Người ta hay ví giám đốc tài chính (CFO) và giám đốc tiếp thị (CMO) như tay phải và tay trái của chủ doanh nghiệp. Cả hai tay đều quan trọng, nhưng nhiều khi do không hiểu ý nhau nên xảy ra tranh cãi nảy lửa. Làm sao để dung hòa mối quan hệ này nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho công ty là vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm!
Ảnh minh họa
Tiền: Bên tiêu, bên giữ
Khoảng chục năm trở lại đây, khi vấn đề xây dựng thương hiệu được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thì vai trò của CMO cũng được đề cao. Nhiều CMO đã và đang được các chủ doanh nghiệp cất nhắc lên vị trí điều hành công ty. Ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch Câu lạc bộ CMO Việt Nam, cho rằng, CMO là một chức vụ quản lý cao cấp trong một công ty, chịu trách nhiệm về marketing cho công ty.
Vai trò và trách nhiệm của CMO liên quan đến phát triển sản phẩm, truyền thông tiếp thị, nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng, phát triển kênh phân phối, quan hệ công chúng và quản trị bán hàng… Công việc của CMO khá nhiều, nhưng mỗi khi lên ngân sách cho chương trình họ lại “đụng” đến CFO và phải có trách nhiệm giải trình chi phí với CFO. Chính “công đoạn” này đã làm phát sinh mâu thuẫn giữa các CMO và CFO, nhiều khi là do họ không hiểu nhau.
Còn theo ông Dương Hải, Trưởng văn phòng đại diện của LLC Vietnam tại TP.HCM, lâu nay người ta vẫn nghĩ CFO là người khô khan, chỉ làm việc với những con số, nhưng thực tế không phải vậy. Hằng ngày họ phải làm việc với rất nhiều người: trong công ty, họ làm việc với ban lãnh đạo, các phòng ban, trong đó có bộ phận marketing.
Ngoài công ty, họ thường xuyên tiếp xúc với cơ quan thuế, với khách hàng, với nhà cung cấp… “Xung quanh họ là con người chứ không phải những con số khô khan. Mà những gì hay ho nhất, tốt đẹp nhất, hay tồi tệ nhất cũng do những người xung quanh họ tạo nên”, ông Hải chia sẻ.
Ông Hải nhận định, đa phần các CFO đều xuất thân từ kế toán viên nên họ rất kiệm lời, thường chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc. Trong khi đó, các CMO lại là những người nói nhiều, tiêu tiền nhiều và “lạc quan thái quá”. “Điều bất công là khi tổ chức thành công một chương trình hay công ty hoạt động hiệu quả, người ta chỉ nghĩ đến vai trò của CMO. Còn khi CMO làm không tốt, xin thôi việc và chạy qua công ty khác thì CFO ở lại phải “giải quyết hậu quả” nhưng chẳng thấy ai nói gì”, ông Hải nói thêm.
Nói về mối bất hòa giữa “tay phải” và “tay trái”, ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Asiainvest, người đã nhiều năm làm CFO cho Tập đoàn Chuyển phát nhanh TNT tại Việt Nam, cho rằng, có nhiều lý do khiến giữa CMO và CFO xảy ra xung đột. Trong đó, khác biệt về trách nhiệm, về tính cách, về việc đánh giá vấn đề cũng như cách hiểu về nhau của hai bên là yếu tố then chốt.
Theo ông Bách, nếu như CFO là người “giữ tiền” cho doanh nghiệp, thì CMO lại là người tiêu tiền; CFO là người cẩn trọng, còn CMO là người phóng khoáng. CFO thường nghĩ CMO mắc bệnh hình thức và thiếu thực tế, ngược lại CMO cho rằng CFO quá cứng nhắc và thiển cận. Do “nhìn nhau”, nghĩ về nhau như thế nên CFO và CMO thường khó hòa hợp, bất hợp tác, thậm chí gây khó dễ cho nhau trong công việc hằng ngày. Đôi khi do thiếu hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn của nhau nên xung đột ngày càng trầm trọng.
Việc: Chung sức, chung lòng
Làm sao để cải thiện mối quan hệ giữa CMO và CFO. Theo ông Nhất, cả “hai tay” phải cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ công việc, phải hiểu đặc thù công việc của nhau. Đồng quan điểm này, ông Trần Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thế kỷ 21, chia sẻ thêm: “Thông thường, trong các tập đoàn đa quốc gia, dự án đến công đoạn nào thì bộ phận đó phụ trách. Nhưng dù công việc của bộ phận nào thì mọi người cũng nên đồng sức đồng lòng, cùng nhau giải quyết nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho công ty. Để tránh xung đột, cả CFO lẫn CMO phải hiểu biết công việc của nhau”.
Bài học kinh nghiệm từ Tập đoàn Chuyển phát nhanh TNT mà ông Bách chia sẻ càng minh chứng điều này. Trong gần 10 năm làm việc tại TNT, tuy chỉ phụ trách lĩnh vực tài chính nhưng ông Bách cùng các đồng nghiệp làm việc trong bộ phận này cũng phải học về marketing, quản trị, kinh doanh… Mỗi khi xây dựng ngân sách và kế hoạch marketing, hai bộ phận CMO và CFO thường phải phối hợp thông tin với nhau.
Không chỉ vậy, TNT còn tổ chức nhiều khóa đào tạo về tài chính cho nhân sự bộ phận marketing và ngược lại, bộ phận tài chính cũng được tham dự các khóa học marketing. Chính nhờ biết học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu, chia sẻ công việc của nhau nên CMO và CFO của TNT làm việc rất “ăn ý”, thông hiểu lẫn nhau, cùng nhau xây dựng thương hiệu TNT ngày càng phát triển.
“Dù làm công việc gì cũng phải dựa trên tinh thần hợp tác. Đừng bao giờ cho là tôi to lớn, tôi quan trọng, mà phải tôn trọng lẫn nhau”, ông Bách rút kinh nghiệm.
Ông Nam thì cho rằng, từ những xung đột xảy ra, cả CMO và CFO cần thống nhất phương thức, nguyên tắc làm việc trên tinh thần vì mục tiêu chung và tôn trọng lẫn nhau. Và “một CFO thông minh sẽ không quan tâm đến việc của CMO, mà chỉ cần quan tâm đến hiệu quả do CMO mang lại”, ông Hải chia sẻ.
Trên thế giới, các CFO thường được cất nhắc lên làm giám đốc điều hành nhiều hơn các CMO. “Tuy nhiên, đó là ở những tập đoàn lớn, có nhiều công ty con, mọi hoạt động đều liên quan đến tài chính nên các CFO thường được xem là quan trọng hơn và được cất nhắc nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, CMO đang được tín nhiệm”, ông Nam nhận xét.