Đưa 80 nhóm mặt hàng vào danh mục quản lý rủi ro

Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định số 1114/QĐ-TCHQ ngày 10-4-2014 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá và các mức giá tham chiếu kèm theo.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Đà Nẵng. Ảnh: M.Hùng.

Cụ thể, có 25 nhóm mặt hàng và trên 60 mức giá tham chiếu được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá.
Tại Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá có 55 nhóm mặt hàng và trên 4.400 mức giá tham chiếu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), mức giá kiểm tra ban hành kèm theo Danh mục được Tổng cục Hải quan xây dựng gần nhất với giá thực tế giao dịch mua bán của doanh nghiệp, cùng với đó là dựa trên cơ sở tổng hợp, phân tích từ các nguồn thông tin quy định như: Giá thực thanh toán do cơ quan Hải quan điều tra, xác minh tại nước xuất khẩu, giá bán trên thị trường trong nước, giá chào bán trên các website có độ tin cậy cao, giá giao dịch do doanh nghiệp khai báo; Giá do Cơ quan Hải quan đã kiểm tra và xác định sau tham vấn. Ngoài ra còn có thông tin giá do các Hiệp hội ngành hàng cung cấp, doanh nghiệp sản xuất kiến nghị… 
Các danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá nêu trên thay thế các Danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu về giá cấp Tổng cục, cấp Cục hiện hành. Việc xây dựng và ban hành Danh mục và mức giá tham chiếu nêu trên có kế thừa từ các Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu, Danh mục rủi ro hàng xuất khẩu cấp Tổng cục, cấp Cục. Đồng thời có cập nhật mặt hàng thuộc Danh mục theo các tiêu chí quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTC và các thông tin mới nhất để xây dựng mức giá tham chiếu gần sát với giá thực tế giao dịch của Doanh nghiệp. 
Theo quy định tại Thông tư 29/2014/TT-BTC, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Danh mục rủi ro hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá, Danh mục hàng nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo là công việc thực hiện thường xuyên, nhiều lần trong năm tùy theo yêu cầu quản lý từng thời kỳ, phù hợp với sự biến động của giá cả thị trường. 
Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá, Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo là cơ sở để cơ quan Hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan, xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hiện tham vấn trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc thực hiện kiểm tra sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định, không sử dụng để áp đặt trị giá tính thuế như là giá tối thiểu, được lưu hành nội bộ và sử dụng thống nhất trong ngành Hải quan.
Việc ban hành Danh mục quản lý rủi ro nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm theo Quyết định số 1114/QĐ-TCHQ ngày 10-4-2014 là công việc thường xuyên của Cơ quan Hải quan để nâng cao hiệu quả kiểm soát trị giá khai báo của doanh nghiệp, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa hàng hóa xuất nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp trong khai báo trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần hạn chế tình trạng khai báo giá không phù hợp với giao dịch thực tế của doanh nghiệp, đấu tranh có hiệu quả với hành vi gian lận thương mại qua giá, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Trước đây, theo quy định tại Thông tư số 205/2010/TT-BTC thì thẩm quyền ban hành Danh mục quản lý rủi ro về trị giá gồm có 2 cấp: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền ban hành Danh mục quản lý rủi ro cấp Tổng cục và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có thẩm quyền ban hành Danh mục quản lý rủi ro cấp Cục.
Nay theo quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26-2-2014 của Bộ Tài chính, chỉ có Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thẩm quyền xây dựng ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá, Danh mục hàng nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.
Việc quy định giao thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá như vậy đã tạo ra sự tập trung, thống nhất của Danh mục mặt hàng và mức giá tham chiếu, khắc phục được bất cập, tồn tại của việc giao thẩm quyền ban hành Danh mục cấp Cục cho cục Hải quan địa phương trước đây.
Đồng thời cũng tránh được việc cùng một mặt hàng nhưng có cục Hải quan địa phương đưa vào danh mục rủi ro, có địa phương không đưa vào danh mục rủi ro hoặc cùng đưa vào danh mục rủi ro nhưng mức giá kiểm tra có sự khác biệt do thông tin giá xây dựng Danh mục khác nhau, dẫn đến việc thiếu thống nhất trong quản lý giá của cùng một mặt hàng, dễ bị lợi dụng để gian lận trốn thuế.

 

Theo Báo Hải Quan