Kết bạn với nhiều đồng nghiệp, thay đổi không gian làm việc và tăng cường sức khỏe thể chất là những điều mà người chán việc nên làm để tìm lại cảm giác thỏa mãn tại công sở.
Ảnh minh họa: Corbis.
Tăng cường sức khỏe thể chất
Hạnh phúc với công việc bắt đầu từ việc bạn tự đối xử với bản thân thế nào trước khi bước chân vào công ty. Nhiều người cảm thấy khốn khổ tại công sở chỉ bởi họ luôn luôn thiếu thời gian để ngủ. Vì thế, bạn hãy nâng niu cơ thể của chính mình. Tập luyện, ngủ đẫy giấc, dậy đúng giờ, ăn uống đầy đủ để tạo ra sinh lực là những việc mà người chán việc nên làm.
Tìm kiếm niềm vui trên đường đi làm
Một trong những yếu tố khiến con người cảm thấy chán nản với công việc chính là hành trình tới chỗ làm. Nhiều người phải vượt quãng đường quá dài, còn một số người thường xuyên hứng chịu nạn tắc đường. Nếu nhà quá xa bạn nên dùng xe hơi hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng. Bạn nên đi sớm hoặc về trễ một chút để tránh cảnh chen chúc ngoài đường phố. Một cách khác là tận dụng khoảng thời gian trên tàu, xe buýt hoặc xe hơi để làm những việc thú vị. Chẳng hạn, nếu phải vượt quãng đường dài hoặc thường xuyên hứng chịu cảnh kẹt xe, bạn có thể tranh thủ nghe nhạc hoặc rèn ngoại ngữ bằng điện thoại, máy chơi nhạc trong lúc chờ đợi. Nếu nhà ở quá xa chỗ làm, bạn có thể đề nghị làm việc từ xa nếu điều kiện cho phép. Hãy đưa ra những lý do cụ thể và hợp lý khi bạn nói với sếp về ý tưởng làm việc tại gia một thời gian.
Cải thiện không gian làm việc
Mỗi tuần bạn nên dành một chút thời gian để nghĩ về những thứ khiến bạn cảm thấy mất hứng thú với công việc và những hành động mà bạn có thể thực hiện để cải thiện tình hình. Ngay cả những việc vặt vãnh nhất cũng có thể tạo nên khác biệt to lớn. Chẳng hạn, có thể bạn cảm thấy ức chế vì những người xung quanh bạn thường xuyên nói to, cười lớn, vứt đồ ăn thừa lung tung trong phòng bếp cơ quan, bày biện giấy tờ bừa bãi. Sau khi xác định những yếu tố khiến bạn mất vui, bạn hãy cố gắng thay đổi tình hình. Chẳng hạn, bạn có thể gửi e-mail tới mọi người để thông báo rằng bạn sẽ tình nguyện dọn rác mà họ vứt bừa bãi sau khi ăn uống trong phòng bếp vào hôm thứ hai hàng tuần. Trong thư bạn cũng đề nghị ai đó tình nguyện làm việc tương tự vào những ngày khác. Sau một thời gian có lẽ tình trạng vứt rác bừa bãi sẽ chấm dứt.
Kết bạn với nhiều người
Những người có mối quan hệ thân thiết và bền chặt thường tỏ ra hài lòng với cuộc sống hơn người khác. Mối quan hệ của bạn với các đồng nghiệp có thể là nhân tố tác động lớn nhất tới mức độ thỏa mãn trong công việc. Bạn nên tỏ ra hòa đồng với mọi người, thường xuyên chào hỏi, tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện với họ. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ nói quá sâu về những chuyện cá nhân. Hãy để đời tư của đồng nghiệp bên ngoài cơ quan. Nếu bạn không thích ai đó, bạn nên cố gắng tìm ra lý do và cố gắng khắc phục để có thể kết bạn với người đó.
Tự đặt ra mục tiêu ngắn hạn
Nhiều người chán việc khi họ không biết chắc điều gì chờ đợi họ trong tương lai hoặc công việc hiện tại không phục vụ mục đích lâu dài nào đó. Vì thế bạn nên tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, như yêu cầu được học thêm kỹ năng hoặc công nghệ mới. Bạn cũng nên nói chuyện với cấp trên để xem “sếp” muốn bạn làm gì trong tương lai. Nếu những việc hàng ngày quá đơn điệu, hãy cố gắng hoàn thành chúng trong thời gian nhanh nhất có thể. Trong nỗ lực giảm thời gian thực hiện công việc, bạn sẽ tìm thấy niềm vui nho nhỏ khi khoảng thời gian rảnh rỗi mà bạn tự dành được ngày càng tăng.
Xin những thứ cần thiết
Có thể bạn cần một chiếc ghế mới hoặc nâng cấp màn hình máy tính để tránh cảm giác nhức mắt. Nếu thực sự có nhu cầu như thế, bạn nên đề đạt nguyện vọng bằng những lý do cụ thể và hợp lý. Bạn hãy nêu những lợi ích mà công ty sẽ đạt được nếu đáp ứng yêu cầu của bạn. Nên nhớ rằng một thứ đơn giản như không gian làm việc ngăn nắp cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy sung sướng hơn và tập trung hơn.