Hiện tôi đang làm cho một khách sạn nhà nước, vị trí nhân viên kinh doanh. Thu nhập của tôi khá ổn định, chế độ thưởng lễ, tết khá tốt. Tuy nhiên tôi phải kiêm nhiều việc: nhân viên kinh doanh – tiếp thị, marketing, chăm sóc khách hàng, thỉnh thoảng làm phục vụ bàn, lễ tân đón khách, hướng dẫn viên…
Ảnh minh họa
Hiện tôi đang có cơ hội làm vị trí trưởng nhóm chăm sóc khách hàng ở một công ty nước ngoài với mức lương cao hơn một chút. Nhưng thời điểm này là gần tết, nếu tôi quyết định từ bỏ công việc hiện tại có nghĩa là từ bỏ hết các khoản tiền thưởng tết cuối năm (gần 20 triệu đồng).
Ở công ty mới tôi sẽ có cơ hội phát triển hơn trong tương lai, môi trường tốt hơn, công việc yêu thích hơn nhưng phải làm theo ca kíp và làm lại từ đầu ở môi trường mới để có mức thu nhập cả năm bằng với con số ở công ty hiện tại. Tôi đang cân nhắc rất nhiều vì sợ quyết định sai sẽ ân hận. Mong ban tư vấn chia sẻ giúp tôi.
Chào bạn. Bất kỳ một lựa chọn nào cũng có tính hai mặt và tồn tại độ rủi ro nhất định. Vậy làm thế nào để tránh “quyết định sai”, để giảm thiểu “nỗi ân hận” về sau?
Hướng dẫn của chúng tôi dành cho bạn là: hãy lắng nghe sự mách bảo của trái tim – bạn cần trao đổi với bản thân để tìm hiểu nhu cầu thật sự của chính mình.
Ngay tại thời điểm này, điều gì thật sự có ý nghĩa quan trọng với bạn, điều gì bạn sẽ ưu tiên thực hiện hàng đầu? Đó là cơ hội thăng tiến hay thu nhập và các khoản tiền thưởng? Vị trí trưởng phòng chăm sóc khách hàng hay công việc kinh doanh kiêm nhiều việc khác? Bạn cần môi trường làm việc mới, công việc yêu thích, làm theo ca hay bạn yêu công việc ổn định trong một môi trường quen thuộc?…
Tất cả là sự chọn lựa của bạn. Bạn muốn điều gì? Bạn thích làm gì? Và mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn là gì? Một công việc gắn liền với niềm đam mê và phù hợp với mục tiêu lâu dài của bạn sẽ là nguồn năng lượng thúc đẩy bạn tiến tới đỉnh thành công.
Ngoài việc cân nhắc các câu hỏi quan trọng trên, một giải pháp hiệu quả khác dành cho bạn để hạn chế rủi ro: hãy suy nghĩ trên giấy. Với mỗi lựa chọn, bạn hãy vẽ một bảng có bốn ô vuông, mỗi ô lần lượt tương ứng với từng nội dung: điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, cơ hội và rủi ro (khó khăn) có thể gặp phải trong tương lai của lựa chọn đó.
Sau khi hoàn thành hai bảng này, bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về những thuận lợi cũng như khó khăn riêng của mỗi lựa chọn. Từ đó, bạn có thể tiến hành so sánh và có quyết định sáng suốt nhất có thể.
Công việc tiềm năng cho bạn là công việc yêu thích phù hợp với nhiều sở trường bản thân, ẩn chứa nhiều cơ hội và có mức độ rủi ro tương đối chấp nhận được.
– Tư vấn của bà Đậu Thị Thùy Trang – chuyên viên tư vấn tuyển dụng HRVietnam.com:
Chào bạn. Trong cuộc sống và công việc, đôi khi chúng ta cũng gặp trường hợp khiến mình phải đắn đo suy nghĩ nhiều lần. Trường hợp của bạn, tôi đồng cảm với bạn khi phải suy nghĩ giữa công sức mình đã đóng góp với công ty hiện tại và cơ hội cho tương lai.
Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc cẩn thận công việc nào là phù hợp với bản thân nhất, cơ hội phát triển tốt nhất; đôi khi yếu tố thu nhập trong công việc cũng cần cân nhắc với những cơ hội, các giá trị khác mà công việc có thể mang lại.
Khi thay đổi công việc, bạn cần tìm kiếm các công việc tương đồng và phù hợp với những gì mình có. Bạn thay đổi công việc không phải là để bắt đầu lại từ đầu mà là một bước phát triển bản thân và tìm kiếm cơ hội mới trong tương lai. Vì vậy, bạn không cần phải suy nghĩ tiêu cực là sẽ “bắt đầu lại từ đầu”.
Theo quan điểm khách quan, bạn cần đánh giá, nhìn nhận và xem xét thật cẩn thận giữa cơ hội nghề nghiệp hiện tại và nghề nghiệp tương lai, vì khi làm việc bạn cũng cần phải trải qua và nỗ lực một thời gian khá dài để thu nhận được những thành quả của mình, chứ không phải nhất thời có thể đánh giá được công việc nào tốt hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần xem lại mục tiêu hiện tại của bạn là gì, và từ đó bạn sẽ tìm ra những biện pháp tốt nhất để bám sát mục tiêu mà mình đặt ra.