Từ ngày 1-1-2015, Luật Việc làm quy định về phát triển việc làm, quản lý lực lượng lao động, dịch vụ việc làm, tuyển và đăng ký sử dụng lao động… dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử về việc làm, bảo đảm cơ hội có việc làm cho mọi người lao động sẽ có hiệu lực. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
ảnh minh họa
Chúng ta đã có Bộ luật Lao động và một số luật khác có liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, xin ông cho biết, việc ban hành thêm Luật Việc làm có tạo nên sự chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật hay không?
Mỗi luật được ban hành có phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội hàm khác nhau, do đó không thể có sự trùng lặp hay chồng chéo. Luật Việc làm là sự thể chế hóa quy định của Nhà nước về quyền “mọi công dân đều có quyền có việc làm”, đặc biệt là xác định rõ hơn quyền lợi của những lao động thuộc khu vực phi chính thức.
Như chúng ta đã biết, hiện nay ở Việt Nam, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) có trên 50 triệu người, trong đó có khoảng 1,3 triệu người chưa có việc làm. Do đó, việc ban hành Luật Việc làm là hết sức cần thiết, góp phần khắc phục các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.
Những quy định về BHTN tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 đã được thay thế bằng các quy định về BHTN tại Luật Việc làm. Ông có ý kiến gì về sự thay đổi này?
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, phần lớn các nước quy định chính sách BHTN hay bảo hiểm việc làm tại một văn bản luật riêng hoặc quy định trong Luật Việc làm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Argentina, Mông Cổ… Chỉ có một số nước quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như Thái Lan và Mỹ. Điều này xuất phát từ mục tiêu của BHTN có khác biệt so với bảo BHXH.
BHTN là bảo hiểm ngắn hạn, nhằm hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm; hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp. Còn với BHXH, trong đó trụ cột chính là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm dài hạn là sự bảo đảm, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi nghỉ hưu…
Nghiên cứu kỹ có thể thấy việc chuyển chính sách BHTN từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như triển khai thực hiện chính sách này.
So với quy định cũ, đối tượng bắt buộc tham gia BHTN trong Luật Việc làm đã được mở rộng. Trong bối cảnh hiện nay, điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?
Theo Luật Việc làm thì BHTN được áp dụng bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Còn BHTN trong Luật Bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên và người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên. Việc mở rộng đối tượng người lao động bắt buộc tham gia BHTN sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đối tượng người lao động. Quy định này có ý nghĩa to lớn, gián tiếp góp phần giảm tình trạng lao động thất nghiệp, giảm bớt khó khăn gánh nặng cho các doanh nghiệp đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế còn khủng hoảng như giai đoạn hiện nay.
Hiện đang tồn tại tình trạng số người đăng ký BHTN gia tăng nhưng những quy định về hỗ trợ tìm việc làm cho người thất nghiệp vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Luật Việc làm có khắc phục được tình trạng này không, thưa ông?
Luật Việc làm có khắc phục và cải thiện tình trạng hiện nay hay không phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện và triển khai luật. Trên thực tế, cũng đã diễn ra nhiều trường hợp người lao động lợi dụng quy định về BHTN để trục lợi từ quỹ này hoặc cán bộ công nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gây khó dễ cho người lao động. Ngày 1-1-2015 Luật Việc làm mới bắt đầu có hiệu lực. Để đánh giá hiệu quả thi hành luật này thì cần thêm một thời gian nữa.
Thưa ông “Dịch vụ việc làm” là một thuật ngữ mới xuất hiện tại Luật Việc làm, quy định này có ý nghĩa thế nào đối với thị trường lao động?
Thực chất, đây không phải là một thuật ngữ mới. Quy định về tổ chức dịch vụ việc làm đã được quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, trong Luật Việc làm, quy định về “dịch vụ việc làm” được làm rõ hơn, bao gồm: Tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động. Các quy định này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam hiện nay. Đó chính là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện giúp người lao động được làm những công việc phù hợp với nguyện vọng và trình độ của mình, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần giúp xã hội phát triển lành mạnh.
Theo Báo Hải Quan