Những điều không nên làm nếu bạn muốn thăng tiến

Thăng tiến đó là cái đích hướng tới của bạn khi bắt đầu một công việc. Tuy nhiên để đạt được điều đó thì lại không phải là dễ.

Ảnh minh họa

10 lời khuyên dưới đây giúp bạn định hướng rõ hơn cho kế hoạch thăng tiến trong tương lai của mình.

1. Đừng bao giờ nhận xằng công lao của người khác: nhưng cũng đừng để người khác nhận xằng công lao của mình. Một thái độ trung thực và rõ ràng trong công việc sẽ được bạn bè đồng nghiệp và sếp quý mến. Đồng thời sếp cũng sẽ đánh giá rất cao việc bạn biết cách đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình, vì chỉ khi bạn biết cách bảo vệ quyền lợi của mình bạn mới có thể bảo vệ được quyền lợi cho cơ quan khi được thăng tiến.

2. Đừng cố đỗ lỗi cho người khác: Khi một sự cố, sai lầm xảy ra, việc bạn thành khẩn nhận lỗi và cầu thị sửa sai còn đáng quý hơn nhiều so với việc bạn tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác. Việc làm đó cũng xấu ngang hàng với việc bạn ăn cắp công lao của người khác. Dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm là đức tính cần có của nhà lãnh đạo. Và đó cũng là yếu tố làm hài lòng nhà quản lý khi đưa ra những cân nhắc thăng tiến.

3. Đừng bịa đặt và thêu dệt chuyện để chống lại những người đang cạnh tranh với mình: Trong cạnh tranh bạn có thể dùng những biện pháp quyết liệt để “loại” đối thủ nhưng biện pháp đó phải trung thực, hợp pháp và hợp tình. Nên nhớ rằng khi bạn dùng “thủ đoạn” để loại đối thủ thì cũng sẽ có ngày ai đó dùng “thủ đoạn” để hạ bệ bạn.

4. Đừng tỏ ra quá thân thiết với sếp: lúc đầu bạn thấy có vẻ việc kết thân này đem lại cho bạn nhiều thuận lợi, nhưng về sau bạn sẽ thấy nó đem lại nhiều phiền toái hơn là ích lợi. Đừng để tình cảm xen lẫn vào công vịêc. Nếu bạn nhìn thấy ai đó đã từng được thăng tiến vì tình riêng, đừng dại gì học theo họ. Đó là sự thăng tiến không bền, một lúc nào đó bạn sẽ nhìn thấy người đó bị “sa cơ” cũng vì tình riêng. 

5. Đừng để mình rơi vào những rối rắm của những mối tình nơi công sở: Đó là những tảng băng trôi huỷ hoại con đường thăng tiến của bạn bất cứ lúc nào. Bạn sẽ là tâm điểm của những “búa rìu” dư luận, hay những lời đơm đặt chẳng hay ho gì.

6. Đừng ngại công khai cho sếp và đồng nghiệp biết khả năng và trình độ của bạn: Tự tin với năng lực bản thân cũng khiến sếp và những người trong cơ quan đánh giá cao năng lực của bạn.

7. Đừng ngại kèm cặp và nâng đỡ “đàn em” và những nhân viên mới: chưa có kinh nghiệm tại cơ quan. Đừng nghĩ rằng cho đi nghĩa là mất, kiến thức và lòng tốt là thứ cho đi càng nhiều ta nhận lại càng lớn. Và cái quý nhất mà bạn nhận được là cảm tình của sếp và mối quan hệ tốt đẹp của các đồng nghiệp.

8. Đừng ngại làm thêm giờ nếu cần: Hãy làm việc bằng lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. Khi công việc quá nhiều, đừng ngại phải ở lại cơ quan làm thêm giờ hoặc giải quyết công việc ở nhà. Đừng vội đòi hỏi công lao trong việc làm thêm này cho đến khi nào năng lực của bạn được sếp công nhận.

9. Đừng chơi hay làm những việc vô bổ khi cơ quan có thời gian rảnh: Hãy tận dụng thời gian này để học tập, nâng cao kiến thức bản thân. Sếp sẽ rất hài lòng nếu như trong lúc rảnh bạn thường xuyên bổ túc kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ…

10. Đừng tỏ ra kiêu ngạo khi bạn được đánh giá cao hay đề bạt: Điều đó không có nghĩa là bạn không ý thức được địa vị mới của mình. Bạn cần để mọi người ý thức được điều đó những hãy cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp trước kia. Vì chính sự yêu quý của đồng nghiệp và thủ trưởng là cơ hội để bạn thăng tiến lên nấc thang cao hơn trên con đường công danh sự nghiệp của mình.