Sáng 6-5, tại TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 10 góp ý cho Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: T.Hòa.
Gỡ bỏ rào cản
Tại phiên họp, các ý kiến góp ý của các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Bởi trên thực tế hiện nay, còn nhiều rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm tạo động lực mới cho các doanh nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo, từ đó để người dân có thể kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Sau phiên họp này, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một số điều khoản của Luật chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp… Cần phải luật hóa tối đa những quy định mà thực tiễn đòi hỏi, hạn chế các quy định hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đặc biệt quan tâm đến yếu tố công khai, minh bạch.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc Luật khẳng định doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm là một quy định tiến bộ, đúng với tinh thần của Hiến pháp mới. Nhưng để làm được điều này, ông Kiêm cho rằng Chính phủ cần nêu rõ những gì pháp luật cấm để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Một số đại biểu cũng cho rằng, muốn tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam đã khá sâu rộng thì dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không nên có chương riêng về doanh nghiệp Nhà nước, mà ở đây cần có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Hạn chế lĩnh vực cấm
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập doanh nghiệp ở nước ta còn rườm rà. So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới năm 2013, khởi sự doanh nghiệp ở nước ta gồm 10 thủ tục, với tổng thời gian khoảng 34 ngày, xếp hạng 109/189 quốc gia và nền kinh tế.
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, theo thống kê của bộ này, hiện nay đang có 400 loại giấy phép con, 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, trong đó có nhiều lĩnh vực cấm rất “vớ vấn”. Từ thực tế này, ông Vinh cho rằng, để quy định cụ thể trong luật, những vấn đề cấm hiện nay đang được Ban soạn thảo rà soát đến tháng 10 -2014 để chốt lại các lĩnh vực, ngành nghề cấm. Có thể được thể hiện bằng nghị định của Chính phủ hoặc phụ lục kèm theo Luật. Làm được điều này sẽ tháo gỡ được rất nhiều rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thế Trường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số doanh nghiệp FDI kiến nghị rất thẳng, họ cho rằng, rất hoang mang về môi trường pháp lý của Việt Nam. Vì pháp luật không ổn định, có nhiều mâu thuẫn, văn bản của một số bộ, ngành có nội dung “đá” nhau, doanh nghiệp và xã hội mất nhiều thời gian và chi phí hoạt động, giảm sức cạnh tranh của DN. Đáng chú ý, nhiều quy định hướng dẫn chỉ làm dễ cho cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn như Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, khi vận chuyển ô tô phải rút hết xăng, nhưng công nghệ hiện nay lại không thể rút hết toàn bộ xăng trong xe được, dẫn đến không thực hiện được.
Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu 16 ý kiến tham gia góp ý tại cuộc họp, để cùng nhau xây dựng Luật Doanh nghiệp thông thoáng nhưng phải quản lý được…/.
Theo Báo Hải Quan