Cần Thơ – Sài Gòn – Ban Mê – Đà Nẵng

Đã nghe về rất nhiều miền đất với nhiều tên gọi từ rất lâu, và khi có cơ hội được đến đó, hòa mình vào cuộc sống ở đó mới thấy rằng câu nói “phải hòa vào, tan ra sống hết mình thì mới cảm nhận hết được” thật chuẩn xác.

Cần Thơ gạo trắng nước trong…

Bị ấn tượng bởi các món ăn nơi đây bởi nó đặc biệt từ cái tên đến chất lượng, từ không gian ăn và cả cách thức ăn nó, sẽ nhớ món cơm bụi của những người lao động ở bên đường, sẽ nhớ món cá linh chiên cuốn lá cải đắng ăn kèm với nước chấm có vị chua cay ngọt hay món lẩu cá kèo mà những con cá kèo còn tươi nguyên, đang giãy trên đĩa được cho vào nồi nước dung đang sôi ùng ục, sẽ nhớ món thịt chuột đồng nước ăn ở bến Ninh Kiều vào một buổi tối có gió và trăng non – vị của nó làm nhớ đến những ký ức của thời chăn trâu, cùng đám bạn đi bắt chuột về thịt và thui bằng rơm khô ở giữa cánh đồng tuổi thơ, thịt có mùi thơm mùi đồng ruộng… sẽ nhớ món bún cá Hợp Phố với những sợi bún màu tím trong chiếc tô đất xen với các cọng giá trắng tinh, cùng màu xanh của lá hành và màu đỏ của những lát ớt… Mà điều đặc biệt nhất là bão giá chưa tràn vào đến mảnh đất này.

Sài Gòn

Phải gọi như thế bởi tất cả những ai sinh sống là làm việc ở Tp.Hồ Chí Minh đều gọi nó là Sài Gòn, ồn ào, nhiều xe với đủ các tầng lớp lao động đa dạng hơn cả Hà Nội. Đáp xe về khách sạn khi chiều đã chạng vạng. Tìm một quán cơm vào buổi chiều là một điều bất khả bởi nhận ra rằng tất cả những người sinh sống làm ăn ở đây đều đi nhậu vào buổi chiều. Lang thang hết cả con đường 9A để tìm một quán phở hay bún mà vẫn vô vọng. Để rồi, một bát Bánh Ướt của hai bố con ông chủ bán rong trên chiếc xe đạp cũng làm ấm lòng kẻ viễn khách tha hương đang rất nhớ một bữa cơm gia đình.
Sài Gòn cũng có xe buýt, nó được sơn màu xanh trông rất thân thiện. Ngồi trên xe buýt để ngắm Sài Gòn qua ô cửa vào một buổi chiều mưa cũng không hẳn là quá tệ, đi qua Nhà Thờ Đức Bà để thấy màu của thời gian in hằn trên màu đỏ tươi của gạch và màu rêu sạm của đá – một kiến trúc rất độc đáo còn lại từ thời Pháp thuộc, đi qua chợ Bến Thành – một biểu tượng khác của Sài Gòn – nơi mà ở quán café vỉa hè, người ta bảo rằng đó là chợ Tây. Nhưng điều khiến ta phải ngạc nhiên là sự nhiệt tình của bác tài xế và bác phụ xe nơi đây, có thể sẵn sàng cho một bà cụ mang lên xe bao nhiêu là chai lọ rồi khi cụ xuống còn mang xuống giúp cụ, hay bác tài xế trên tuyến xe tự bán vé dừng hẳn xe mang giúp cô khách nước ngoài vừa từ sân bay về một vali nặng trịch từ trên xe xuống, rồi còn tận tình chỉ đường giúp cô.

Ly Cafe Ban Mê và câu chuyện về sợi lông voi

Đến Ban Mê vào một buổi tối, hơn một nửa chặng đường của chuyến công tác đã hoàn thành, nỗi nhớ nhà dường như đã nhiều hơn rất nhiều… Con người Tây Nguyên không thật nhiệt tình và chu đáo, đến nỗi có tìm cách từ chối nếu không khéo cũng có thể làm họ phải buồn. Là anh Hệ với cặp kính cận dày cộm trông trẻ hơn độ tuổi ngoại tam tuần của mình, đã chờ đợi ở sân bay từ lúc nào, giúp chuyển đồ lên ô tô, chở về tận khách sạn, hay cả những lần chở đi làm việc với khách hàng. Là chị Thảo, em Hiền, em Huệ đã đặt trước cơm tối cho cả nhóm công tác – bữa cơm đã giúp cho nỗi nhớ nhà vơi đi ít nhiều, rồi chuyển giúp hành lý lên tận phòng khách sạn, hỏi có vừa ý hay không, mỗi sang còn đến tạn khách sạn để đón mọi người đi ăn sáng. Và bao giờ cũng đưa nhóm về tận khách sạn dù sớm hay muộn, bởi chị bảo “đó là trách nhiệm của chị”.

