Nói “không” với sếp một cách khéo léo

Nhiều người không dám hoặc e ngại khi từ chối yêu cầu của sếp vì sợ mất lòng. Tuy nhiên với những “bí kíp” sau đây, bạn vẫn có thể nói “không” với sếp một cách khéo léo:

Ảnh minh họa


Đưa ra lý do thích đáng
Bạn không nên từ chối yêu cầu của sếp với lý do bạn không thích làm công việc đó hoặc bạn đang nghỉ cuối tuần…
Thay vào đó, hãy đưa ra lý do thích hợp để sếp hiểu vì sao bạn không thể đảm nhận công việc hay yêu cầu của sếp. Nếu bạn diễn đạt một cách logic, thuyết phục, sếp sẽ nhanh chóng đồng tình với bạn.

Cân nhắc kỹ
Trước khi quyết định từ chối sếp, bạn hãy dành thời gian liệt kê những cái được và cái mất khi nhận lời/từ chối sếp. Ví dụ nếu bạn làm theo yêu cầu của sếp, bạn sẽ được gì, mất gì. Còn nếu bạn từ chối sếp, bạn sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong tương lai và bạn sẽ làm gì nếu sếp không chấp nhận lý do mà bạn đưa ra.

Dùng ngôn từ lịch sự, tôn trọng sếp
Bạn sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ bị “mất điểm” khi từ chối yêu cầu của sếp bằng cách dùng ngôn ngữ lịch sự và luôn luôn tỏ ra tôn trọng sếp. Trong quá trình giao tiếp với sếp, tránh dùng những cụm từ như “tôi ghét”, “tôi không thích”, “tôi không muốn làm”… và tỏ thái độ cáu gắt.
Hãy bằng cách nào đó cho sếp thấy rằng bạn rất muốn hoàn thành nhiệm vụ sếp giao hoặc rất muốn giúp sếp, nhưng thật sự việc đó vượt quá khả năng của bạn hoặc đây không phải thời điểm thích hợp…

Thừa nhận những điểm hạn chế
Nhiều người cho rằng thật mất mặt khi thừa nhận điểm yếu của mình trước người khác, nhất là sếp. Thế nhưng nếu vì xấu hổ và tự ái cá nhân mà bạn nhận bừa việc sếp giao, để rồi không thể hoàn thành tốt việc đó, thậm chí gây ra hậu quả nặng nề thì thật khôn lường.
Lời khuyên dành cho bạn trong trường hợp này là hãy thành thật chia sẻ với sếp rằng khả năng làm việc của bạn có hạn hoặc công việc đó quả thật không thuộc sở trường của bạn, rằng bạn cần có thêm thời gian, cần phải học hỏi thêm để tích lũy kinh nghiệm cũng như kiến thức… Chắc chắn sếp sẽ không có lý do gì để giận bạn hoặc gây khó khăn cho bạn, ngược lại bạn còn được đánh giá là người thành thật trong công việc.

Hãy nói “không” sớm nhất có thể
Bạn không nên từ chối sếp ngay khi sếp vừa dứt lời, bởi bạn cần có thời gian suy nghĩ, cân nhắc vấn đề. Thế nhưng cũng đừng chần chừ, chậm trễ bởi sự im lặng của bạn có thể được hiểu như bạn đã đồng ý.
Ngay khi đã tìm được lý do thích đáng, đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, bạn nên có cuộc nói chuyện thẳng thắn và rõ ràng với sếp để sếp giao nhiệm vụ cho người khác, như vậy sẽ đảm bảo được tiến độ công việc và kế hoạch của sếp.

Tạo niềm tin đối với sếp
Bạn nên chăm chỉ hơn trong công việc và thể hiện sự cố gắng, nỗ lực hết mình để tạo niềm tin với sếp. Có thể bạn không có khả năng đảm trách nhiệm vụ sếp giao nhưng hãy cho sếp thấy bạn đang làm rất tốt công việc hiện tại, đây sẽ là “cái cớ” tuyệt vời để tạo niềm tin với sếp trong những lần sau.

Lựa chọn thời điểm thích hợp
Điều này rất quan trọng vì nếu bạn từ chối yêu cầu của sếp khi sếp đang rất bận rộn hoặc đang có việc cần giải quyết thì chẳng khác nào bạn “châm ngòi” cho cơn thịnh nộ của sếp.
Thay vào đó, hãy chọn đúng thời điểm, lúc sếp vui vẻ, có thời gian rảnh rỗi hoặc khi bạn có cơ hội nói chuyện riêng với sếp.
Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý không nên từ chối khi có khả năng giải quyết công việc sếp giao, vì có thể bạn sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến hoặc bị sếp đánh giá là lười biếng.