Bí quyết gây sự chú ý với sếp

Bạn đang lo lắng rằng mình chưa đạt thành tích tốt trong công việc hay không tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng đủ để khiến sếp phải chú ý tới mình? Đừng vội nản lòng, vẫn có cách để bạn lọt vào tầm ngắm “ưa thích” của sếp.

Ảnh minh họa

Dưới đây là 4 chiến lược bạn có thể áp dụng:

Tình nguyện làm thêm việc
Hãy tìm kiếm những cơ hội cho phép bạn: thể hiện những kỹ năng tốt nhất của mình, cải thiện năng lực và chứng tỏ nỗ lực của bản thân trong các dự án sếp quan tâm. Bạn nên nhanh chóng nắm bắt lấy những tình huống như vậy trước các đồng nghiệp của mình.

Phát biểu ít nhất 3 lần trong mỗi cuộc họp
Nếu bạn là người hướng nội, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn nhưng hãy cố gắng tự chuẩn bị và tập luyện cho bản thân. Trước tiên, hãy tìm hiểu trước lịch trình của cuộc họp, đọc và ghi lại những điểm cần quan tâm và ý tưởng, suy nghĩ của bạn về chúng. Sau đó, trong cuộc họp, hãy mạnh dạn phát biểu quan điểm của bản thân và tranh luận với mọi người để bảo vệ ý kiến của mình nếu mọi người không đồng ý với chúng.
Nếu bạn im lặng trong suốt cuộc họp, mọi người sẽ cho rằng trong đầu bạn không có gì và rằng bạn là người ” ba phải”, không tích cực và thụ động. Đừng để đồng nghiệp và nhất là sếp nghĩ như vậy về bạn.

Cập nhật thông tin về ngành nghề
Hãy tích cực đọc sách báo, lướt web, nói chuyện với những đồng nghiệp trong lĩnh vực của mình để bắt kịp với những gì đang diễn ra trong ngành nghề của bạn. Bạn nên dành thời gian để suy nghĩ tích cực về chúng. Sau đó, áp dụng những thông tin mình tìm hiểu được vào những cuộc nói chuyện chuyên nghiệp, báo cáo hay bất cứ tài liệu, vấn đề nào liên quan tới công việc của bạn.
Ngày nay, trong công sở, cập nhật tình hình công việc thường xuyên chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh với đồng nghiệp. Người được tăng lương và thăng chức là những người chứng tỏ được họ biết suy nghĩ một cách chiến lược dựa trên cùng thông tin đó thay vì chỉ thụ động biết thông tin mà không hành động.

Chia sẻ thành công
Khi bạn có cuộc họp, dù ngắn với đồng nghiệp và thống nhất một kế hoạch, hãy gửi email xác nhận nhiệm vụ của từng người trong nhóm và gửi cho cả sếp để anh/ cô ấy nắm được rõ ràng bạn đã làm những gì. Và khi khách hàng hay đối tác gửi thư cám ơn, khen ngợi bạn, hãy chuyển tiếp nó tới người quản lý của bạn. Suy cho cùng, thành công của bạn cũng chính là thành công của sếp.
Còn nếu bạn không làm gì, mọi người cũng chẳng có thời gian để bận tâm tới từng thành tích của bạn. Muốn đuợc chú ý, bạn phải tiên phong hành động.