần tuyển. Bạn cần biết có một nguyên tắc là, bạn khó có thể được gọi phỏng vấn nếu nộp hồ sơ cho những vị trí vượt khả năng hoặc ở dưới khả năng của bạn.
4. Nhà tuyển dụng tìm người nội bộ
Đôi khi, các nhà tuyển dụng đăng quảng cáo tìm người cho những vị trí mà họ đã có kế hoạch tuyển nội bộ. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội được phỏng vấn. Điều này khiến nhiều người tìm việc bất bình, nhưng là một sự thật trên thị trường việc làm.
5. Bạn đưa ra những đòi hỏi “đặc quyền” trong giai đoạn phỏng vấn
Những đòi hỏi thái quá của bạn có thể phá hỏng cuộc phỏng vấn. Nếu bạn đưa ra cho những tuyển dụng những yêu cầu không phù hợp về tiền lương, thời gian làm việc, các chế độ đãi ngộ khác… trong giai đoạn phỏng vấn, câu trả lời mà nhà tuyển dụng dành cho bạn có thể là sự từ chối.
6. Bạn thể hiện thái độ không quan tâm lắm trong cuộc phỏng vấn
Khi được nhà tuyển dụng mờ tới phỏng vấn, bạn đã tiến gần hơn tới cơ hội sở hữu công việc. Trong cuộc phỏng vấn, bạn không muốn tỏ thái độ quá háo hức với công việc vì không muốn nhà tuyển xem bạn là đang “cần việc đến chết đi được”. Tuy nhiên, bạn vẫn cần thể hiện năng lượng và sự hào hứng nhất định đối với vị trí cần tuyển. Khi bạn miêu tả các kỹ năng và lý do vì sao bạn phù hợp với vị trí đó, hãy chứng tỏ sự quan tâm của mình thay vì tỏ ra lạnh nhạt. Nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về các kỹ năng cụ thể của bạn, nhưng cũng muốn đánh giá tính cách cá nhân của bạn để xem bạn có phù hợp với ê-kíp hay không.
7. Bạn không phân biệt rõ đóng góp của bản thân trong công việc trước đây
Trong cuộc phỏng vấn, bạn không muốn nhận hết về mình những thành tích trong lịch sử công việc của bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần phải tránh sử dụng quá nhiều từ “chúng tôi” khi nói về những gì bạn làm được trước đây. Hãy làm rõ đâu là thành tích của riêng bạn, và tách bạch những thành tích đó khỏi thành quả làm việc chung của cả nhóm.
8. Bạn đã nói điều gì đó không phù hợp trong cuộc phỏng vấn
Bạn buột miệng nói với nhà tuyển dụng rằng sếp cũ của bạn rất kỳ quặc? Bạn lên tiếng thể hiện sự bất mãn đối với một đồng nghiệp cũ? Bạn tỏ ra quá thoải mái trong cuộc phỏng vấn diễn ra ở quán cà phê? Cho dù được phỏng vấn trong bối cảnh nào, bạn cũng cần thể hiện thái độ lịch sự và chuyên nghiệp, và nhớ rằng, tất cả những gì bạn nói đều có thể được sử dụng để chống lại bạn.
9. Bạn có những lời giới thiệu (references) thiếu nhiệt tình
Đừng đánh giá thấp giá trị của những lời giới thiệu ấn tượng khi bạn xin việc. Một lá thư giới thiệu có thể đến từ sếp cũ hay công ty cũ của bạn. Nếu bạn đã gần đạt được công việc, nhưng sau đó lại không thấy nhà tuyển dụng liên lạc lại, thì vấn đề có thể nằm chính ở thư giới thiệu. Liệu lá thư đó có nói điều gì đó khiến nhà tuyển dụng lưỡng lự? Hãy xem xét tìm một người giới thiệu khác để có được một lá thư giới thiệu hiệu quả hơn.
10. Nhà tuyển dụng tìm thấy những thông tin không phù hợp hoặc khả nghi về bạn trên mạng
Hãy lường trước tình huống nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin về bạn trên Google hoặc dò ra những bình luận (comment) của bạn trên các mạng xã hội. Nếu trên mạng Internet có bất kỳ thông tin gì đó khiến nhà tuyển dụng đặt ra những câu hỏi về bạn, thì rất có thể cơ hội việc làm sẽ tuột khỏi tay bạn.