Bản Quẩn sẽ thành điểm thông quan XK?

Việc thí điểm XK gạo qua Bản Quẩn (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã tạo điều kiện để thông thương hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn gặp phải, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai kiến nghị chưa nâng cấp địa điểm này thành điểm thông quan XK.

Xe hàng xếp hàng dài (trong đó có xe gạo) chờ XK tại bản Vược.


Lợi ích
XK gạo của Việt Nam từ năm 2013 đã chịu nhiều áp lực, cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và các nước XK lớn khác khiến nguồn cung trong nước dư thừa. Nhận định tình hình này, Bộ Công Thương đã cho phép thí điểm XK gạo qua khu vực Bản Quẩn nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực tồn kho cho DN. Nếu trước đây, mặt hàng gạo chủ yếu XK qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát) thì nay gạo có “thêm cửa” để XK. Việc XK gạo tại Bản Quẩn được thực hiện từ tháng 7-2013 đến 31-3-2014. Tính từ đầu năm đến ngày 10-3, XK gạo qua khu vực Bản Quẩn đạt 78.000 tấn, trị giá 30 triệu USD. Tính chung, lượng gạo XK qua tỉnh Lào Cai từ đầu năm đến ngày 10-3 đạt 115.000 tấn, trị giá 45 triệu USD.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, việc Bộ Công Thương và các bộ, ngành cho phép thực hiện thí điểm XK gạo qua khu vực Bản Quẩn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, đẩy mạnh XK nông sản Việt Nam sang thị trường vùng Tây Nam (Trung Quốc). Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho hay, việc thực hiện thí điểm này đã góp phần đẩy mạnh XK, tiêu thụ nông sản cho nông dân, tháo gỡ khó khăn cho các DN XK và giảm tải lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai.
Để đảm bảo hoạt động XK gạo đi vào ổn định, UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ công nhận chính thức địa điểm Bản Quẩn là điểm thông quan XK, cho phép XK hàng hóa qua đây, trong đó chú trọng các mặt hàng nông sản như gạo, ngô, sắn, chuối… và một số mặt hàng công nghiệp chế biến như đường, cao su… Phía Bộ Công Thương cũng đồng ý với đề xuất này và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm thủ tục báo cáo Bộ Công Thương để Bộ này báo cáo Chính phủ.
Chưa nên nâng cấp
Trong bối cảnh tiêu thụ gạo khó khăn hiện nay, chủ trương của các bộ, ngành trong việc cho XK gạo tồn kho được ủng hộ. Là một trong những DN XK gạo qua Bản Quẩn, mỗi ngày Công ty TNHH Liên doanh XNK Thành Phát XK được 1.000 tấn gạo. Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐTV của DN này cho biết, giờ giao dịch hàng hóa thường diễn ra từ 16h đến 22h. Nguyên nhân của việc XK “ngoài giờ” là do hiện nay chính sách quản lý tại khu vực Bản Quẩn mang tính đặc thù, không đồng nhất với chính sách quản lý của Trung Quốc nên Trung Quốc không bố trí lực lượng để kiểm tra, kiểm soát tại đây. Do vậy, lực lượng quản lý và DN hoàn toàn bị động.
Phó Chi cục trưởng Nguyễn Thế Hùng cho hay, hàng hóa XK chủ yếu làm ngoài giờ hành chính nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và giải quyết thủ tục hải quan, số lượng gạo XK phụ thuộc hoàn toàn vào phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, bến bãi neo đậu bốc xếp hàng còn chật hẹp, chưa có bãi kiểm tra hàng hóa, chưa có kho chứa hàng hóa tại cửa khẩu, phương tiện bốc xếp hàng hóa còn thiếu, người ra vào khu vực này rất lộn xộn, khả năng mất an ninh cao… Với những khó khăn chưa được giải quyết, ông Nguyễn Thế Hùng kiến nghị, chưa nên nâng cấp khu vực Bản Quẩn thành điểm thông quan XK chính thức .

Theo Báo Hải Quan