10 dấu hiệu bạn đã chọn nhầm việc

Cố gắng bám trụ với một công việc không phù hợp có thể sẽ dẫn tới những hậu quả không mong muốn, như năng suất làm việc giảm và cảm giác bất mãn hàng ngày. Nhưng làm thế nào để biết công việc bạn đang làm có phù hợp hay không?

Ảnh minh họa.
Dưới đây là 10 dấu hiệu bạn đã chọn nhầm việc để làm:

1. Bạn phàn nàn về công việc của mình với mọi người
Chắc chắn, công việc bạn đang làm không phù hợp với bạn nếu bạn cảm thấy khó chịu và chán nản đến nỗi kể với tất cả mọi người về những trải nghiệm tiêu cực của bản thân. Bạn sẽ nói với bạn bè rằng bạn không ưa đồng nghiệp hoặc đang làm một công việc vô nghĩa.

2. Bạn xem công việc như một “điệp khúc” nhàm chán
Nếu bạn không tìm được niềm vui trong công việc, rốt cục bạn sẽ nhận thấy công việc của mình như một “điệp khúc” việc nhà buồn tẻ lặp đi lặp lại mỗi ngày, chẳng khác gì việc rửa bát hay giặt quần áo. Mọi người chỉ làm việc nhà vì họ bắt buộc phải làm, và nếu bạn chỉ đi làm vì bắt buộc phải đi, có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm một công việc khác. Nếu bạn càng ở lâu với công việc mà mình không thích, rốt cục bạn sẽ có thái độ xấu và bị sa thải.

3. Bạn có thể không bao giờ được trả lương đủ cao để yêu thích công việc
Khi bạn cảm thấy không vui với công việc, cho dù bạn nhận được mức lương là bao nhiêu, thì đó cũng là một dấu hiệu bạn nên tìm việc khác. Những nhân viên yêu công việc thường làm việc quên thời gian, vui vẻ với đồng nghiệp và phấn đấu để được trả lương cao hơn và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn. 

4. Bạn thường xuyên xem đồng hồ trong giờ làm việc
Nếu bạn thường xuyên mất tập trung, không chú ý vào công việc, đó là một dấu hiệu xấu. Nhiều người thường xuyên ở trên Facebook hoặc chat chit với bạn bè thay vì làm việc. Có thể họ vẫn hoàn thành công việc, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn vì xao nhãng. Những nhân viên yêu công việc không dễ mất tập trung như vậy.

5. Bạn không bao giờ vượt qua mô tả công việc của mình
Nếu bạn không thúc đẩy bản thân nhận thêm nhiệm vụ, thì có lẽ bạn không thực sự quan tâm tới công việc hay công ty của mình. Những nhân viên hứng thú với công việc thường đề nghị được giao thêm nhiệm vụ để được tăng lương và có cơ hội thăng tiến. Nếu bạn không làm điều đó, thì bạn đi làm chẳng qua cũng chỉ để có lương.

6. Bạn lảng tránh mọi hoạt động của công ty
Nếu công ty tổ chức một bữa tiệc hay một trận thi đấu thể thao, mà bạn đều viện cớ để không tham gia, thì đó là một tín hiệu bạn “ghét” công việc mà bạn đang làm. Các nhân viên thích tham gia vào các hoạt động ngoài lề với các đồng nghiệp thường yêu thích công việc và gắn bó với công ty hơn.

7. Bạn đang tìm kiếm công việc khác
Nếu bạn thường xuyên lướt các trang việc làm, thì bản thân bạn đã biết là bạn đang cần tới một sự thay đổi. Những người yêu công việc của họ có thể cởi mở với những cơ hội việc làm mới, nhưng không chủ động tìm kiếm những cơ hội đó.

8. Bạn không giới thiệu công ty của bạn với bất kỳ ai
Những nhân viên yêu việc thường giới thiệu về công ty của mình với bạn bè, người thân, người quen… Nếu như bạn không hứng thú với công việc và công ty của mình, bạn thường có xu hướng không nói gì về chuyện đó và cũng không thích giới thiệu người khác vào làm cùng.

9. Bạn không học thêm điều gì mới và cảm thấy bế tắc
Nhiều người không chịu tạo ra thách thức cho mình trong công việc, thậm chí thể hiện chây ì, chậm tiến. Rốt cục, những người như vậy sẽ cảm thấy bế tắc và muốn tìm một công việc khác.

10. Bạn xấu hổ vì công việc của mình
Nếu bạn cảm thấy xấu hổ về công việc của mình, rốt cục bạn sẽ không còn muốn nhắc đến nó. Đó là một tình huống xấu vì mọi người xung quanh bạn sẽ cảm thấy điều gì đó bất thường khi bạn né tránh những câu hỏi liên quan tới công việc.