Làm gì khi thất nghiệp kéo dài?

Một trong những điều quan trọng nhất mọi người nên làm khi quá trình tìm việc kéo dài quá mức so với dự định là hãy ngồi lại đánh giá những gì mình đang làm, phương pháp triển khai, để từ đó đưa ra giải pháp và chiến lược điều chỉnh mới.

Ảnh minh họa

Trong nền kinh tế hiện nay, ngay cả những người có học vấn, năng lực và kinh nghiệm nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn để tìm được việc làm ổn định. Mặc dù, họ vẫn hy vọng với nền tảng hiện có, quá trình chuyển đổi việc làm sẽ diễn ra nhanh chóng, lâu nhất cũng chỉ vài tuần nhưng trên thực tế, đầy người mất hàng tháng và thậm chí cả năm trời mới tìm được một chỗ làm ưng ý, đảm bảo cuộc sống.
Thời gian tìm việc kéo dài đồng nghĩa với việc gia tăng khoảng thời gian thất nghiệp, nó có tác động kinh khủng đến niềm tin, tinh thần lạc quan cũng như niềm tự hào về bản thân của người tìm việc. Trong khi, đó lại là những yếu tố quan trọng để giúp bạn thành công trong thị trường việc làm hiện nay.
Theo Jean Baur – tác giả của cuốn “Ứng phó với khủng hoảng trong thời gian thất nghiệp”, một trong những điều quan trọng nhất mọi người nên làm khi quá trình tìm việc kéo dài quá mức so với dự định là hãy ngồi lại đánh giá những gì mình đang làm, phương pháp triển khai, để từ đó đưa ra giải pháp và chiến lược điều chỉnh mới.
Trong thời gian này, bạn cũng cần chăm sóc bản thân, đừng vì chán nản mà bỏ bê mọi thứ, kể cả sức khỏe của chính mình. “Bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt thật điều độ, ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục thể thao mỗi ngày. Bạn phải xác định, quá trình tìm việc không phải chỉ ngày một ngày hai, vì thế, bạn cần chuẩn bị cho mình cả về tinh thần lẫn thể lực tốt để chủ động hơn trên con đường tìm kiếm việc làm”.
Vấn đề ở đây là phải tự chăm sóc bản thân. Đa số mọi người khi rơi vào tình trạng thất nghiệp đều bỏ mặc mọi thứ. Nhưng đây lại là lúc bạn cần vững vàng, chăm sóc bản thân thật tốt, bởi một khi duy trì được sự cân bằng, bạn sẽ nhanh chóng thành công hơn.
Trong cuốn sách của mình, Baur cũng chỉ ra những việc nên và không nên làm trong giai đoạn tìm việc này:
Nên: 
– Lên kế hoạch dự phòng để tránh bị động khi quá trình tìm việc diễn ra lâu hơn so với dự kiến.
– Chú ý chăm sóc bản thân, đừng để mình rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng, khiến người ngoài nhìn vào cũng “phát hoảng”.
– Tích cực tìm việc nhưng đừng để nó chi phối toàn bộ cuộc sống của bạn. Hãy duy trì cuộc sống thường nhật như trước kia song song với quá trình tìm việc.
– Tìm kiếm và nâng cao các cơ hội đào tạo để bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn của bạn. Càng có nhiều kỹ năng, bạn càng dễ dàng hơn với thị trường việc làm rộng mở.
– Mở rộng quan hệ, kết nối với bạn bè, người thân để nắm bắt nhiều cơ hội việc làm hơn.
Không nên:
– Trở thành cái máy tìm việc, suốt ngày cắm đầu cắm cổ vào máy tính để “săn” nhà tuyển dụng.
– Đặt ra thời điểm chính xác và quá kỳ vọng vào kết quả tìm việc trong ngắn hạn.
– Rơi vào bế tắc, chán nản: Nếu phương pháp này chưa hiệu quả, hãy kiên trì thử cách khác chứ không phải vội vàng ngán ngẩm mà từ bỏ công việc tìm kiếm.
– Than thở với mọi người về tình trạng của bản thân.
– Sẵn sàng chịu thiệt: Không phải vì cần việc mà bạn có thể chịu thỏa hiệp với bất kỳ công ty nào, chấp nhận các điều kiện họ đưa ra. Dù sao, bạn cũng nên giữ chính kiến cho đến khi tìm được công việc phù hợp.