Bắt đầu có thói quen từ ngày đầu tiên bước chân xuống Cần Thơ, và sáng nào cũng một ly cafe cho đến khi về Sài Gòn. Nhưng cafe ở Ban Mê thì lại cả một câu chuyện dài mà khi vừa thưởng thức vừa nghe về những công đoạn sản xuất ra nó, cùng với âm hưởng của các bài hát về Tây Nguyên mới thấy hết được vị ngon thực sự của nó. Ở Ban Mê, mọi nhà đều tự xao cafe để uống và bán nên vị cafe ở mỗi quán đều rất khác nhau, và tất đều có vị thơm, vị béo mà tất cả cafe đã từng uống không có được. Và đặc biệt nhất có thể phải kể tới là cafe Chuông Đá, bởi trước khi xao, hạt cafe được ủ lên men, nên khi uống có thêm một vị chua mà uống vào rồi thì say như say rượu.

Ngây ngất suốt ba ngày trong cafe Ban Mê, mở rộng lòng mình ra để cảm nhận và đón nhận sự nhiệt tình từ tấm chân thành như một người bạn, như một người anh, người chị hay như một người trong gia đình của con người Ban Mê. Để thấy rằng mình như là một phần ở đó từ khi nào, chỉ tiếc là không thể ở lâu thêm để có thể đón nhận hết… ra đi mà chỉ mong có ngày trở lại.

Chia tay Ban Mê, chia tay những câu chuyện huyền bí về chiếc Kơ Pang, ngôi nhà Dài, bộ trang phục của người Ê Đê, mang theo một sợi lông voi – biểu tượng cho sự may mắn, sự phù hộ của núi rừng bảo vệ người mang nó khỏi mọi ma quỷ, giúp họ luôn khỏe mạnh – một tấm bùa hộ mệnh.

Đêm trên thành phố biển

Kết thúc cuộc hành trình của gần hai chục ngày qua gần hết chiều dài của đất nước là Đà Nẵng – thành phố nổi tiếng với hai cây cầu Sông Hàn và Thuận Phước. Đà Nẵng thật sạch, bãi biển ở đây cứ dài mãi dài mãi, nước biển trong xanh và cát thì trắng xóa. Ở đó gần 4 ngày nhưng chỉ mới đi bộ trên bờ biển chứ chưa được ngâm mình trong làn nước và những con sóng vừa phải. Nhưng Đã Nẵng chỉ thực sự lung linh khi màn đêm buông xuống – khi mà đèn đường bật ở trên tất cả những con phố ven sông Hàn, trên cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước. Tất cả như sáng rực lên, đủ màu sắc, in bóng xuống mặt nước sông Hàn, lung linh, rực rỡ. Mọi người ở đây bảo rằng nếu lên đỉnh núi Sơn Trà nhìn xuống thì mới thấy hết được vẻ đẹp thực sự của Đà Nẵng. Quyết định hôm sau sẽ đi ghi lại những hình ảnh này để giữ lại cho riêng mình, nhưng tiếc là chỉ thực hiện được một phần ba cái ước mơ đó khi chỉ có được cầu Sông Hàn, khi vừa đáp chân đến đầu cầu Thuận Phước thì đến giờ tắt điện trên cầu… Hứa sẽ trở lại đây để thực hiện hai phần ba cái giấc mơ kia vào một ngày nào đó…

***
Còn đọng lại rất nhiều trong ký ức, từ những ánh mắt, những nụ cười, những câu nói mà các cô gái đã dành cho… hay những cái ôm, nụ hôn khi uống bia, uống rượu theo kiểu MISA… Sẽ mang theo làm hành trang, làm vốn cho những hành trình sau này. Nhớ giọng nói dễ thương của Cần Thơ… nhớ những cơn mưa chiều Sài Gòn dài dằng dặc… nhớ sự nhiệt tình và vị café Buôn Ma Thuột… và nhớ cả nét đẹp cùng nụ cười nhẹ nhàng của em – cô gái Đà Nẵng…